11:05 ngày 24/11/2024 | HOTLINE : 0983.883.366 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666
DÒNG SỰ KIỆN

Nhập khẩu từ Trung Quốc tăng mạnh trong 10 tháng qua

Tiến Minh (Tổng hợp) | 08:53 24/11/2024

Trong 10 tháng, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam từ thị trường Trung Quốc đạt 117,52 tỷ USD, tăng mạnh 31,5%, tương ứng tăng thêm 28,17 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước.

Thông tin từ Báo Công Thương, đến hết tháng 10/2024, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Trung Quốc đạt 167,46 tỷ USD, tương đương trung bình gần 17 tỷ USD mỗi tháng.

Hết tháng 10/2024, Trung Quốc tiếp tục là thị trường mà Việt Nam nhập khẩu hàng hóa nhiều nhất. (Ảnh: Báo Công Thương)

Xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc đạt gần 49,94 tỷ USD, tăng 200 triệu USD so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, 11 nhóm hàng xuất khẩu có kim ngạch từ 1 tỷ USD trở lên, với nhóm điện thoại và linh kiện dẫn đầu đạt 12,54 tỷ USD, dù giảm hơn 700 triệu USD. Tiếp theo là máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 9,9 tỷ USD (giảm 1,1 tỷ USD). Rau quả ghi nhận tăng trưởng ấn tượng, đạt gần 4,1 tỷ USD, tăng hơn 900 triệu USD (tương đương 28,66%). Một số nhóm hàng khác bao gồm máy ảnh, máy quay phim, linh kiện (3,93 tỷ USD); máy móc thiết bị, phụ tùng (2,76 tỷ USD); cùng các mặt hàng như xơ, sợi dệt; gỗ và sản phẩm gỗ; cao su; giày dép; thủy sản và dệt may.

Nhập khẩu từ Trung Quốc đạt 117,52 tỷ USD, tăng mạnh 31,5% (tăng 28,17 tỷ USD so với cùng kỳ), chiếm 38% tổng trị giá nhập khẩu cả nước. Có 16 nhóm hàng nhập khẩu từ Trung Quốc đạt kim ngạch từ 1 tỷ USD trở lên. Đáng chú ý, hai nhóm vượt mốc chục tỷ USD gồm: máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện (58,52 tỷ USD); máy móc, thiết bị và phụ tùng (23,37 tỷ USD). Các nhóm hàng khác bao gồm vải (8,22 tỷ USD), điện thoại và linh kiện (7,33 tỷ USD), sắt thép, chất dẻo, hóa chất, nguyên phụ liệu dệt may và các sản phẩm kim loại.

Cán cân thương mại với Trung Quốc ghi nhận mức nhập siêu 67,58 tỷ USD sau 10 tháng.

Theo TTXVN, ngoài Trung Quốc, Việt Nam có 6 thị trường nhập khẩu vượt mốc chục tỷ USD. Hàn Quốc đứng thứ hai với kim ngạch đạt 46,31 tỷ USD (tăng 7,6%); ASEAN xếp thứ ba với 38,23 tỷ USD (tăng 13,2%). Tiếp đến là Đài Loan (18,67 tỷ USD, tăng 21,6%), Nhật Bản (17,86 tỷ USD, tăng 0,6%), EU (13,87 tỷ USD, tăng 12,6%) và Hoa Kỳ (12,24 tỷ USD, tăng 7,9%).

Tổng kim ngạch từ 7 thị trường chủ lực này đạt 264,7 tỷ USD, chiếm 84,76% tổng giá trị nhập khẩu của cả nước.

Việc Trung Quốc tiếp tục dẫn đầu trong thương mại với Việt Nam phản ánh mối liên kết chặt chẽ về cung ứng nguyên liệu và sản phẩm trung gian. Tuy nhiên, thách thức lớn về nhập siêu đòi hỏi Việt Nam cần thúc đẩy xuất khẩu các sản phẩm có giá trị gia tăng cao hơn, đồng thời phát triển công nghiệp phụ trợ để giảm sự phụ thuộc vào nhập khẩu từ Trung Quốc.

Tiến Minh (Tổng hợp)

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu