10:21 ngày 08/07/2024 | HOTLINE : 0911.344.555 | Email: bbt.thpl@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666

DÒNG SỰ KIỆN

Hải Dương: Phá bỏ khu mộ Thượng thư Phạm Hạo để làm khu tái định cư?

12:38 05/07/2024

(THPL) - Khu mộ tại xã Kim Xuyên, huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương được họ Phạm xác nhận là của Đệ Nhị Tiến sĩ, Thượng thư Phạm Hạo, ông nội của Thượng thư Phạm Gia Mô, sẽ bị phá bỏ để làm khu tái định cư. Con cháu dòng họ Phạm có đơn kêu cứu gửi tới Thủ tướng Chính phủ, Bộ VH – TT&DL, Cục Di sản, UBND tỉnh Hải Dương và các sở ngành tỉnh Hải Dương.

Ngôi mộ đã có niên đại hàng trăm năm lịch sử

Theo Trung tâm hoạt động VHKH Văn Miếu – Quốc Tử Giám, cụ Phạm Hạo là người xã Quỳnh Khê, huyện Kim Thành (nay thuộc thôn Quỳnh Khê, xã Kim Xuyên, huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương). Cụ Phạm Hạo đỗ Đệ nhị Tiến sĩ xuất thân (Hoàng giáp) khoa Đinh Mùi, niên hiệu Hồng Đức 18 (năm 1487) đời vua Lê Thánh Tông và đã làm đến chức Thượng thư. Cụ là hậu duệ của Phạm Mại (thời Trần), ông nội của Phạm Gia Mô (người đỗ Tiến sĩ khoa Ất Sửu, niên hiệu Đoan Khánh 1 (năm 1505), đời vua Lê Uy Mục.

Khi cụ Phạm Hạo mất, con cháu trong dòng tộc họ Phạm đã lập mộ, thờ cúng. Theo dòng họ Phạm, ban đầu mộ cụ Phạm Hạo được xây thành khuôn viên trên thửa đất rộng khoảng 2000 – 3000m2, trong khuôn viên mộ được xây một tháp tỳ bút cao khoảng 10m. Mộ cụ và chùa Quỳnh Khê trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp từng là nơi ẩn giấu bộ đội để đánh Pháp ở đường 5.

Khu mộ cụ Phạm Hạo

Theo lời kể của đại diện họ Phạm, quân dân Hải Dương trong thời kỳ này chủ yếu đánh du kích phá hủy đường tàu và hệ thống giao thông làm suy yếu giặc Pháp trong suốt nhiều năm, đặc biệt là chiến công đánh sập đường tiếp tế chiến lược về nhân lực, phương tiện và vũ khí của Pháp góp phần to lớn vào chiến thắng Điện Biên Phủ. Trong thời kỳ hòa bình sau 1954, họ Phạm đã nhiều lần rào khu lăng mộ, nhưng điều kiện khi ấy còn khó khăn chưa thể xây dựng lại khu lăng mộ. Cách đây 30 năm, dòng họ Phạm đã cho xây bờ tường xung quanh cao 80cm, với diện tích khoảng 186m², nhưng vì nắng mưa gió bão, bờ tường đã không còn được nguyên vẹn.

Văn bia tại Quốc Tử Giám có ghi rõ về Thượng thư Phạm Hạo

Mộ phần của cụ Phạm Hạo có thể là một địa điểm khảo cổ quan trọng cần khoanh vùng bảo vệ. Vì khi sống, cụ đã được phong chức rất lớn nên có thể khi an táng đã được chôn cất theo nhiều tư liệu quan trọng, góp phần giải mã và hoàn thiện hơn sự hiểu biết của chúng ta về một thời khoa cử đầu tiên của Việt Nam và các giai đoạn chuyển giao quyền lực giữa các triều đại phong kiến Việt Nam. Đến khi chết, mộ phần của cụ vẫn góp phần che chở, bảo vệ quân đội và lực lượng du kích Kim Thành trong thời kỳ gian khó, góp phần vào việc lập nên những chiến công huy hoàng như chiến tích “Sấm đường 5” hay đóng góp một phần vào chiến tích chiến thắng giặc Pháp xâm lược ở Điện Biên Phủ, chấm dứt hoàn toàn sự xâm lược của thực dân Pháp.

Xác nhận của Trung tâm hoạt động VHKH Văn miếu Quốc Tử Giám

Theo đại diện dòng họ Phạm, ngôi mộ cổ này đã có từ hàng trăm năm trước, lưu truyền từ đời này sang đời khác. Đây là một thực tế. Từ đời cụ tổ Phạm Hạo đến nay, dòng họ Phạm đã có hàng trăm chi tỏa đi khắp nơi định cư sinh, sinh sống nhưng hàng năm con cháu vẫn về tại khu mộ để viếng tổ tiên. Ngày 6 tháng Giêng hằng năm, con cháu 13 chi họ ở các tỉnh, thành phố đều về cúng tổ, thắp hương, làm lễ tại khu mộ cụ Phạm Hạo. “Chúng tôi khẳng định đây là mộ Thượng thư Phạm Hạo và đã được lưu truyền qua hàng trăm năm, trở thành điểm tựa tâm linh cho con cháu họ Phạm bao đời nay”, đại diện họ Phạm nhấn mạnh.

Đề nghị tạm dừng phá dỡ, đào bới

Gần phần mộ cụ Phạm Hạo hiện nay là phần mộ của cụ Phạm Gia Mô – cháu cụ Phạm Hạo (cũng là cháu xa đời của cụ Phạm Mại), đỗ Đệ Tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân năm Ất Mùi, niên hiệu Đoan Khánh 1, làm quan đến chức Thượng thư, Hoành lễ hầu, được phong Bình Chương Quân Quốc sự hàm Thái sư, tước Hải Quận công, được sắc phong triều Nguyễn và được mở phủ đệ riêng. Không chỉ vậy, hiện hai cụ Phạm Hạo và Phạm Gia Mô vẫn đang được lưu danh tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám, đóng góp vào nền văn hóa chung của cả dân tộc. Bên cạnh đó, 82 bia mộ trong đó có ghi danh cụ Phạm Hạo đã được UNESCO công nhận là di sản tư liệu và ghi vào danh mục Ký ức thế giới toàn cầu. Vì vậy, cụ Phạm Hạo và cụ Phạm Gia Mô là những danh nhân lịch sử có sức ảnh hưởng lớn trong thời điểm hiện nay đối với thế hệ trẻ, để không ngừng nỗ lực phấn đấu học tập, không chỉ với con cháu dòng họ Phạm nói riêng mà còn với những người trẻ trong xã Kim Xuyên và toàn quốc, những người đến với Văn Miếu nói chung.

Văn bản của Sở VH-TT&DL Hải Dương

Tuy nhiên, khi thực hiện dự án đầu tư xây dựng nút giao liên thông kết nối quốc lộ 17B với quốc lộ 5, đường sắt Hà Nội - Hải Phòng tại xã Kim Xuyên, có khoảng 80 hộ dân bị thu hồi đất. Do đó cần thực hiện dự án khu dân cư khác để tái định cư cho các hộ nói trên. Trong khu đất làm dự án tái định cư có khu đất đang được cho là của cụ Phạm Hạo, do dòng họ Phạm quản lý. Và hiện nay, cơ quan có thẩm quyền huyện Kim Thành đang gấp rút tiến hành bồi thường giải phóng mặt bằng khu đất.

Lo lắng trước khu mộ tổ, di sản bị phá bỏ, họ Phạm đã gửi đơn tới Thủ tướng Chính phủ, Bộ VH – TT&DL, Cục Di sản, UBND tỉnh Hải Dương và các sở ngành tỉnh Hải Dương. Mới đây, Sở VH-TT&DL tỉnh Hải Dương đã có công văn chuyển tới Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Kim Thành, UBND huyện Kim Thành để giải quyết.

Đền thờ Thượng thư Phạm Gia Mô

Tại biên bản cuộc họp ngày 5/6/2024 giữa Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Kim Thành và đại diện dòng họ Phạm, đại diện dòng họ Phạm giữ nguyên quan điểm: “Tôi đề nghị ngăn chặn, tạm dừng việc phá dỡ, đào bới, di dời phần mộ cụ Phạm Hạo. Đề nghị cơ quan có thẩm quyền thu thập đầy đủ tư liệu lịch sử để ghi nhận và xếp hạng di tích lịch sử văn hóa phần mộ cụ Phạm Hạo và cụ Phạm Gia Mô, để đưa mộ của các cụ vào quy hoạch để bảo tồn theo quy định của Luật di sản năm 2009”, ông Phạm Đăng Long, đại diện họ Phạm nhấn mạnh.

Để tránh làm hư hỏng các dấu tích lịch sử còn lại trên mộ phần của cụ, đồng thời để con cháu dòng họ Phạm tại Kim Xuyên nói riêng, con cháu dòng họ Phạm cả nước nói chung và người dân tỉnh Hải Dương tự hào, nêu gương học hỏi, hiểu hơn về cha ông đã phấn đấu học hành đỗ đạt giúp dân, giúp nước, rất cần Bộ VH – TT&DL, Cục Di sản, UBND tỉnh Hải Dương sớm vào cuộc làm rõ theo nguyện vọng của nhân dân.

VŨ VĂN

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu