10:29 ngày 18/01/2025 | HOTLINE : 0983.88.33.66 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 090.1111.388
DÒNG SỰ KIỆN

RCEP: Động lực mới thúc đẩy doanh nghiệp Việt Nam vươn xa

08:51 24/11/2024

Việc hội nhập kinh tế quốc tế thông qua các hiệp định thương mại tự do, đặc biệt là RCEP, mở ra cơ hội lớn để các doanh nghiệp tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Thông tin trên Báo Công Thương, Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), được coi là "siêu hiệp định", quy tụ 15 nền kinh tế châu Á - Thái Bình Dương, bao gồm 10 quốc gia ASEAN cùng 5 đối tác lớn là Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và New Zealand. Đây là khu vực chiếm khoảng 30% dân số thế giới với 2,2 tỷ người và sản lượng toàn cầu đạt 26,2 nghìn tỷ USD, tạo nên hiệp định thương mại lớn nhất thế giới.

Ảnh minh họa (Nguồn: Công Thương)

RCEP được xây dựng dựa trên các FTA hiện có giữa ASEAN và các đối tác, thiết lập một khu vực thương mại tự do thống nhất, thuận lợi cho thương mại và đầu tư. Đặc biệt, hiệp định này kết nối các nguồn cung nhập khẩu lớn và các đối tác FDI hàng đầu của Việt Nam, thúc đẩy sự gia tăng chuỗi sản xuất và cung ứng trong nội khối.

Sự liên kết chặt chẽ trong khu vực RCEP mang lại lợi thế cho Việt Nam, khi nguồn cung và đầu ra của nhiều sản phẩm đều nằm trong khu vực này. Việc có một bộ quy tắc xuất xứ thống nhất giúp doanh nghiệp Việt Nam tham gia sâu hơn vào các chuỗi cung ứng toàn cầu, đồng thời giảm nguy cơ bị áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại.

RCEP cũng mở rộng cơ hội thu hút FDI, cải thiện giá trị gia tăng và năng suất lao động thông qua việc phát triển sản xuất thượng nguồn, nâng cao hiệu quả kinh tế theo quy mô và chuyên môn hóa vào các ngành Việt Nam có lợi thế. Những cải tiến này sẽ giúp Việt Nam giảm dần sự phụ thuộc vào gia công, đồng thời nâng cao tỷ lệ tận dụng ưu đãi thuế quan từ các đối tác trong khu vực.

Theo Tạp chí Vneconomy, ngành may mặc của Việt Nam, vốn phụ thuộc vào vải nhập khẩu và gia công theo mẫu mã từ nước ngoài, đang đứng trước cơ hội lớn khi các thị trường RCEP giảm nhập khẩu thành phẩm, trong khi xuất khẩu và FDI vào Việt Nam vẫn tăng trưởng mạnh. Điều này củng cố vị thế của Việt Nam trong top 3 quốc gia xuất khẩu hàng may mặc lớn nhất thế giới.

RCEP không chỉ hỗ trợ ngành dệt may mở rộng thị trường xuất khẩu mà còn giúp giảm chi phí nguyên phụ liệu đầu vào nhờ quy tắc xuất xứ linh hoạt và cắt giảm thuế quan. Điều này thúc đẩy dòng vốn FDI và dịch chuyển chuỗi cung ứng của ngành về Việt Nam.

Dù RCEP mang lại nhiều lợi ích, doanh nghiệp Việt Nam vẫn đối mặt với không ít thách thức, như năng lực cạnh tranh thấp, công nghiệp phụ trợ yếu kém, phụ thuộc nhiều vào nguyên liệu nhập khẩu, công nghệ lạc hậu và thiếu hụt lao động có trình độ. Để vượt qua, các doanh nghiệp cần: Đa dạng hóa nguồn cung và thị trường để giảm rủi ro; Đẩy mạnh chuyển đổi số nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất và quản trị; Tăng cường đầu tư vào chất lượng sản phẩm, phát triển thương hiệu, và liên kết đối tác chiến lược; Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và thực hiện các chiến lược phát triển bền vững.

Những giải pháp này không chỉ giúp doanh nghiệp nắm bắt cơ hội từ RCEP mà còn xây dựng nền tảng phát triển lâu dài trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Tiến Minh (Tổng hợp)

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu