Dự án trăm tỷ ở Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật Vĩnh Long: Ai “bật đèn xanh” cho sai phạm?
THPL – Bất chấp hàng loạt kiến nghị chưa được giải quyết, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Vĩnh Long vẫn tổ chức lễ khởi công công trình trị giá hàng trăm tỷ đồng. Việc triển khai thi công giữa “tâm bão” kiến nghị không chỉ gây hoài nghi về tính minh bạch trong đấu thầu, mà còn đặt ra nguy cơ tiềm ẩn về chất lượng công trình, rủi ro pháp lý và trách nhiệm sử dụng ngân sách nhà nước.
Khởi công vội vã giữa “tâm bão” kiến nghị
Ngày 28/2, khi liên danh nhà thầu vẫn đang chờ cơ quan có thẩm quyền giải quyết kiến nghị, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Vĩnh Long vẫn tiến hành lễ khởi công dự án “Nhà nghiên cứu khoa học, ứng dụng và chuyển giao công nghệ”. Đây là công trình có tổng giá trị đầu tư lên đến hàng trăm tỷ đồng – có sử dụng phần lớn vốn ngân sách nhà nước.
Tuy nhiên, dự án đang bị chính các nhà thầu phản ánh là có dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng các quy định của Luật Đấu thầu. Trong đó, đáng chú ý là việc sửa đổi hồ sơ mời thầu được cho là đã làm sai lệch tiêu chí kỹ thuật ban đầu, đặc biệt liên quan đến phương pháp thi công móng – chuyển từ cọc ép sang cọc khoan nhồi, vốn không phù hợp với hồ sơ thiết kế gốc. Điều này có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng công trình và an toàn khai thác sau này.
Liên danh nhà thầu cho rằng các tiêu chí kỹ thuật, năng lực nhân sự, máy móc thiết bị trong hồ sơ mời thầu đã bị “làm méo mó” nhằm tạo lợi thế cho một đơn vị cụ thể. Mặc dù các kiến nghị đã được gửi lên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia, cơ quan chủ quản là Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội, hiện nay là Bộ Giáo dục và Đào tạo, nhưng đến nay vẫn không nhận được phản hồi minh bạch, cụ thể.
Luật đã rõ, nhưng trách nhiệm bị “ngâm”?
Theo khoản 4, Điều 91 của Luật Đấu thầu 2023, khi nhà thầu có kiến nghị và chưa được giải quyết trong thời hạn 5 ngày làm việc, người có thẩm quyền phải xem xét tạm dừng việc ký kết hoặc thực hiện hợp đồng. Đây là một quy định quan trọng nhằm bảo vệ quyền lợi hợp pháp của nhà thầu, đồng thời ngăn chặn kịp thời những hệ lụy pháp lý và tài chính nếu gói thầu có dấu hiệu sai phạm.
Tuy nhiên, tại Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật Vĩnh Long, tiến độ khởi công không những không bị gián đoạn mà còn được đẩy nhanh, tổ chức lễ khởi công long trọng, bất chấp các văn bản kiến nghị chưa được xử lý dứt điểm.
Đại diện nhà thầu bày tỏ lo ngại rằng nếu không làm rõ các vấn đề trong hồ sơ mời thầu, dự án có thể đối mặt với rủi ro pháp lý nghiêm trọng, gây thiệt hại cho ngân sách và mất niềm tin của xã hội.
“Việc thi công khi kiến nghị chưa được giải quyết không chỉ vi phạm luật, mà còn khiến nhà thầu không dám thi công đầy đủ trách nhiệm, do lo ngại khiếu kiện, điều chỉnh hồ sơ về sau. Ai sẽ chịu trách nhiệm nếu công trình gặp vấn đề kỹ thuật trong tương lai?” – đại diện liên danh nhà thầu chia sẻ.

Theo thông tin ghi trên biển báo công trình, đơn vị Tư vấn quản lý dự án là Công ty TNHH Tư vấn Đầu tư Xây dựng COVICO, (nơi mà tổ chuyên gia của Gói thầu gồm ông Lê Trung Hiếu; ông Hồ Vân Hùng làm việc)... tuy nhiên, tại gói thầu này, ông Lê Trung Hiếu và ông Hồ Vân Hùng lại tham gia với tư cách thành viên của Công ty TNHH Tư vấn Xây dựng và Dịch vụ Lê Gia Phát - đơn vị tư vấn lập E-HSMT và đánh giá E-HSDT.
Được biết, ông Lê Trung Hiếu, ông Hồ Vân Hùng, với vai trò là thành viên trong tổ chuyên gia chấm thầu của TNHH Tư vấn Đầu tư Xây dựng COVICO, đã chấm thầu Gói thầu số 1 Xây dựng các hạng mục công trình (trừ hệ thống kỹ thuật M&E; hệ thống phòng cháy chữa cháy, chống sét) thuộc Dự án Cải tạo, nâng cấp Bệnh viện Đa khoa Vĩnh Long (giai đoạn 2), và nhà thầu trúng thầu cũng chính là Liên danh Công ty CP Confitech Cửu Long - Công ty CP Xây dựng An Phú Gia, trùng hợp với nhà thầu trúng thầu tại dự án của trường ĐHSPKT Vĩnh Long (Công ty CP Confitech Cửu Long).
Công ty TNHH Tư vấn Đầu tư Xây dựng COVICO và ông Lê Trung Hiếu cũng đã chấm nhiều gói thầu mà Công ty CP Confitech Cửu Long trúng thầu. Sự khăng khít "vô tình hay hữu ý" giữa các thành viên tổ chuyên gia chấm thầu, cụ thể là ông Lê Trung Hiếu, với Nhà thầu là Công ty CP Confitech Cửu Long cũng đã được các cơ quan báo chí đặt dấu hỏi về sự minh bạch trong công tác chấm thầu.
Không thể để cơ sở giáo dục trở thành “vùng xám” của đấu thầu
Từ đầu tháng 3/2025, Bộ Lao động- Thương binh và xã hội đã sáp nhập với Bộ Nội vụ, vì vậy, Trường ĐHSPKT Vĩnh Long được chuyển giao về dưới sự quản lý của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Còn Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Tấn Dũng, phụ trách quản lý khối các trường đào tạo của Bộ này, cũng đã được bổ nhiệm vị trí mới là Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Điều đáng quan tâm hiện nay là vai trò giám sát của Bộ Giáo dục & Đào tạo – cơ quan chủ quản trực tiếp của trường. Trong khi các nhà thầu gửi đơn kiến nghị khắp nơi, thì phía Bộ vẫn chưa có động thái cụ thể ngoài một lời hứa hẹn mơ hồ từ Giám đốc Trung tâm Truyền thông - Sự kiện Bộ GD&ĐT: “Chúng tôi sẽ báo cáo và xin ý kiến chỉ đạo”.
Sự im lặng hoặc phản hồi theo kiểu “chờ chỉ đạo” không chỉ là thiếu trách nhiệm, mà còn làm xói mòn uy tín của ngành giáo dục – nơi lẽ ra phải là mô hình chuẩn mực về đạo đức và minh bạch.
Đặc biệt trong bối cảnh ngân sách đầu tư cho giáo dục đang được giám sát chặt chẽ, các dự án sử dụng vốn nhà nước càng cần được tổ chức một cách nghiêm túc, công khai và có trách nhiệm.
“Không thể để một ngôi trường đại học – nơi đào tạo kỹ sư, thầy cô – lại trở thành nơi xuất hiện những biểu hiện ‘lách luật’, tạo lợi ích nhóm qua các gói thầu thiếu minh bạch,” một chuyên gia về đấu thầu nhận định.
Dù hiệu trưởng nhà trường – ông Nguyễn Thanh Tùng – đã ký văn bản phản hồi cho rằng quy trình lựa chọn nhà thầu được thực hiện đúng quy định, nhưng những mâu thuẫn rõ ràng giữa phản ánh, kiến nghị của nhà thầu và hành động “nhanh tay” khởi công từ phía trường đã tạo ra sự nghi ngờ lớn.
Bộ Giáo dục & Đào tạo cần nhanh chóng tổ chức kiểm tra, xác minh và công bố kết luận chính thức về gói thầu này. Nếu phát hiện sai phạm, cần xử lý nghiêm để làm gương. Nếu không có sai phạm, cũng cần minh bạch hóa thông tin để chấm dứt những hoài nghi.

Trong một diễn biến liên quan, ngày 11/3/2025 vừa qua, liên danh nhà thầu đã gửi đơn kiến nghị đến Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (C03)- Bộ Công an để đề nghị cơ quan này sớm vào cuộc xác minh sự việc. Sau đó, ngày 22/3/2025, nhà thầu cũng tiếp tục gửi đơn kiến nghị đến Thanh tra Chính phủ.
Thương hiệu & Pháp luật sẽ tiếp tục theo sát diễn biến vụ việc, nhằm góp phần thúc đẩy sự minh bạch và thượng tôn pháp luật trong các dự án đầu tư công ngành giáo dục.
Sỹ Lam
Tin khác
Ngân hàng Phương Đông tiếp tục nằm trong Top Ngân hàng mạnh nhất Việt Nam
Thủ tướng chỉ đạo triển khai quyết liệt các giải pháp bảo đảm cung ứng điện
Vinmec được công nhận là Trung tâm xuất sắc về Dị ứng - Miễn dịch nhờ góp phần chuẩn hóa và nâng cao năng lực toàn ngành
Đề xuất tiếp tục giảm 2% thuế VAT đến hết năm 2026
Khoảng 170.000 tỷ đồng chi cho cán bộ thôi việc khi tinh gọn bộ máy
Cục Quản lý Dược yêu cầu tăng cường kiểm tra kinh doanh mỹ phẩm trên TikTok, Zalo
Bộ Công an sẽ tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động quảng cáo trên truyền thông
(THPL) - Bộ Công an sẽ phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động quảng cáo, kiểm duyệt nội dung...23/04/2025 15:45:55Dự báo giá xăng tăng mạnh trong kỳ điều hành ngày mai 24/4
(THPL) - Dựa vào diễn biến của giá xăng dầu thế giới, một số doanh nghiệp nhận định, giá xăng dầu trong nước tại kỳ điều hành ngày...23/04/2025 15:33:07Triển khai chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH trước ngày nghỉ lễ 30/4 – 1/5
(THPL) - Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam đã quyết định triển khai chi trả lương hưu và trợ cấp BHXH của tháng 5/2025 sớm hơn thông lệ cho hơn...23/04/2025 14:33:35Nhiều mẫu ô tô Trung Quốc vừa ra mắt tại Việt Nam đã đồng loạt giảm giá
(THPL) - Thị trường ô tô Việt Nam đầu năm 2025 chứng kiến làn sóng xe Trung Quốc gia nhập ngày càng mạnh mẽ, với sự xuất hiện của các...23/04/2025 13:45:39