19:11 ngày 02/04/2025 | HOTLINE : 0983.88.33.66 / 091.33.05.882 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 090.1111.388
DÒNG SỰ KIỆN

Nghệ nhân Y Sinh: Người giữ hồn văn hóa Xơ Đăng giữa đại ngàn Tây Nguyên

15:52 29/03/2025

(THPL) - Giữa bao thăng trầm của thời gian, có những con người lặng lẽ đi qua năm tháng, cống hiến không ngừng để gìn giữ những giá trị thiêng liêng của dân tộc mình. Nghệ nhân Ưu tú Y Sinh – một nữ đảng viên tiêu biểu của đồng bào Xơ Đăng, không chỉ là người mang ánh sáng tri thức về với buôn làng mà còn là nhịp cầu kết nối văn hóa, để tiếng đàn Klông-pút vang xa, để tinh thần đoàn kết của người Xơ Đăng mãi trường tồn.

Người mang ánh sáng tri thức đến đại ngàn

Ở tuổi 67, NNƯT (NNƯT) Y Sinh đã có 27 năm đứng trong hàng ngũ của Đảng, sống và cống hiến trọn vẹn theo lời dạy của Bác: “Đảng viên đi trước, làng nước theo sau”. Nhưng trước khi là một đảng viên gương mẫu, bà đã là một cô giáo – người mang con chữ đến với những đứa trẻ Xơ Đăng giữa đại ngàn Tây Nguyên.

Sinh ra khi đất nước còn chìm trong khói lửa chiến tranh, Y Sinh lớn lên giữa những bản hùng ca của núi rừng, nơi những câu chuyện kể quanh bếp lửa cháy mãi về lòng dũng cảm của cha ông. Khi hòa bình lập lại, bà nhận ra một cuộc chiến khác vẫn còn tiếp diễn, đó là cuộc chiến chống lại cái đói, cái nghèo, cái lạc hậu đang bủa vây buôn làng mình.

Nghệ nhân Ưu tú (NNƯT) Y Sinh – một nữ đảng viên tiêu biểu của đồng bào Xơ Đăng

“Nhiều đứa trẻ Xơ Đăng lớn lên mà không biết chữ, không thể đọc tên mình, không biết thế giới ngoài kia rộng lớn thế nào. Tôi tự hỏi: nếu mình không làm gì đó, ai sẽ giúp buôn làng thoát khỏi bóng tối của nghèo đói và lạc hậu?” – bà nhớ lại.

Vậy là Y Sinh rời buôn làng để theo đuổi con đường tri thức. Ngày trở về, bà gánh trên vai một sứ mệnh mới: mang con chữ về với núi rừng. Con đường đến trường là những đoạn dốc cheo leo, những ngày mưa rừng sạt lở, những mái trường tranh tre xiêu vẹo. Nhưng điều thử thách nhất không phải là địa hình hay sự thiếu thốn vật chất, mà là rào cản ngôn ngữ.

“Lũ trẻ sợ nói tiếng Kinh, có em òa khóc khi phải đánh vần những từ đầu tiên. Nhưng tôi biết rằng, nếu không kiên trì, chúng sẽ mãi mãi bị bỏ lại phía sau” – bà kể.

Bằng tất cả tình yêu thương, Y Sinh không chỉ dạy học trò cách viết tên mình mà còn kể cho các em nghe về dòng sông Đắk Bla huyền thoại, về những dũng sĩ Tây Nguyên kiên cường. Dần dần, từng con chữ hiện lên rõ ràng, những ánh mắt sáng lên niềm háo hức.

Ngày một cậu bé Ê Đê cất tiếng đánh vần rành rọt câu chuyện về Bác Hồ, Y Sinh biết rằng hạt mầm mình gieo đã bắt đầu nảy nở. Và phần thưởng lớn nhất của bà không phải là những tấm bằng khen mà là khi thấy học trò của mình trưởng thành, có thể tự tin bước ra thế giới.

Gìn giữ hồn cốt Tây Nguyên trong từng thanh âm Klông-pút

Nhưng Y Sinh không chỉ là một cô giáo. Bà còn là người bảo tồn văn hóa dân tộc Xơ Đăng bằng tất cả niềm đam mê cháy bỏng.

“Tôi yêu văn hóa Xơ Đăng như yêu chính hơi thở của mình. Ngày ấy, sau những giờ dạy học, tôi dành thời gian tìm hiểu, tập luyện và truyền dạy nhạc cụ truyền thống. Với tôi, tiếng đàn Klông-pút không chỉ là âm thanh của đại ngàn mà còn là linh hồn của dân tộc mình”.

NNƯT Y Sinh dành thời gian dạy đàn cho các em nhỏ, hướng dẫn từng động tác, truyền lại từng câu chuyện gắn liền với nhạc cụ.

Klông-pút là nhạc cụ độc đáo của người Xơ Đăng, chỉ dành cho phụ nữ. Khi chơi đàn, người nghệ nhân không chạm tay vào nhạc cụ mà đứng lom khom, dùng hai bàn tay vỗ trước các ống lồ ô để tạo ra áp lực gió, làm phát ra âm thanh trầm bổng như tiếng vọng của núi rừng.

Theo quan niệm của người Xơ Đăng, mỗi ống lồ ô dùng để làm đàn đều mang linh hồn của mẹ lúa. Khi Klông-pút vang lên giữa rẫy, mẹ lúa sẽ phù hộ cho mùa màng bội thu, cho buôn làng an lành.

Nhận thức được tầm quan trọng của di sản này, NNƯT Y Sinh không ngừng tìm kiếm và đào tạo những thế hệ kế cận. Bà dành thời gian dạy đàn cho các em nhỏ, hướng dẫn từng động tác, truyền lại từng câu chuyện gắn liền với nhạc cụ. Trong số đó, Y Mai – một cô gái trẻ từ Kon Tum – đã tiếp bước bà, mang tiếng đàn Klông-pút trở về với buôn làng.

“Mỗi khi nghe Klông-pút ngân vang, tôi không chỉ nghe thấy âm thanh mà còn cảm nhận được cả một nền văn hóa, một câu chuyện về cội nguồn. Tôi mong rằng lớp trẻ sẽ tiếp nối, để những giá trị này không bị lãng quên” – Y Mai xúc động nói.

Người đảng viên đi trước, buôn làng theo sau

Năm 1999, khi được kết nạp vào Đảng, Y Sinh biết rằng con đường phía trước của mình không chỉ là giáo dục hay văn hóa, mà còn là trách nhiệm với cộng đồng.

Trên cương vị Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Đắk Tô suốt hơn một thập kỷ, bà đã đưa ra nhiều sáng kiến giúp chị em phụ nữ phát triển kinh tế, bảo tồn văn hóa truyền thống. Nhưng với bà, thành công không chỉ nằm ở những con số mà là khi nhìn thấy phụ nữ Xơ Đăng mạnh dạn hơn, tự tin hơn, dám thay đổi để vươn lên.

Hơn 60 năm cuộc đời, NNƯT Y Sinh đã dành trọn tâm huyết để mang con chữ về với bản làng, để giữ gìn âm thanh Klông Pút vang xa.

Năm 2015, Y Sinh được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú. Nhưng bà không dừng lại ở đó. Để tiếp tục lan tỏa văn hóa dân tộc mình, bà quyết định rời Kon Tum, tìm đến Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam, nơi bà dành trọn tâm huyết gìn giữ và giới thiệu văn hóa Xơ Đăng đến bạn bè trong và ngoài nước.

Tại đây, bà không chỉ trình diễn mà còn miệt mài giảng giải về Klông-pút, về những giá trị truyền thống của người Xơ Đăng. Bà tin rằng: “Văn hóa chỉ sống khi có người gìn giữ và truyền lại. Nếu thế hệ trẻ không tiếp nối, mọi thứ rồi sẽ chỉ còn trong sách vở”.

Hơn 60 năm cuộc đời, NNƯT Y Sinh đã dành trọn tâm huyết để mang con chữ về với bản làng, để giữ gìn âm thanh Klông-pút vang xa. Dù đã nghỉ hưu, bà vẫn chưa một ngày dừng lại. Bà tiếp tục đi khắp các buôn làng Tây Nguyên, tìm kiếm những “hạt giống” mới để gieo trồng tình yêu văn hóa.

Chính nhờ những người như bà, tiếng đàn Klông-pút vẫn ngân vang giữa đại ngàn, văn hóa Xơ Đăng vẫn sống động trong từng nhịp chiêng, từng lời kể. Và trên con đường gìn giữ bản sắc ấy, NNƯT Y Sinh không đi một mình – bà có cả một thế hệ trẻ đang cùng bước tiếp, để văn hóa Tây Nguyên mãi mãi trường tồn.

 

Quốc An (bài, ảnh)

Bình luận

Bình luận

Tin khác