14:31 ngày 24/11/2024 | HOTLINE : 0983.883.366 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666
DÒNG SỰ KIỆN

Định giá tài sản thương hiệu: Vấn đề nóng nhưng vẫn mới mẻ

| 10:53 05/12/2017

(THPL) - Với chủ đề “Định giá tài sản thương hiệu trong bối cảnh hội nhập quốc tế”, Diễn đàn thương hiệu Việt Nam 2017 đã mang đến cái nhìn toàn cảnh về bức tranh thương hiệu Việt Nam hiện nay. Tuy nhiên trên thực tế, định giá thương hiệu vẫn là khái niệm khá mới mẻ tại thị trường nội địa.

brand
Một trong những vấn đề được cộng đồng doanh nghiệp và các cơ quan quản lý nhà nước hết sức quan tâm là hoạt động định giá tài sản thương hiệu.

Định giá tài sản thương hiệu: Vấn đề vẫn còn mới mẻ

Tại diễn đàn, các diễn giả trong và ngoài nước đã tập trung thảo luận về vai trò của hoạt động định giá tài sản thương hiệu, cũng như nhu cầu và thách thức khi tiến hành hoạt động định giá thương hiệu tại Việt Nam. Đồng thời, diễn đàn dành nhiều thời gian để giải đáp những thắc mắc về bài toán thương hiệu tại Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế.

Phát biểu tại diễn đàn, ông Vũ Bá Phú - Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại cho biết, trong bối cảnh Việt Nam đang hội nhập, việc cạnh tranh giữa các doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp nước ngoài diễn ra ngày càng khốc liệt hơn. Vì vậy, các doanh nghiệp cần đẩy mạnh việc xây dựng và phát triển thương hiệu, nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của mình. Do đó, một trong những vấn đề được cộng đồng doanh nghiệp và các cơ quan quản lý nhà nước hết sức quan tâm là hoạt động định giá tài sản thương hiệu.

ong vu ba phu
Ông Vũ Bá Phú - Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại.

Việc định giá thương hiệu theo tiêu chuẩn tài chính hết sức quan trọng góp phần giảm thiểu thất thoát cho Nhà nước trong quá trình cổ phần hóa và tránh thiệt thòi cho doanh nghiệp trong quá trình cạnh tranh, nhượng quyền…

Tuy nhiên trên thực tế, định giá thương hiệu vẫn là khái niệm khá mới mẻ tại thị trường Việt Nam. Mặc dù làn sóng mua bán sáp nhập đã xảy ra nhưng do chưa nhận thức và định giá một cách chuẩn tắc theo quy định quốc tế nên giá trị của một số thương hiệu đã không được đánh giá đúng. Thậm chí đã có thương hiệu chịu thiệt trong quá trình mua bán sáp nhập.

Theo ông Đặng Xuân Minh - Tổng Giám đốc AVM VietNam, thương hiệu được coi là tài sản vô giá của doanh nghiệp. Thậm chí, tại nhiều doanh nghiệp tài sản thương hiệu lớn hơn tài sản vật chất. Do vậy, việc định giá giá trị thương hiệu theo tiêu chuẩn tài chính hết sức quan trọng. “Giá trị thương hiệu theo tiêu chuẩn tài chính sẽ giúp hạn chết tối đa những thất thoát trong quá trình cổ phần hóa và tránh cho doanh nghiệp thiệt thòi trong quá trình cạnh tranh, nhượng quyền thương mại, mua bán sáp nhập…”, ông Minh nêu quan điểm.

Đồng thuận với quan điểm trên, ông Samir Dixit - Giám đốc điều hành Brand Finance châu Á-Thái Bình Dương cho rằng, thương hiệu là tài sản có giá trị nhất trong hoạt động kinh doanh; là mấu chốt quan trọng để thúc đẩy việc định giá cổ phiếu, sáp nhập và mua bán cũng như tăng khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp, nhưng lại ít được các nhà quản lý quan tâm.

Do vậy, trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay, phương pháp tiếp cận quản lý thương hiệu căn bản buộc phải thay đổi theo hướng tập trung hơn vào đo lường giá trị kinh tế và sự trở lại của cổ đông mà thương hiệu có thể đem lại.

IMG_2038
 Bà Đặng Thúy Hà - Giám đốc bộ phận Nghiên cứu hành vi người tiêu dùng của Nielsen Vietnam cho rằng: Thương hiệu chính là cầu nối của doanh nghiệp đối với người tiêu dùng.

Cơ sở pháp lý cần rõ ràng hơn?

Ngoài ra, ông Đặng Xuân Minh, Tổng Giám đốc AVM Vietnam cũng cho hay: Quy định về tài sản vô hình trong định giá thương hiệu đã được Bộ Tài chính ban hành nhưng mới chỉ ở mức cơ bản và chưa có hướng dẫn cụ thể. Quy định về cơ sở góp vốn cũng chưa đầy đủ, rõ ràng. Trong khi đó, việc tiếp cận thông tin doanh nghiệp khó khăn; thông tin so sánh hay những chỉ số về ngành thiếu, thậm chí phải tham khảo chỉ số của các tổ chức nước ngoài; dùng nhãn hiệu trong các giao dịch chưa nhiều… là những yếu tố khiến việc định giá thương hiệu của doanh nghiệp Việt rất khó khăn.

Nhằm tháo gỡ cho những bất cập trên, ông Đặng Xuân Minh đề xuất: Nhà nước ban hành cơ sở pháp lý rõ ràng hơn và hướng dẫn chi tiết về định giá thương hiệu. Với việc cổ phần hóa các doanh nghiệp, Nhà nước cần đấu giá minh bạch và theo lộ trình đây là giải pháp tốt để hạn chế tình trạng thất thoát. Về phía doanh nghiệp, bên cạnh đầu tư cho phát triển sản xuất, kinh doanh doanh nghiệp cũng cần chú trọng đầu tư cho thương hiệu. Theo đó, thương hiệu cần xây dựng trên chiến lược dài hạn, có thể sáp nhập và phát triển nhiều thương hiệu nhánh, từ đó tạo sự cộng hưởng về uy tín cũng như doanh thu.

TIN LIÊN QUAN
Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu