05:43 ngày 25/11/2024 | HOTLINE : 0983.883.366 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666
DÒNG SỰ KIỆN

Những 'tờ xanh' kẹp trong hồ sơ ở Hải quan Hà Nội

Theo Đại đoàn kết | 09:58 22/10/2020

Phương châm hành động “Chuyên nghiệp - Minh bạch - Hiệu quả” trong “tuyên ngôn phục vụ khách hàng” của ngành Hải quan luôn được treo một cách trang trọng tại các cơ sở của ngành. Nhưng những hình ảnh nhóm phóng viên báo Đại Đoàn Kết ghi nhận nhiều tháng qua lại cho thấy điều hoàn toàn trái ngược!

Quy trình thông quan

Một khoảng thời gian dài trong vai nhân viên học việc, PV Báo Đại Đoàn Kết có cơ hội được tiếp cận với nghề khai thuê hải quan (thường quen gọi là “chạy lệnh” hoặc “forwarder”) tại Hà Nội.

Đó là những ngày theo chân Ngọc Đại, 29 tuổi (tên nhân vật đã được thay đổi) - một nhân viên có kinh nghiệm 5 năm khai thuê hải quan, nằm lòng những thủ tục cần thiết cho một lô hàng thông quan.

Ngay khi được giao chỉ việc cho “lính mới”, Đại đã giảng giải bài học đầu tiên: “Thủ tục khai báo hải quan là khâu thiết yếu vô cùng, quyết định đến việc hàng hóa có được xuất nhập khẩu thành công hay không. Ngoài lý thuyết, người làm nghề cũng cần phải hiểu những “quy định ngầm” của từng khâu bước tại từng địa điểm…”.

Cũng theo Đại, vì thủ tục rất rắc rối, nhiều bước, trải qua nhiều cửa kiểm soát của nhân viên hải quan, lại nhiều giấy tờ và chờ đợi lâu nên thường sẽ có nguyên một đội ngũ làm dịch vụ khai thuê thủ tục hải quan. Dịch vụ này giúp cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu tiết kiệm thời gian và giải quyết các thủ tục một cách nhanh chóng.

Luồng xanh, vàng, đỏ đều mất tiền "lót tay" cho hải quan.

Thông thường để thông quan một lô hàng, sau khi doanh nghiệp cung cấp bộ chứng từ hàng hóa (đủ các giấy tờ cần thiết gồm: Hợp đồng thương mại, bộ vận tải đơn, hóa đơn thương mại, giấy chứng nhận nguồn gốc xuất xứ…), nhân viên giao nhận, hay còn gọi là nhân viên “chạy lệnh” sẽ tiến hành khai báo hải quan trên hệ thống khai báo điện tử của Tổng cục hải quan và đợi phân “luồng”.

Hiện nay, hải quan phân loại hàng hóa dưới hình thức 3 luồng: Luồng xanh, vàng và đỏ. Mỗi luồng hàng được phân loại nói lên mức độ đánh giá của cơ quan hải quan đối với hàng hóa trong quá trình quản lý rủi ro.

Theo đó, mức một - luồng xanh: Miễn kiểm tra chi tiết hồ sơ, miễn kiểm tra thực tế hàng hóa. Nhân viên chạy lệnh chỉ cần nộp thuế, in tờ khai, mã vạch rồi đến hải quan giám sát thực hiện một số thủ tục là hàng có thể thông quan.

Mức hai - luồng vàng: Kiểm tra chi tiết hồ sơ (nghĩa là giấy tờ có vấn đề cần phải điều chỉnh lại), miễn kiểm tra thực tế hàng hóa.

Mức ba - luồng đỏ sẽ gặp phải rất nhiều khó khăn, ngoài việc kiểm tra chi tiết hồ sơ, hàng hoá sẽ bị kiểm tra trực tiếp (hay còn gọi là kiểm hóa).

Đột nhập căn phòng “bí mật 101”

Chi cục Hải quan Nội Bài là một tòa nhà 7 tầng nằm trên địa bàn xã Phú Cường, huyện Sóc Sơn, Hà Nội. Sau khi đưa chúng tôi qua khu vực bảo vệ, Ngọc Đại nhanh chóng tiến vào sảnh tầng 1.

Tại đây, nhân viên chạy lệnh kẻ đứng, người ngồi, tốp khác lại tất tả ngược xuôi với đống tờ khai mới in còn ấm trên tay, người tranh thủ truyền tờ khai điện tử bằng laptop cá nhân… trước khu vực tiếp nhận tờ khai của đội thủ tục.

Thi thoảng lại thấy tiếng nhân viên gọi nhau hỏi han tình hình. Ngọc Đại cho biết hầu hết các anh em làm việc ở đây đều ít nhiều quen biết lẫn nhau do hàng ngày chạm mặt.

Thay vì nộp hồ sơ tại khu vực tiếp nhận tờ khai, Đại tiến thẳng tới một căn phòng nằm ngay cạnh đó. Căn phòng không ghi rõ chức năng, chỉ có một tấm biển ghi số phòng: 101. Như một sự thuần thục, vừa bước vào Đại tức khắc rút ngay từ trong ví ra hai tờ 100.000 đồng xanh lét để phía trên tờ khai, đặt sẵn trên mặt quầy. Thao tác rút và đặt tiền rất nhanh gọn, dứt khoát.

Sau đó, Đại đứng rung chân chờ đợi. Chỉ sau vài cái rung chân, một bàn tay từ phía trong quầy đưa ra, cầm cả tiền lẫn tờ khai vào.

Mấy tiếng “tạch tạch” đóng dấu vang lên, tờ khai được chuyển lại ra ngoài, nghiễm nhiên không còn 2 tờ 100 ngàn đồng. Mọi hành động từ cả hai phía diễn ra nhanh chóng đến nỗi chúng tôi còn chưa kịp hình dung chuyện gì đang diễn ra.

Đột nhật căn phòng "bí mật" 101 tại chi cục hải quan Nội Bài

Ngay sau đó, một nữ forwarder ngơ ngác bước tới, nói nhỏ vào tai Đại: “Em nộp tờ khai để phân ô ở đâu?”.

Bằng con mắt lâu năm làm nghề, Đại nhanh miệng: “Mới làm hả?” rồi nhanh tay lật bộ tờ khai ra. Phía bên trong hiện rõ một tờ 500 ngàn đồng cùng một tờ 100 ngàn đồng lấp ló. “Ba bộ cơ à? Cứ đến quầy bảo người ta đóng dấu là xong”. Cô em kia vừa gật gù cảm ơn, vừa vội kẹp tiền lại vào bộ hồ sơ.

Cầm lại tờ khai đã được đóng dấu, Đại mang hồ sơ qua ô phân mở tờ khai. Tại đây, đội phó đội thủ tục sẽ phân công trực tiếp cán bộ hải quan tiếp nhận hồ sơ.

- “Bình thường theo quy định mỗi tờ khai này chỉ nộp 20 ngàn đồng tiền lệ phí hải quan. Nhưng ở đây thì ai cũng như ai, đều phải “đóng đội”. Cứ 200 ngàn đồng cho một bộ, nhiều bộ thì cứ thế mà nhân lên, có những mặt hàng phải lên đến 300 ngàn đồng một bộ”, Đại giải thích.

- Thế không "đóng đội" thì sao? Tôi hỏi!

- Hồ sơ quay đầu! - Đại trả lời cụt ngủn rồi lại ngồi rung chân đợi.

Qua nhiều ngày quan sát, chúng tôi phát hiện phòng 101 dường như là một căn phòng “bí mật” - “cửa ải” đầu tiên nơi mà các nhân viên “chạy lệnh” bắt buộc phải “thể hiện sự hiểu biết”, ai ra vào đều được yêu cầu đóng cửa.

Căn phòng này không ồn ào, cũng không hay tập trung đông người vì quy trình rất nhanh chóng và gọn lẹ: Tiền + tờ khai = đóng dấu. Cả nhân viên thu tiền lẫn nhân viên chạy lệnh đều không giao tiếp nhiều, mọi thứ như đã được lập trình sẵn. Mỗi nhân viên chạy lệnh chỉ mất khoảng một phút là có thể hoàn thành bước đầu tiên này.

Quầy tiếp nhận của căn phòng “bí mật” này thường chỉ có khoảng 3 người, trong đó có một người chuyên phụ trách thu tiền “đóng đội”, hai người còn lại là nhân viên ngân hàng phụ trách việc thu thuế và lệ phí hải quan.

“Trước đây mỗi khi đến làm thủ tục hải quan anh em thường kẹp tiền vào hồ sơ sau đó nộp trực tiếp cho cán bộ hải quan tại quầy tiếp nhận. Nhưng vài năm trở lại đây báo chí phản ánh nhiều nên cách thức “lót tay” được “làm kín” hơn, chi cục bố trí một cán bộ chuyên phụ trách việc này ngồi cùng với nhân viên ngân hàng trong phòng riêng để thu tiền “bôi trơn” - tránh bị chú ý” - Đại tâm sự!

Theo ghi nhận của chúng tôi, sau khi trải qua các bước trên, nếu lô hàng luồng xanh, nhân viên chạy lệnh sẽ tiếp tục qua hải quan giám sát làm những thủ tục cuối cùng để thông quan.

Đối với những lô hàng bị phân luồng đỏ, hồ sơ sẽ được chuyển qua bộ phận hải quan kiểm hóa. Ở đây, forwarder tiếp tục phải “lót tay” với phí “bôi trơn” từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng/tờ khai tuỳ mặt hàng. Tiền này sẽ kẹp vào bộ hồ sơ, đưa trực tiếp cho cán bộ hải quan phụ trách kiểm tra lô hàng.

“Mặc cả" như ngoài chợ!

Chúng tôi tiếp tục theo chân Đại đến bộ phận hải quan giám sát trong kho NCTS. Ở đây, hàng chục nhân viên chạy lệnh ra vào tấp nập. Trên tay ai cũng cầm một xấp hồ sơ để làm thủ tục cuối cùng cho việc thông quan. Điều đặc biệt, phía dưới mỗi bộ tờ khai đều được kẹp thêm từ 30.000 đồng đến vài trăm nghìn đồng.

Số tiền này có thể được kẹp cẩn thận phía sau mỗi bộ hồ sơ, cùng có thể được đưa trực tiếp ngay trước mặt nhân viên hải quan giám sát. Thấy tôi ngạc nhiên, Ngọc Đại giải thích: “Cũng là phí “ngoài" đấy, mỗi tờ khai 30 ngàn đồng với hàng dưới 1 tấn, còn trên 1 tấn thì 60 ngàn đồng, luật cả rồi”.

Chỉ riêng một buổi chiều, có đến hàng trăm lượt vào ra của các nhân viên chạy lệnh, cứ mỗi lượt vào ra là mở ví “xì tiền”. Sau khi những tờ khai được tuồn qua tấm kính trắng, cán bộ hải quan nhanh chóng lật lên, cầm tiền rồi đóng dấu. Các thao tác nhanh gọn và dứt khoát, thời gian chỉ tính bằng giây.

Trong nhiều trường hợp, số tiền nhân viên chạy lệnh kẹp vào tờ khai có mệnh giá lớn cũng đều được cán bộ hải quan “trả lại” rất “sòng phẳng”. Tờ khai sau khi được đóng dấu sẽ tiếp tục được tuồn ra với số tiền thừa.

Hải quan giám sát vô tư nhận tiền "bôi trơn", thậm chí còn mặc cả với nhân viên chạy lệnh để được số tiền mong muốn.

Càng về chiều muộn, số lượng nhân viên “chạy lệnh” đến khu vực hải quan giám sát càng đông. La liệt giấy tờ, hồ sơ để trên mặt quầy. Chỉ cần nhẹ tay lật giấy tờ lên là dễ dàng thấy tiền “tươi" hiện ra. Ai cũng sốt sắng, vội vàng muốn nhanh xong việc. Thi thoảng lại nghe tiếng kì kèo qua lại từ phía cán bộ hải quan và nhân viên chạy lệnh:

- “Em ơi cái này thiếu 10 (10 ngàn đồng - PV) à?” Một nhân viên hải quan giám sát nói từ phía trong quầy ra.

- “Vâng, em xin luôn chị!”, Nhân viên chạy lệnh trả lời.

- “Thằng nào cũng xin là thế nào nhỉ? Các chị xin em thì không được!”, Nhân viên hải quan đáp.

Một lúc sau, vẫn là tiếng cán bộ hải quan nói vọng ra:

- Em ơi, hết giờ hành chính rồi mà em?

Tôi thắc mắc hỏi Đại, thì được giải thích: “sau khoảng 4 rưỡi chiều, mức phí cho mỗi tờ khai tăng lên gấp đôi vì “ngoài giờ hành chính”. Nghĩa là mỗi tờ khai sẽ phải kẹp thêm tiền bôi trơn là 60.000 đồng cho lô hàng dưới 1 tấn và 120.000 đồng cho lô hàng trên 1 tấn”.

Sau những tiếng đóng dấu lạch tạch chát chúa, lô hàng chính thức được thông quan.

(Còn nữa)

Theo Đại đoàn kết

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu