11:08 ngày 24/11/2024 | HOTLINE : 0983.883.366 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666
DÒNG SỰ KIỆN

Vĩnh Long: Luồng sinh khí mới cho làng nghề gạch gốm Mang Thít

Tiến Minh (Tổng hợp) | 08:55 24/11/2024

Làng nghề gạch, gốm đỏ tại huyện Mang Thít, một trong những làng nghề lâu đời và độc đáo nhất miền Tây, đang được tỉnh Vĩnh Long tập trung đầu tư phát triển. Mục tiêu là biến nơi đây thành biểu tượng mới, chuyển đổi từ mô hình sản xuất nông nghiệp truyền thống sang nền kinh tế dịch vụ hiện đại.

Theo Báo Dân Việt, làng nghề gạch, gốm đỏ tại huyện Mang Thít, tỉnh Vĩnh Long, với hơn 100 năm tuổi, được xem là làng nghề gạch, gốm đỏ lâu đời và độc đáo nhất miền Tây. Nơi đây từng phát triển mạnh mẽ, với 2.280 lò gạch và hơn 12.000 lao động, cung ứng hàng nghìn mẫu mã sản phẩm gốm đến nhiều quốc gia trên thế giới. Với sản lượng gần 50 triệu sản phẩm/năm và doanh thu ước tính 700 tỷ đồng, làng nghề đã góp phần quan trọng vào kinh tế tỉnh, nổi bật với thương hiệu "Gốm đỏ Vĩnh Long."

Làng nghề gạch, gốm đỏ tại huyện Mang Thít (làng nghề gạch, gốm đỏ lâu đời và độc đáo nhất miền Tây) (Ảnh: Dân Việt)

Tuy nhiên, sự gia tăng chi phí sản xuất, công nghệ lạc hậu và nhu cầu thị trường giảm đã khiến làng nghề dần suy yếu. Trong vòng một thập kỷ qua, hơn 1.250 lò gạch, gốm đã bị phá dỡ, hiện chỉ còn khoảng 850 lò hoạt động. Trước thực trạng đó, tỉnh Vĩnh Long đã triển khai nhiều biện pháp nhằm khôi phục và phát triển làng nghề, trong đó đáng chú ý là đồ án quy hoạch mới được phê duyệt vào ngày 15/11/2024.

Theo quy hoạch, khu vực làng nghề với quy mô 3.060 ha trải dài trên các xã Mỹ An, Mỹ Phước, Nhơn Phú và Hòa Tịnh sẽ được chia thành 9 phân khu, bao gồm khu nông nghiệp sinh thái gắn với lò gạch, gốm đỏ (hơn 1.000 ha) và các khu vực dịch vụ - du lịch, nghỉ dưỡng, đô thị và nông thôn (hơn 2.000 ha). Đến năm 2030, nơi đây dự kiến đạt 34.200 dân, trong đó lao động và du khách chiếm phần lớn, với số lượng lên đến 62.000 người vào năm 2045. Tỉnh cũng kêu gọi vốn xã hội hóa khoảng 3.500 tỷ đồng để đầu tư phát triển toàn diện khu vực này.

Theo TTXVN, Lễ khai mạc Festival "Gạch, gốm đỏ - Kinh tế xanh" diễn ra ngày vừa qua tại huyện Mang Thít là một trong những hoạt động xúc tiến quan trọng, nhằm quảng bá tiềm năng du lịch làng nghề. Sự kiện bao gồm hội chợ triển lãm với 700-800 gian hàng, hội thảo chuyên đề về kinh tế xanh, không gian trải nghiệm làng nghề, cùng các hoạt động xác lập kỷ lục Việt Nam độc đáo.

Làng nghề gạch, gốm đỏ Mang Thít không chỉ là biểu tượng truyền thống mà còn đang được định hướng trở thành khu du lịch trọng điểm, phát triển bền vững, gắn liền với kinh tế dịch vụ. Đây là cơ hội để địa phương khai thác tối đa tiềm năng, gìn giữ giá trị di sản và khơi dậy khát vọng làm giàu từ làng nghề của cộng đồng địa phương.

Tiến Minh (Tổng hợp)

TAG: THPL
Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu