13:01 ngày 19/01/2025 | HOTLINE : 0983.88.33.66 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 090.1111.388
DÒNG SỰ KIỆN

Thương hiệu bánh chưng Tranh Khúc vào vụ Tết

15:36 01/02/2018

(THPL) – Những ngày này, làng nghề Tranh Khúc hối hả vào vụ, nhà nào cũng chất đầy lá dong, gạo, đậu xanh... Thương hiệu bánh chưng Tranh Khúc đang dần đi vào lòng người tiêu dùng mỗi dịp Tết đến xuân về.

Đến làng bánh chưng Tranh Khúc (xã Duyên Hà, huyện Thanh Trì, TP. Hà Nội), PV Thương hiệu và Pháp luật chứng kiến cảnh nhộn nhịp của những người làm nghề, dường như không khí đón Tết cổ truyền của dân tộc đã đến làng Tranh Khúc từ mấy tháng trước. 

Bánh chưng là món ăn truyền thống không thể thiếu trong dịp Tết Nguyên đán. Ở làng Tranh Khúc, bánh chưng được làm quanh năm và là nghề mang lại thu nhập chính cho người dân, tuy nhiên rộ nhất vào dịp cuối năm. Cả làng hiện có khoảng 200 hộ làm bánh chưng. Ngày thường, mỗi gia đình làm từ 200 – 300 chiếc bánh nhưng. Vào những ngày cận Tết, năng suất tăng lên gấp hàng chục lần.

bánh chưng Tranh Khúc
Càng vào gần Tết, người làm nghề gói bánh Tranh Khúc càng tất bật với công việc.

Chị Nguyễn Thị Minh, chủ một cơ sở làm bánh chưng có tiếng ở Tranh Khúc cho biết: “Càng vào dịp cuối năm thì càng nhiều đơn đặt hàng nhưng gia đình làm không xuể, mẻ bánh nọ gối mẻ kia, liên tục ngày đêm. Gia đình em phải thuê thêm 2 - 3 lao động phục vụ… Ngày thường gia đình em sản xuất từ 200 – 300 chiếc bánh, nhưng mấy ngày cận Tết số lượng lên tới cả 1.000 chiếc/ngày”.

Theo chị Minh, nguyên liệu để làm bánh chưng được lựa chọn kỹ lưỡng. Lá dong phải chọn lá bánh tẻ tươi, xanh, rửa sạch, lau khô trước khi gói. Gạo nếp phải là loại nếp cái hoa vàng, được nhập từ những quê gạo nổi tiếng như Thái Bình, Nam Định, Hải Dương… Thịt lợn phải là thịt ba chỉ tươi, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Quan trọng nhất là trong quá trình sơ chế phải giữ cho nguyên liệu được sạch sẽ và giữ được độ tươi ngon của thực phẩm.

08022013(001)
Mỗi ngày, làng nghề Tranh Khúc cung cấp ra thị trường hàng vạn chiếc bánh chưng.

Trong khâu gói bánh cần tỉ mỉ, khéo léo để tạo nên những chiếc bánh vuông vắn, đẹp mắt. Điều đặc biệt trong cách gói ở nơi đây là người thợ chỉ gói bằng tay chứ không gói theo khuôn. Bởi theo kinh nghiệm của họ, bánh được gói bằng tay sẽ chặt và ăn có vị đậm đà hơn. Bánh chưng thành phẩm phải giữ được màu xanh của lá dong, khi cắt khoanh bánh ra hạt gạo phải dẻo rền, bánh có mùi thơm.

Những năm gần đây, người làng Tranh Khúc đã áp dụng công nghệ vào một số công đoạn làm bánh, vừa giảm ô nhiễm môi trường mà vẫn đảm bảo chất lượng sản phẩm. Người dân đã cải tiến một số công đoạn trong chế biến bánh chưng như: Chuyển từ luộc bánh bằng củi khô sang luộc bằng nồi hơi hoặc nồi điện. Việc sử dụng nồi điện vừa giải phóng sức lao động lại giúp không khí của cả làng tránh được ô nhiễm như đun than, đun củi trước kia.

Ông Nguyễn Xuân Quân - Chủ tịch Hội Nông dân xã Duyên Hà cho biết: “Hiện nay, bánh chưng của làng Tranh Khúc chúng tôi đã được cấp chứng nhận VSATTP, cấp logo, mã vạch riêng, vì vậy khách hàng có thể dễ dàng truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Từ đó sản phẩm của làng tạo thêm được niềm tin với người tiêu dùng. Các cơ quan chức năng của huyện, xã thường xuyên kiểm soát đầu vào nguyên liệu, hàng năm tập huấn về ATTP, tổ chức khám sức khỏe cho người làm nghề”.

Xác định nghề làm bánh chưng mang lại thu nhập chính cho cả làng, mỗi hộ sản xuất ở làng Tranh Khúc luôn tự ý thức nâng cao chất lượng sản phẩm, VSATTP để đảm bảo uy tín làng nghề. Để bảo quản sản phẩm được lâu hơn, phục vụ cho những đơn hàng xuất vào siêu thị hoặc đi nước ngoài, người làm nghề đã sử dụng công nghệ hút chân không, để bánh chưng sau khi được hút chân không sẽ kéo dài thời gian bảo quản từ 10 – 15 ngày.

TIN LIÊN QUAN
Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu