00:27 ngày 25/11/2024 | HOTLINE : 0983.883.366 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666
DÒNG SỰ KIỆN

Những chiến lược để phục hồi của ngành thực phẩm và đồ uống

Tú Chi | 07:37 18/09/2024

(THPL) - Mở rộng thị trường mới là một trong những chiến lược để phục hồi của ngành thực phẩm và đồ uống tại Việt Nam. Điều này không chỉ giúp doanh nghiệp giảm thiểu rủi ro từ cạnh tranh nội địa mà còn mở ra cơ hội tăng cường vị thế tại thị trường quốc tế, đi kèm với yêu cầu nâng cao chất lượng sản phẩm và áp dụng mô hình sản xuất bền vững hơn.

Tại kết quả khảo sát doanh nghiệp F&B 2024 của Vietnam Report cho biết, chiến lược về tìm kiếm thị trường mới là một trong các chiến lược có mức độ tăng trưởng mạnh nhất với tỷ lệ tăng tới 24,0% so với năm 2023. Điều này phản ánh xu hướng các doanh nghiệp không chỉ tập trung vào việc củng cố thị phần hiện có mà còn tích cực mở rộng sang những thị trường tiềm năng để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng ngày càng thay đổi và tạo điều kiện cho sự tăng trưởng bền vững.

Nguyên nhân chính dẫn đến sự dịch chuyển này bao gồm sự bão hòa của thị trường hiện tại, nhu cầu tiêu dùng đa dạng với sự gia tăng của các sản phẩm xanh và có giá trị dinh dưỡng cao, cùng áp lực cạnh tranh trong nước. Việc mở rộng thị trường mới không chỉ giúp doanh nghiệp giảm thiểu rủi ro từ cạnh tranh nội địa mà còn mở ra cơ hội tăng cường vị thế tại thị trường quốc tế, đi kèm với yêu cầu nâng cao chất lượng sản phẩm và áp dụng mô hình sản xuất bền vững hơn.

Nguồn: Vietnam Report, Tổng hợp Khảo sát doanh nghiệp F&B, tháng 08/2022-08/2024

Bên cạnh đó, chiến lược về tăng cường đầu tư và ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) để hỗ trợ quản lý và vận hành là một trong những ưu tiên hàng đầu của các doanh nghiệp F&B trong năm 2024. Việc áp dụng CNTT không chỉ giúp doanh nghiệp tối ưu hóa quy trình sản xuất và quản lý mà còn nâng cao hiệu quả hoạt động và cải thiện khả năng ra quyết định dựa trên dữ liệu.

Trong bối cảnh ngành F&B đối mặt với những thách thức mới về cạnh tranh, xu hướng tiêu dùng và yêu cầu phát triển bền vững, việc đầu tư vào CNTT giúp các doanh nghiệp tăng cường khả năng cạnh tranh, cải thiện chất lượng dịch vụ và đáp ứng nhanh chóng nhu cầu thay đổi của thị trường.

Doanh nghiệp thực phẩm và đồ uống cần chú trọng hành trình “xanh hóa”

Hiện nay, dù tiềm năng tăng trưởng lớn, thế nhưng ngành F&B cũng là ngành tạo ra phát thải không nhỏ. Theo số liệu được chia sẻ từ hội thảo “Kiểm kê và giảm nhẹ phát thải khí nhà kính cho doanh nghiệp sản xuất F&B”, phát thải từ ngành F&B chiếm khoảng 26% lượng khí thải toàn cầu, con số này có thể tăng gần gấp đôi vào năm 2050. Nhận thức rõ những điều này, không ít doanh nghiệp trong ngành F&B của Việt Nam đang nỗ lực đưa ra nhiều giải pháp để xanh hoá, phát triển bền vững. 

Theo kết quả khảo sát Doanh nghiệp F&B của Vietnam Report, 66,7% số doanh nghiệp F&B tham gia khảo sát cho rằng việc thực thi và đáp ứng tiêu chí đánh giá tiêu chuẩn môi trường, xã hội và quản trị (ESG) có ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động kinh doanh và khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp.

Kết quả khảo sát cũng chỉ ra khoảng 71,2% số doanh nghiệp cho rằng việc triển khai chiến lược phát triển bền vững có thể nâng cao giá trị thương hiệu của mình. Khi các yếu tố thúc đẩy xanh hóa ngày càng tăng, 92,6% doanh nghiệp F&B khẳng định Phát triển bền vững có nằm trong trọng tâm chiến lược kinh doanh năm 2024.

Hiện tại, 83,3% doanh nghiệp cho biết đã và đang trong quá trình lập kế hoạch và triển khai cam kết ESG như một công cụ hữu hiệu để phát triển bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh. Một tín hiệu tích cực là không chỉ về mặt nhận thức, thực tiễn cũng đang có những chuyển biến khả quan hơn khi tỷ lệ thực sự bắt tay hành động để triển khai một phần hoặc toàn diện cam kết ESG chiếm phần lớn trong số này (55,0%).

Nguồn: Vietnam Report, Tổng hợp Khảo sát doanh nghiệp F&B, tháng 08/2024

Trong ba khía cạnh của ESG (Environmental - Môi trường, Social - Xã hội, và Governance - Quản trị), khía cạnh Môi trường (Environmental) là yếu tố được các doanh nghiệp thực F&B quan tâm nhất. Điều này xuất phát từ nhiều lý do liên quan đến đặc thù ngành, yêu cầu từ thị trường, và áp lực từ người tiêu dùng.

Theo kết quả khảo sát người tiêu dùng F&B của Vietnam Report, có tới 92,1% người tiêu dùng đặc biệt quan tâm đến mức độ thân thiện với môi trường của bao bì sản phẩm (tăng 12,5% so với năm 2023). Điều này đã tạo ra áp lực đáng kể, buộc các doanh nghiệp phải điều chỉnh chiến lược bao bì để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao về tính bền vững.

Thực tế, 75,0% doanh nghiệp đã và đang chủ động chuyển đổi sang sử dụng các loại bao bì thân thiện với môi trường như một phần trong chiến lược dài hạn của họ. Trong thời gian gần đây, các doanh nghiệp trong ngành F&B đã chuyển hướng sang sử dụng bao bì làm từ bột giấy, nhựa sinh học hoặc các nguyên liệu tự nhiên, thay thế cho nhựa truyền thống nhằm giảm thiểu lượng rác thải nhựa và tác động tiêu cực đến môi trường.

Một số doanh nghiệp không chỉ dừng lại ở việc thay thế nguyên liệu mà còn tiến xa hơn bằng cách thiết kế các loại bao bì có thể tái sử dụng hoặc tái chế nhiều lần. Điều này giúp tối ưu hóa vòng đời của bao bì và giảm thiểu đáng kể lượng chất thải cuối cùng thải ra môi trường. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng không ngừng tìm kiếm các giải pháp giảm kích thước và trọng lượng của bao bì nhằm tiết kiệm tài nguyên và giảm khí thải trong quá trình vận chuyển.

 Ngoài việc chuyển đổi sang bao bì thân thiện với môi trường, các doanh nghiệp F&B cũng đã và đang đầu tư mạnh mẽ vào năng lượng tái tạo nhằm xây dựng một chuỗi sản xuất bền vững toàn diện. Việc sử dụng các nguồn năng lượng tự nhiên như năng lượng mặt trời không chỉ giúp giảm thiểu lượng phát thải khí nhà kính mà còn tối ưu hóa chi phí vận hành trong dài hạn. Nhiều nhà máy sản xuất đã lắp đặt hệ thống pin mặt trời trên mái nhà xưởng, cung cấp năng lượng cho toàn bộ nhà máy sản xuất.

Sự đầu tư vào năng lượng tái tạo đã mang lại “trái ngọt” cho nhiều doanh nghiệp F&B, mở ra cơ hội cho các doanh nghiệp khi thâm nhập vào các thị trường có yêu cầu cao về trách nhiệm môi trường như châu Âu và Bắc Mỹ. Hơn nữa, việc áp dụng công nghệ cao trong quản lý năng lượng thông minh cũng giúp tối ưu hóa việc sử dụng năng lượng, giảm thiểu lãng phí và cải thiện hiệu quả hoạt động.

Những nỗ lực này không chỉ bảo vệ môi trường mà còn nâng cao uy tín thương hiệu, thể hiện cam kết dài hạn của doanh nghiệp đối với sứ mệnh phát triển bền vững.

Tú Chi

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu