15:54 ngày 20/04/2024 | HOTLINE : 0911.344.555 | Email: bbt.thpl@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666

DÒNG SỰ KIỆN

Tết thắm hương Bờ Đậu

07:23 13/02/2021

(THPL) - “Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ. Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh”. Câu thơ từ bao đời nay đã in sâu vào tâm hồn người dân Việt Nam mỗi độ Xuân về. Làng nghề Bánh chưng Bờ Đậu (Xã Cổ Lũng, huyện Phú Lương, Thái Nguyên) nổi tiếng với nghề gói bánh chưng truyền thống. Đến đầu làng, mùi hương của đỗ xanh, của lá dong quyện vào nhau, mang tới cảm giác xao xuyến lạ thường của hương vị ngày Tết cổ truyền.

Trong cái rét ngọt đầu mùa của những ngày giáp Tết, trên con đường vào khu làng nghề Bờ Đậu (Xã Cổ Lũng, huyện Phú Lương) là không khí nhộn nhịp gói bánh chưng đón Tết. Sắc xanh của lá dong, mùi thơm và bùi của đậu xanh, thịt lợn lan tỏa trong không gian. Những ngày này cả làng Bờ Đậu gần như không ngủ để luộc bánh suốt đêm, khiến không khí Tết càng thêm nhộn nhịp, gần kề.

Được chị Nguyễn Bích Liên, Trưởng Ban quản lý Làng nghề bánh chưng Bờ Đậu dẫn đi thăm quan từng hộ gia đình, chúng tôi mới thấy được không khí của làng nghề cận kề ngày Tết. Nhà nào cũng ngập tràn lá dong, gạo nếp.... người rửa lá, người ngâm đỗ, người gói bánh.... không khí nhộn nhịp hơn bao giờ hết.

Theo người dân nơi đây kể lại, sản phẩm bánh chưng Bờ Đậu có từ những năm 1960. Tổ nghề làm bánh ở đây được người dân cho là cụ Nguyễn Thị Xuân, thường gọi là cụ Đấng. Cụ Đấng là người ở xã Cổ Lũng, huyện Phú Lương. Trước đây, quán bánh của cụ Đấng nằm gọn dưới một gốc cây phượng lớn ven đường, quán tuy nhỏ nhưng lúc nào cũng đông khách vì hương vị thơm ngon của bánh chưng do cụ Đấng làm.

Những nguyên liệu để làm bánh Chưng Bờ Đậu như gạo nếp, đỗ xanh, lá dong

Đến lúc về già, cụ truyền lại nghề cho các con cháu và bánh chưng Bờ Đậu được lưu truyền cho đến bây giờ. Trước khi có làng nghề bánh chưng, người dân xã Cổ Lũng, huyện Phú Lương chủ yếu làm nông nghiệp, trồng lúa, trồng chè. Các hộ gia đình đa số sống trong cảnh nhà tranh, vách đất. Nhờ có nghề làm bánh chưng mà cuộc sống của người dân ngày càng khấm khá đi lên. Làng nghề Bánh chưng Bờ Đậu, hiện nay có hơn 50 hộ dân với trên 330 nhân công tham gia sản xuất và kinh doanh sản phẩm bánh chưng. Các sản phẩm chủ yếu vẫn là bánh vuông và bánh dài hình trụ tròn truyền thống. Ngoài ra, những năm gần đây, nhiều cơ sở trong làng nghề còn làm thêm những loại bánh mới như: bánh chưng lá giềng; bánh chưng nếp cẩm... để đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng của người tiêu dùng.

Chị Trần Thị Thu Hương, chủ cơ sở sản xuất bánh chưng Hương Liên, tại làng nghề Bờ Đậu cho biết: “Hiện nay lá dong được các thương lái nhập về từ các tỉnh miền núi phía bắc như Tuyên Quang, Yên Bái, Lào Cai... loại lá dong từ các tỉnh này thường to hơn nên dễ gói bánh hơn”. Cũng theo chị Hương, muốn có những chiếc bánh chưng ngon, ngay từ lúc làm nhân đậu, lựa chọn gạo nếp, các công đoạn phải thật tỉ mỉ. Đậu phải đãi sạch vỏ, đồ chín rồi giã thật nhuyễn cho thấm muối, thịt lợn được ướp các loại gia vị, bánh được luộc hơn 8 tiếng mới dền và khi ăn mới thơm.

Ông Ngô Tiến Sỹ, chủ cửa hàng bánh chưng Sỹ Oanh (thành viên làng nghề bánh chưng Bờ Đậu) cũng cho biết: “Khác với những nơi làm bánh chưng khác, bánh chưng Bờ Đậu không sử dụng khuôn để gói mà người dân đều gói bằng tay. Việc gói bằng tay có thể điều chỉnh chiếc bánh thật chặt, vuông đều bằng nhau và chiếc bánh chưng có chặt hay không phụ thuộc chính vào người gói bánh. Bánh được gói chặt tay khi luộc sẽ không bị méo mó, căng phồng, mà vuông thành sắc cạnh, hạt nếp dẻo, rền bánh, có mùi thơm nồng”.

Những chiếc bánh Chưng xanh vuông vắn

Một điều đặc biệt tạo nên thương hiệu riêng cho bánh chưng Bờ Đậu nữa, đó chính là nguồn nước dùng để luộc bánh phải được lấy từ dãy núi Cẩm nằm sát phía sau làng nghề Bờ Đậu. Bởi nguồn nước ở đây được thiên nhiên ưu đãi và được người dân coi như “Nước giếng thần”. Theo những người cao niên ở làng nghề, chỉ khi luộc với nguồn nước này, bánh chưng Bờ Đậu mới thực sự bộc lộ hết hương vị thơm ngon, độc đáo riêng biệt mà không một loại bánh chưng nào có thể sánh được. Dịp Tết, nhu cầu của thị trường tăng cao, các hộ phải thuê thêm người làm mới kịp phục vụ các đơn đặt hàng của khách. Nếu ngày thường, mỗi nhà chỉ làm 50 - 100 cái theo đơn đặt hàng, dịp Tết số lượng tăng gấp nhiều lần. Có nhà cho ra lò khoảng 1.000 chiếc bánh/ngày. Một chiếc bánh chưng cỡ vừa có giá dao động từ 30.000 - 35.000 đồng/chiếc, loại bánh chưng to hơn thì 50.000 - 70.000 đồng/chiếc. Thậm chí 100.000 đồng/chiếc tùy nhu cầu khách hàng. 

Chị Nguyễn Bích Liên, Trưởng Ban quản lý Làng nghề bánh chưng Bờ Đậu cho biết: “Nhằm tiếp tục nâng cao chất lượng sản phẩm bánh, cuối tháng 11 hằng năm, chúng tôi đều mời các đơn vị, cơ sở y tế được Sở Y tế cấp phép đến địa phương khám cho những người trực tiếp tham gia sản xuất sản phẩm bánh chưng trong làng nghề để xác nhận đủ điều kiện sức khoẻ chế biến thực phẩm, không mắc bệnh truyền nhiễm… Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ đẩy mạnh vận động các cơ sở tiếp tục nâng cao ý thức về đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm từ khâu sản xuất đến bảo quản; sử dụng nồi điện để luộc bánh nhằm hạn chế khí than thải ra gây ô nhiễm môi trường; làm bao bì, mã vạch cho sản phẩm…”.

Chúng tôi rời làng nghề bánh chưng Bờ Đậu khi trời đã nhá nhem tối. Hai bên đường vẫn không khí nhộn nhịp tất bật của ngày Tết cận kề, bên những nồi bánh chưng đỏ lửa nghi ngút khói. Tiếng gọi nhau í ới, âm thanh làm việc sôi động, gấp gáp. Một mùa Xuân nữa lại về, chúng tôi cảm thấy ấm áp vô cùng bởi những ánh mắt tràn đầy hy vọng vào một mùa Xuân mới của bà con làng nghề nơi đây.

Hoài Thanh - Mạnh Nghiệp

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu