14:48 ngày 18/01/2025 | HOTLINE : 0983.88.33.66 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 090.1111.388
DÒNG SỰ KIỆN

Doanh nghiệp đồ uống muốn giãn tiến độ tăng thuế tiêu thụ, giảm thuế VAT

13:46 15/04/2024

(THPL) - Hiện nhiều doanh nghiệp cho rằng, cần giãn tiến độ tăng thuế tiêu thụ, giảm thuế VAT cho doanh nghiệp ngành rượu, bia, đồ uống trong bối cảnh sản xuất và tiêu thụ đang gặp rất nhiều khó khăn.

Theo dự kiến của Chính phủ, dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) sẽ được trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV vào tháng 5/2024. Sau đó, dự thảo sẽ được xin ý kiến Quốc hội tại kỳ họp thứ 8 vào tháng 10/2024 và thông qua luật tại kỳ họp thứ 9 tháng 5/2025.

Liên quan đến Luật Thuế TTĐB sửa đổi, ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng thư ký kiêm Trưởng Ban pháp chế Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đánh giá, ngành bia rượu sẽ chịu ảnh hưởng khi phải tăng thuế theo lộ trình, bao gồm cả sản phẩm nước giải khát có đường, khi luật được thông qua.

Theo đại diện VCCI, doanh nghiệp ngành đồ uống đang chịu tác động tiêu cực kép từ dịch Covid-19, cũng như ảnh hưởng từ xung đột chính trị, biến đổi khí hậu trên toàn thế giới. Những chính sách này khiến doanh nghiệp "khó chồng khó". Do đó, ông Đậu Anh Tuấn đề xuất nên giãn tiến độ tăng thuế tiêu thụ, cũng như giảm thuế VAT cho doanh nghiệp ngành bia rượu.

Tương tự, TS Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) phân tích: “Kinh tế giảm sút, thu nhập của người dân thấp đi, nhu cầu sử dụng rượu bia của người giảm mạnh khiến sản lượng của các doanh nghiệp bia rượu, nước giải khát sụt giảm nghiêm trọng. Bên cạnh đó, những chính sách liên quan như quy định của nghị định 100 về xử phạt giao thông, quy định trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất, nhập khẩu (EPR) càng khiến doanh nghiệp khó khăn”.

Doanh nghiệp đồ uống muốn giãn tiến độ tăng thuế tiêu thụ, giảm thuế VAT. Ảnh minh hoạ

Ở góc độ doanh nghiệp, ông Lâm Du An, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (SABECO) cho biết, doanh nghiệp ngành bia rượu đang đối diện rất nhiều khó khăn do tác động từ đại dịch và xung đột chính trị.

Từ năm 2021, tăng trưởng của doanh nghiệp giảm 10 - 15% so với năm 2019, năm 2022 tăng trưởng giảm 7% và năm 2023 doanh thu giảm 11%, lợi nhuận trước thuế giảm 23%. Các nhà máy sản xuất gia công trong hệ thống kiệt quệ bởi giá đầu vào tăng 20 - 40%, trong khi giá bán không thể tăng.

“Các doanh nghiệp chúng tôi khẩn thiết đề nghị Quốc hội, Chính phủ kéo dài thời gian tăng thuế tiêu thụ đặc biệt 2-3 năm nữa, giúp hỗ trợ phần nào doanh nghiệp vượt qua khó khăn”, ông An nói.

Còn theo ông Nguyễn Duy Hưng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam (VBA) thừa nhận, mấy năm gần đây, ngành đồ uống ghi nhận sự giảm sụt mạnh từ doanh thu, lợi nhuận. Kéo theo đó là hệ thống thương mại, nhà hàng, khu vui chơi giải trí, chuỗi cung ứng đầu vào đều chịu tác động, với mức giảm từ 15-20%. Một số chỉ tiêu thậm chí giảm tới 30-40%.

Lãnh đạo VBA mong muốn Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành cân nhắc và đánh giá các chính sách một cách hài hòa, phù hợp với điều kiện thực tế, nhằm nhanh chóng đi vào cuộc sống.

VBA cũng kiến nghị xem xét lùi lộ trình sửa đổi Luật thuế Tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi), ít nhất từ năm 2025 trở đi, tạo điều kiện giúp doanh nghiệp phục hồi, ổn định và dần phát triển trở lại. “Ngành đồ uống và các doanh nghiệp luôn cam kết đóng góp tích cực trong việc phát triển kinh tế xã hội, đóng góp ngân sách, bảo vệ môi trường, ổn định an sinh xã hội, công ăn việc làm cho người lao động”, ông Hưng chia sẻ.

Trước đó, trong cuộc họp giữa Thủ tướng Phạm Minh Chính với doanh nghiệp FDI và Diễn đàn Kinh doanh hàng năm của Việt Nam, Chủ tịch EuroCham Gabor Fluit cho rằng, việc tuân thủ tinh thần của các nguyên tắc của Hiệp định Thương mại Tự do EU-Việt Nam và đảm bảo sự nhất quán trong chính sách thuế rất quan trọng.

“EuroCham đề xuất tạm hoãn việc tăng thuế TTĐB sửa đổi cho đến năm 2027, để có thời gian phát triển một chính sách thuế cân đối, thúc đẩy tăng trưởng và duy trì sự công bằng”, Chủ tịch EuroCham - Gabor Fluit khuyến nghị.

Mai Anh

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu