05:33 ngày 13/12/2024 | HOTLINE : 0983.883.366 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666
DÒNG SỰ KIỆN

Sàn TMĐT cần có trách nhiệm trong ngăn chặn hàng giả, hàng nhập lậu

16:00 20/11/2024

(THPL) - Cơ quan bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cho rằng, để tăng cường kiểm soát nguồn gốc, chất lượng hàng hóa bán trên sàn thương mại điện tử cần có những giải pháp đồng bộ, hợp tác giữa các bên người bán hàng, người mua hàng và cơ quan quản lý nhà nước.

Những năm qua, thương mại điện tử Việt Nam đã có sự phát triển mạnh mẽ, trở thành kênh phân phối và hiện là một trong những lĩnh vực tiên phong của nền kinh tế số. Đặc biệt, từ sau đại dịch Covid-19, thương mại điện tử (TMĐT) đã khẳng định được tính ưu việt trong việc thay đổi thói quen và hành vi mua sắm của người tiêu dùng...

Liên quan đến TMĐT, ngày 19/11, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia (Bộ Công Thương) đã có báo cáo về Kiểm soát chất lượng hàng hóa trong TMĐT. Theo báo cáo cho biết, TMĐT tại Việt Nam là một hình thức bán hàng phát triển ngày càng mạnh mẽ thông qua sàn TMĐT như TikTok, Lazada, Shopee…Tuy nhiên, các đối tượng lợi dụng TMĐT để kinh doanh, buôn bán hàng giả, hàng cấm, hàng không rõ xuất xứ, hàng không đảm bảo chất lượng và lợi dụng TMĐT để lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Các hành vi này ngày càng tinh vi, khó lường cả về quy mô lẫn địa bàn hoạt động.

Theo thống kê, trong 9 tháng đầu năm 2024, Ủy ban đã tiếp nhận và giải quyết đơn thư khiếu nại qua các hình thức như email hoặc bưu điện, công văn với 64 vụ việc trên tổng số 683 vụ việc đã được tiếp nhận. "Mặc dù, đây chưa phải là con số được tổng kết hết năm 2024 nhưng với số vụ việc đó chiếm khoảng 9,4% so với tổng số vụ việc khiếu nại, vậy so với năm 2023 là 5,5% thì tỉ lệ vụ việc về TMĐT đã tăng lên đáng kể" - Uỷ ban Cạnh tranh Quốc gia cho biết.

Cần tăng trách nhiệm của sàn TMĐT trong ngăn chặn hàng giả, hàng nhập lậu. Ảnh minh họa

Trước thực trạng trên, Cơ quan bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cho rằng, để tăng cường kiểm soát nguồn gốc, chất lượng hàng hóa bán trên sàn TMĐT, cần có những giải pháp đồng bộ, hợp tác giữa các bên người bán hàng, người mua hàng và cơ quản quản lý nhà nước.

Trong đó, cần tăng cường trách nhiệm của các sàn giao dịch thương mại điện tử trong việc cấp phép đăng bán sản phẩm hàng hóa đã cung cấp đủ giấy tờ chứng minh về sản phẩm. Kiểm tra những người bán hàng không thực hiện đúng những cam kết trong hợp đồng và các quy định trong quá trình kinh doanh, kiểm tra thực tế hàng hóa, đảm bảo kinh doanh hàng chính hãng, có nguồn gốc xuất xứ.

Các sàn phải đảm bảo các nhà bán hàng công khai thông tin của người bán và thông tin sản phẩm trên kênh bán hàng đầy đủ, chính xác về các mặt hàng. Có những xử phạt nghiêm khắc khi người bán hàng không thực hiện đủ việc cung cấp thông tin, đảm bảo việc bán những mặt hàng không trái với quy định.

Ủy ban Cạnh tranh quốc gia cũng khuyến cáo người tiêu dùng không chia sẻ và tiết lộ những thông tin cá nhân, đặc biệt là các thông tin về đơn hàng của mình cho các đối tượng không liên quan, hoặc đối tượng có thể lợi dụng thông tin cá nhân để lừa đảo, xâm hại đến lợi ích của người tiêu dùng.

Trước khi thực hiện giao dịch, người tiêu dùng cần xác minh, tìm hiểu kỹ thông tin của đơn vị bán hàng; có thể thông qua các công cụ tìm hiểu, các giới thiệu, đánh giá về cửa hàng và sản phẩm… để tăng mức độ hiểu biết, hỗ trợ quyết định đặt hàng của mình. Lựa chọn giao dịch mua hàng hóa, dịch vụ trên các sàn thương mại điện tử có uy tín, đặc biệt là các sàn thương mại điện tử đã được Bộ Công Thương, cơ quan có thẩm quyền cấp chứng nhận, cho phép hoạt động.

Khi mua hàng hóa nhất là trên môi trường thương mại điện tử, người tiêu dùng cần kiểm tra hàng hóa trước khi nhận; lựa chọn tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, không làm tổn hại đến môi trường, trái với thuần phong mỹ tục và đạo đức xã hội, không gây nguy hại đến tính mạng, sức khỏe của mình và của người khác; thực hiện chính xác, đầy đủ hường dẫn sử dụng hàng hóa, dịch vụ.

Người tiêu dùng cũng cần thông tin cho cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân có liên quan khi phát hiện hàng hóa, dịch vụ lưu hành trên thị trường không đảm bảo an toàn, gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của người tiêu dùng; hành vi của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa dịch vụ xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng.

Tú Chi (t/h)

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu