10:18 ngày 19/01/2025 | HOTLINE : 0983.88.33.66 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 090.1111.388
DÒNG SỰ KIỆN

Thương hiệu bánh chưng Cát Trù - đặc sản “gieo thương nhớ” của vùng đất Tổ

08:35 12/08/2020

(THPL) - Từ lâu, bánh chưng đã được coi là món ăn phổ biến trong cuộc sống hàng ngày và là lễ vật không thể thiếu dâng cúng tổ tiên mỗi dịp Tết đến xuân về. Nhắc tới thương hiệu bánh chưng Cát Trù, người ta thường nhớ đến câu chuyện hoàng tử Lang Liêu nhờ sự thông minh, tài trí đã được vua cha truyền lại ngôi báu.

Theo các cụ cao niên trong làng, nghề làm bánh chưng ở Cát Trù đã có từ rất lâu đời. Lâu đến nỗi những người làm bánh có thâm niên trong xã cũng không nhớ nổi, chỉ biết rằng, xưa kia, bánh chưng Cát Trù đã có mặt ở khắp các chợ quê, được mọi người ưa chuộng. Trải qua bao biến cố và thăng trầm, nghề làm bánh chưng ở Cát Trù ngày càng phát triển và có nhiều thay đổi.

Giống với nhiều nơi khác, bánh chưng Cát Trù được làm bởi gạo nếp, đỗ xanh, thịt lợn, lá dong. Tuy nhiên, điều làm nên sự khác biệt của bánh chưng Cát Trù có lẽ nằm ở khâu chuẩn bị nguyên liệu và cách gói.

Dù không bao giờ gói bánh bằng khuôn nhưng bánh chưng Cát Trù vẫn được du khách trong và ngoài tỉnh “đánh tiếng” là ngon, dẻo và vuông vức, đều rằn rặt.
Tại xã Cát Trù, từ người già, người trẻ đều hối hả rửa lá, vo gạo, gói bánh.

Cũng theo nghệ nhân Nguyễn Thị Ảnh (khu 3, Cát Trù, Cẩm Khê, Phú thọ) là đời thứ 3 nối nghiệp làm bánh trưng làng cho biết: “Gạo nếp phải chọn loại nếp cái hoa vàng hoặc nếp Nhung - những loại gạo dẻo, có hương thơm đặc trưng và không lẫn tẻ. Đỗ xanh cần phải có là loại đỗ gié, hạt nhỏ và được chế biến từ khi vỡ đỗ, ngâm cho tróc vỏ, đãi sạch, để ráo đến khi đã nấu chín như vậy nhân bánh mới thơm ngon.

Ngoài đỗ, nhân bánh cần có thêm thịt ba chỉ hoặc nạc vai tươi sống trộn kèm gia vị muối, tiêu... vừa đủ tạo điểm nhấn và mùi thơm. Khi gói bánh, phải gói chặt tay thì bánh nấu mới rền, dẻo. Nếu gói lỏng tay khi nấu bánh sẽ không được vuông vắn và nhão. Đặc biệt là lá dong, không được dùng lá non hoặc quá già, ảnh hưởng tới màu sắc của bánh”…

Người Cát Trù thường làm bánh từ khoảng 13 giờ đến 17-18 giờ chiều thì nấu và khoảng 23 - 24 giờ đêm thì vớt. Dù nấu nhiều hay ít thì đều được nấu bằng củi và không dùng than.

Bánh chín, vớt ra, rửa sạch sau đó xếp 2 chiếc úp vào nhau để lên một chiếc bàn và dùng một tấm ván đặt lên trên, đặt thêm một số vật nặng, như cái cối đá hay chiếc nồi gang to đầy nước, để ép cho bánh ráo nước, rền và ngon, có màu tươi xanh hấp dẫn và có thể để lâu không bị mốc

Dù không bao giờ gói bánh bằng khuôn nhưng bánh chưng Cát Trù vẫn được du khách trong và ngoài tỉnh “đánh tiếng” là ngon, dẻo và vuông vức, đều rằn rặt.

Những ngày giáp Tết cổ truyền của dân tộc, xã Cát Trù lại nhộn nhịp hơn bao giờ hết, từ ngoài ngõ vào sân, trong nhà bạt ngàn màu xanh của lá dong, màu trắng của gạo, màu vàng của đỗ. Từ người già, người trẻ đều hối hả rửa lá, vo gạo, gói bánh.

Khi trời về chiều cũng là lúc mọi công đoạn gói bánh hoàn tất, bánh được xếp vào những nồi to đặt lên bếp. Bếp lửa rực sáng suốt đêm luộc bánh. Gần sáng, bánh được vớt ra ép cho sạch nước. Có lẽ vì sự cầu toàn và tỉ mỉ trong từng chiếc bánh mà bánh chưng Cát Trù là hương vị không thể thiếu trong những dịp quan trọng như cỗ bàn, cưới hỏi, quà biếu, lễ Tết.

Bánh chưng Cát Trù không còn là “độc nhất” của đất Phú Thọ mà đã trở thành đặc sản yêu thích của cộng đồng người Việt.

Nhiều du khách thập phương đến vùng đất này, nhất định không về tay không mà phải xách thêm năm mười chiếc bánh về làm quà. Từ đó, mà bánh chưng Cát Trù không còn là “độc nhất” của đất Phú Thọ mà đã trở thành đặc sản yêu thích của cộng đồng người Việt.

Và cũng từ rất nhiều năm nay, bánh chưng làng Cát Trù đã theo chân biết bao người đi đến khắp các nẻo đường xa, cung cấp cho nhiều thị trường lớn như: Hà Nội, Vĩnh Phúc, Quảng Ninh, Hải Phòng một số huyện trong tỉnh và nhiều lần được chọn mua làm quà gửi đi cho các đồng bào Việt Nam đang sinh sống và làm việc tại Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, Đài Loan...

Trao đổi với PV của Thương hiệu và Pháp luật, bà Bà Phùng Thị Hoa Lê, Giám đốc Trung tâm Thông tin Xúc tiến Du lịch Phú Thọ cho biết: “Nghề làm bánh chưng ở Cát Trù mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nhiều hộ gia đình với mức thu nhập ổn định. Nghề cũng đã tạo việc làm cho một số lượng lớn lao động dư thừa tại địa phương. Hi vọng trong thời gian tới,  bánh chưng Cát Trù sẽ ngày càng được nhiều du khách trong và ngoài tỉnh biết đến”…

Huệ Nguyễn

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu