13:05 ngày 21/11/2024 | HOTLINE : 0983.883.366 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666
DÒNG SỰ KIỆN

“Bỏ quên” đấu giá, Thung lũng hoa Hồ Tây kinh doanh trái phép gần 1 năm?

Minh Hoàng | 15:56 11/11/2024

THPL - Không chỉ là một vườn hoa bình thường tại trung tâm Hà Nội, Thung lũng hoa Hồ Tây đã trở thành một thương hiệu nổi tiếng, là địa điểm check-in không thể bỏ qua của giới trẻ Hà thành.

Kinh doanh dịch vụ trên đất nông nghiệp

Chỉ với cụm từ tìm kiếm “Thung lũng hoa Hồ Tây” trên thanh công cụ Google hoặc mạng xã hội Facebook, không khó để bắt gặp hàng loạt các bài đăng, hình ảnh của cá nhân và hội nhóm về các hoạt động từ lớn tới nhỏ như ăn hỏi, đám cưới, họp lớp, chụp ảnh cá nhân… được diễn ra tại khu vực “thung lũng hoa Hồ Tây” này.

Thung lũng hoa Hồ Tây là địa điểm thường xuyên được sử dụng để tổ chức các sự kiện quy mô lớn

Thực chất, cái tên “thung lũng hoa Hồ Tây” là do chủ đầu tư của loạt công trình được xây dựng kế bên Nhà máy xử lý nước thải Tây Hồ đặt ra. Trên thực tế, xét theo quy hoạch sử dụng đất đai của UBND quận Tây Hồ, gần như phần lớn “thung lũng hoa Hồ Tây” nằm trong diện tích đất mặt nước (ký hiệu MNC) và phần nhỏ còn lại thuộc diện tích đất bằng trồng cây hàng năm khác (ký hiệu BHK).

Phần lớn diện tích thung lũng hoa Hồ Tây là đất mặt nước và đất trồng cây lâu năm (theo quy hoạch đất đai quận Tây Hồ)

Do tính chất là đất nông nghiệp, việc thung lũng hoa Hồ Tây xuất hiện hàng loạt các công trình kiên cố như quán cà phê, nhà hàng, không gian tổ chức sự kiện… được sử dụng vào mục đích kinh doanh khiến không ít người đặt ra nghi vấn về tính pháp lý của các công trình này.

Ngày 05/11, trao đổi với phóng viên về các công trình tại thung lũng hoa Hồ Tây, ông Nguyễn Minh Hoài, Phó Chủ tịch UBND phường Nhật Tân cho biết, do thung lũng hoa Hồ Tây phù hợp với đề án thí điểm trồng hoa cây cảnh gắn với du lịch đã được quận Tây Hồ phê duyệt, nên các công trình phụ trợ đang hoạt động tại đây là không sai. Hiện một số công trình đang được tháo dỡ để phục vụ cho dự án mở rộng đường phố Nhật Chiêu.

Thế nhưng, tại cuộc trao đổi trước đó một ngày (ngày 04/11) ông Hoài lại cho hay, UBND phường Nhật Tân đã làm việc với chủ đầu tư của thung lũng hoa Hồ Tây, yêu cầu tháo dỡ các phần diện tích vi phạm (khu vực quán cà phê và gần 300m2 khu vực tổ chức hội nghị), để UBND phường chuẩn bị xin phê duyệt đề án thí điểm trồng hoa cây cảnh gắn với du lịch, sau đó sẽ tiến hành đấu giá thuê đất hàng năm. Ông cũng khẳng định việc tháo dỡ đã được diễn ra từ tuần trước đó.

Thực tế khảo sát của phóng viên tại thung lũng hoa Hồ Tây vào ngày 05/11, quả thực công trình quán cà phê tại đây đang được tháo dỡ, các nhân viên phục vụ tại đây cũng xác nhận công tác tháo dỡ là để giải phóng mặt bằng cho dự án mở rộng đường phố Nhật Chiêu, thế nhưng không liên quan gì đến xử lý sai phạm trong việc sử dụng đất nông nghiệp (nếu có). 

Công trình quán cà phê tại thung lũng hoa Hồ Tây đang được tháo dỡ

Đấu giá thuê đất chỉ là “hình thức”?

Theo một bài viết của báo điện tử Thanh Niên, UBND phường Nhật Tân đã được UBND quận Tây Hồ cho phép lập đề án “Trồng hoa cây cảnh tại khu vực Đầm Bẩy” để thực hiện thông qua hình thức đấu giá cho thuê quyền sử dụng đất tạm thời; thời hạn 1 năm ký lại một lần.

Nội dung đề án thể hiện, khu đất này chỉ được trồng các loại hoa, cây cảnh nghệ thuật, phù hợp quy hoạch chức năng là công viên cây xanh đô thị; kết hợp phát triển dịch vụ du lịch đồng bộ với hoạt động của không gian phố đi bộ quận Tây Hồ.

Ngoài ra, người trúng đấu giá có trách nhiệm lập quy hoạch chi tiết về các khu vực trồng hoa, cây cảnh nghệ thuật và các khu vực chức năng cần thiết khác. Đối với các công trình, UBND phường Nhật Tân chỉ cho phép chủ đầu tư xây dựng các công trình mang tính tạm thời, phù hợp và có chức năng phụ trợ thiết yếu cho du khách đến tham quan, chụp ảnh. Các phần công trình không phù hợp phải giải tỏa trước khi thực hiện ký hợp đồng.

Không chỉ phục vụ trồng hoa cây cảnh, thung lũng hoa Hồ Tây còn nhận đặt tiệc, cho thuê hội trường

Thế nhưng, chỉ duy nhất năm 2023 việc đấu giá được thực hiện, còn năm sau đó (2024) vẫn chưa tiến hành, điều này cũng đã được ông Nguyễn Minh Hoài, Phó Chủ tịch UBND phường Nhật Tân xác nhận. Đồng thời, ông Hoài cũng cho rằng việc tổ chức đấu giá có thể tiến hành rất nhanh, chỉ trong một, hai ngày là có kết quả.

Với việc chưa thông qua đấu giá thuê đất của năm 2024, có thể hiểu rằng chủ đầu tư của thung lũng hoa Hồ Tây đã và đang hoạt động mà không được phép từ đầu năm 2024 đến nay? Câu trả lời của vị Phó chủ tịch UBND phường Nhật Tân cũng khiến PV không khỏi băn khoăn về tầm quan trọng của công tác đấu giá quyền thuê đất tại thung lũng hoa Hồ Tây, phải chăng kết quả của công tác đấu giá đã luôn được xác định trước nên không cần đấu giá, thậm chí có tổ chức cũng sẽ rất chóng vánh?

Khu vực tổ chức sự kiện của thung lũng hoa Hồ Tây liệu có đúng với mục đích được phê duyệt của đề án "Trồng hoa cây cảnh tại khu vực Đầm Bẩy"?

Bên cạnh đó, loạt công trình được xây dựng kiên cố tại thung lũng hoa Hồ Tây đã và đang sử dụng lâu dài, được đưa vào nhiều hoạt động, sự kiện khác nhau khó có thể coi là “công trình mang tính tạm thời” theo quy định pháp luật và đề án đưa ra. Các nội dung như địa điểm, quy mô xây dựng công trình và thời gian tồn tại của công trình tạm này được UBND phường Nhật Tân phê duyệt thế nào cũng là một câu hỏi chưa có lời giải đáp.

Cho đến nay, qua nhiều cuộc trao đổi và thông tin, phóng viên chưa được UBND phường Nhật Tân cung cấp bất kỳ văn bản, giấy tờ nào liên quan đến hoạt động kinh doanh của chủ đầu tư, cũng như tính pháp lý của các công trình tại thung lũng hoa Hồ Tây này.

Minh Hoàng

TIN LIÊN QUAN
Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu