03:32 ngày 25/11/2024 | HOTLINE : 0983.883.366 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666
DÒNG SỰ KIỆN

Làng nghề bánh chưng Tranh Khúc tất bật những ngày cận Tết

Mạnh Hùng | 15:42 30/01/2024

(THPL) - Những ngày cận Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, làng nghề bánh chưng Tranh Khúc (xã Duyên Hà, huyện Thanh Trì, Hà Nội) từ làng trên xóm dưới lại tất bật, hối hả hơn bao giờ hết.

“Bên ngoài xanh lá dong xanh

Bên trong nếp mỡ, đỗ hành hạt tiêu

Gói nghĩa tình, gói yêu thương

Dẻo thơm từ thuở Lang Liêu tới giờ”. 

Trải qua sự biến thiên của thời gian, những người con của làng Tranh Khúc vẫn ngày đêm đỏ lửa gìn giữ nghề gói bánh chưng truyền thống mà cha ông để lại. Nhờ có nghề gói bánh chưng, cuộc sống của người dân làng nghề ngày càng ấm no, thương hiệu “bánh chưng Tranh Khúc” giờ đây đã có thể xuất khẩu sang các nước Ba Lan, Nga, Đức, Thái Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc. 

Làng nghề bánh chưng Tranh Khúc (xã Duyên Hà, huyện Thanh Trì, Hà Nội) từ làng trên xóm dưới lại tất bật, hối hả dịp Tết nguyên đán 
Hiện cả làng Tranh Khúc có tới 104 hộ làm nghề, 20 hộ chuyên làm bánh chưng xuất khẩu. 

Nếu như trước kia, làng Tranh Khúc chỉ có 30-40% hộ gia đình làm nghề thì nay đã tăng lên 90%, hiện cả làng Tranh Khúc có tới 104 hộ làm nghề, 20 hộ chuyên làm bánh chưng xuất khẩu. 

Bà Đặng Thị Mỹ Tho chia sẻ: Nghề làm bánh chưng ở Tranh Khúc chẳng biết có từ bao giờ, từ khi bà sinh ra đã được cha truyền con nối cái nghiệp này. 60 năm tuổi đời, bà Tho đã có tới 55 năm làm nghề gói bánh chưng nên một tiếng có thể gói từ 100-150 chiếc. Cái tâm và uy tín luôn được cơ sở sản xuất của bà Tho ưu tiên đặt lên hàng đầu. Bởi lẽ, nếu chỉ chạy theo xu thế lấy lãi làm nghề mà bỏ qua quy định khắt khe của đầu vào nguyên liệu, đầu ra sản phẩm thì không sớm thì muộn cũng mất hết khách, thậm chí là mất nghề. 

Theo bà Tho, công đoạn chọn nguyên liệu sẽ quyết định sự thành bại của chiếc bánh chưng, đây cũng là công đoạn để biết bánh có ngon hay không. Gạo nếp phải là gạo nếp cái hoa vàng hoặc gạo nếp nhung mới thì khi lên bánh mới thơm, đậu xanh thì được tuyển chọn đậu xanh An Khê, khi đồ lên sẽ tơi không bị sượng. 

Theo chia sẻ của nhiều nghệ nhân cho biết: Công đoạn chọn nguyên liệu sẽ quyết định sự thành bại của chiếc bánh chưng
Bánh chưng ngày Tết sẽ to hơn ngày thường, dao động từ 1-1,5kg/chiếc nên việc luộc bánh cũng lâu hơn ngày thường chừng 2-3 tiếng.
Làng nghề làm bánh chưng Tranh Khúc được UBND thành phố Hà Nội trao tặng bằng công nhận danh hiệu “Làng nghề truyền thống Hà Nội” vào năm 2011.

Bánh chưng ngày Tết sẽ to hơn ngày thường, dao động từ 1-1,5kg/chiếc nên việc luộc bánh cũng lâu hơn ngày thường chừng 2-3 tiếng. Trung bình 1 nồi bánh chưng khoảng 600-800 cái, luộc trong khoảng 12-13 tiếng là bánh chính.  Giá bánh được bán theo các loại khác nhau từ 50.000 - 70.000 đồng/chiếc. 

Trao đổi với phóng viên của Thương hiệu và Pháp luật, ông Nguyễn Văn Mão - Phó Chủ tịch xã Duyên Hà cho hay, làng nghề làm bánh chưng Tranh Khúc được UBND thành phố Hà Nội trao tặng bằng công nhận danh hiệu “Làng nghề truyền thống Hà Nội” vào năm 2011. Đến nay, sản phẩm bánh chưng của làng nghề đã đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao và OCOP 4 sao, xuất khẩu sang các nước ngoài. 

Kể từ sau đại dịch COVID-19, số lượng bánh của làng nghề Tranh Khúc đã giảm đi đáng kể, nhất là thị trường xuất khẩu. Hoạt động sản xuất trong nhân dân diễn ra hằng ngày, nhưng để nói bán được nhiều thì thường có ngày rằm, mùng 1 và nhộn nhịp nhất là vào dịp Tết Nguyên đán. Về phương hướng phát triển làng nghề trong thời gian tới, UBND xã Duyên Hà sẽ gắn phát triển du lịch trải nghiệm, hướng tới giới thiệu mô hình sản xuất bánh chưng của làng nghề Tranh Khúc. 

Mạnh Hùng

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu