03:21 ngày 25/11/2024 | HOTLINE : 0983.883.366 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666
DÒNG SỰ KIỆN

Bánh nẳng làng Dòng – Thương hiệu mang đậm hồn quê Đất Tổ

Huyền Chi | 13:21 29/06/2020

(THPL) - Mảnh đất Phú Thọ không chỉ là vùng đất cổ, cái nôi của nền văn hoá Lạc Việt mà còn là nơi khởi nguồn của nhiều món ăn đặc sản. Trong đó không thể không kể đến Bánh nẳng làng Dòng - một loại bánh quen thuộc với nhiều du khách mỗi khi đến đây.

Bánh nẳng làng Dòng có tiếng là ngon bởi bàn tay khéo léo, cẩn thận và sự kỳ công của các bà, các mẹ làm nghề truyền thống trong làng. Để làm được những chiếc bánh nẳng - món bánh đặc sản chứa đựng tình cảm quê hương, mang cái hồn mộc mạc của con người Đất Tổ, người làng Dòng phải lên đồi hoặc rừng chặt các loại cây đem về đốt lấy tro. Nước tro được lọc cẩn thận đem ngâm với gạo nếp.

Gạo nếp được chọn làm bánh Nẳng thường là gạo nếp cái hoa vàng hoặc nếp nhung để hạt gạo không bị sượng cứng. Nước gio để ngâm bánh (còn gọi là nước nẳng) được pha chế từ gio than thu được sau khi đốt cháy một số loại thảo mộc, sau đó sẽ pha thêm một chút nước vôi trong. Khâu này vô cùng quan trọng bởi nhiều quá thì nồng, mà ít quá thì bánh sẽ nhạt nhẽo.

Bánh nẳng làng Dòng có tiếng là ngon bởi bàn tay kheo léo, cẩn thận và sự kỳ công của các bà, các mẹ làm nghề truyền thống trong làng.
Vào buổi sáng ngày Tết Đoan Ngọ, nhiều người thường mang bánh nẳng vào từng đĩa, sếp mâm hoa quả lòng thành dâng lễ lên ban thờ tổ tiên. 

Sau khi có nước tro, công đoạn tiếp theo là đem gạo nếp đãi sạch, cho vào thau ngâm với nước tro, thường được ngâm 5-6 tiếng đến một đêm, khi nào kiểm tra thấy hạt gạo miết ở hai đầu ngón tay nát mịn là được. Gạo ngâm xong được vớt ra đãi rửa thật sạch bằng nước mưa hoặc nước giếng khơi, để cho ráo mới tiến hành gói bánh.

Mỗi chiếc bánh nẳng tương ứng với 1 lạng gạo nếp, được luộc trong khoảng thời gian 10 tiếng. Bánh chín vớt ra rửa sạch, xếp đứng cho ráo nước. Bánh nẳng làng Dòng thuôn dài, cỡ nhỏ, khi ăn thì cắt ra chấm với mật mía. Ăn bánh nẳng không thể vội vã mà phải ăn từ từ, nhẩn nha thưởng thức thì mới thấy hết hương vị, càng ăn càng thấy ngon.

Cũng theo lời kể của những người dân sinh sống lâu năm cho biết, bánh nẳng sau khi chín mở ra là một khối bột trong, mịn chắc như một khối thạch, không nồng vôi tro. Bánh mềm mại vị nhạt, có màu từ nhạt đến nâu sẫm phụ thuộc loại nước tro sử dụng. Vị bánh thanh thanh, mát mát nhẹ nhàng, đâu đó thấp thoáng chút nồng của nước vôi trong, ngai ngái hương vị đậm đà quyện vào vị thanh mát, ngọt ngào thoang thoảng hương thơm dịu nhẹ của cỏ cây ưa nắng mọc ở đồi cao trung du.

Tiếp tục hỏi thăm những người làm bánh nẳng lâu năm trong làng, chúng tôi được biết: Ngày trước, bánh nẳng làng Dòng chỉ được các gia đình đơn lẻ trong làng làm, chủ yếu bán tại các chợ địa phương. Giờ đây, nhờ sản xuất tập trung, kết hợp mô hình làm bánh gia truyền với phát triển thương hiệu chung, số lượng tăng lên, thị trường tiêu thụ bánh cũng được mở rộng, có mặt ở nhiều hệ thống siêu thị lớn trong tỉnh và tại TP. Hà Nội. 

Những ngày hè tháng năm âm lịch, mới đến đầu làng mà chúng tôi đã cảm nhận ngay được không khí rộn ràng của nhiều hộ gia đình làm bánh lâu năm. Những âm thanh của tiếng xóc gạo lao xao, tiếng tước gân lá dong và âm thanh cười nói của người đang gói bánh cứ đi vào tâm trí và lòng người càng thêm háo hức.

Trong xã hội hiện đại, ai ai cũng bận rộn với cuộc sống riêng với những xô bồ, lo toan, vất vả... Thế nhưng, dù ở đâu, làm gì, cũng đừng quên ăn bánh nẳng với đường mật. Đó không chỉ là thưởng thức một nét văn hoá ẩm thực cổ truyền, mà còn là lưu giữ một phong tục đẹp của ông cha.

Bánh Nẳng làng Dòng - Món quà đặc sản chứa đựng tình cảm quê hương, mang cái hồn mộc mạc của con người Đất Tổ từ một ngôi làng còn giữ được nhiều nét văn hóa độc đáo, làng nghề truyền thống từ thời đại các Vua Hùng dựng nước.

Và mỗi khi nhắc về thứ bánh đặc sản này, nó lại khiến tôi nhớ về câu chuyện tuổi thơ: Vào buổi sáng ngày Tết Đoan Ngọ, mẹ tôi thường mang bánh nẳng bà làm cho vào từng đĩa, sếp mâm hoa quả lòng thành dâng lễ lên ban thờ tổ tiên. Cúng xong, cả nhà cùng ăn bánh và nghe kể sự tích Tết Đoan Ngọ, câu chuyện về bánh nẳng làng Dòng. 

Theo truyền thuyết, ngày xưa, ở làng Dòng (xã Xuân Lũng, huyện Lâm Thao) có một cô gái tuổi đã đôi mươi mà chưa có đám nào đến hỏi. Một lần nằm mơ, bụt đã hiện lên và bảo với cô: “Con hãy lấy nước tro từ các loại cây trên đồi ngâm với gạo nếp, lấy lá dong gói bánh mang luộc và đem mời người dân trong làng ăn sẽ được việc như ý”.

Cô gái làm theo lời bụt dặn, chiếc bánh có vị nhạt nhưng lại thoang thoảng hương vị cỏ cây vùng đồi địa phương, theo lời bụt dặn cô gái đặt tên bánh là bánh nắng. Từ đó, cái tên bánh nắng nổi tiếng khắp vùng gần xa.

Một ngày, có một chàng trai từ kinh thành xa xôi tìm đến, sau khi ăn bánh vì thích hương vị thơm ngon nên chàng đã quyết tâm đi tìm người con gái làm ra bánh nắng. Vì mến tài đảm đang, khéo léo của cô gái, chàng đã ngỏ ý đưa cô về ra mắt gia đình. Chàng là con trai một vị quan trong triều đình, nhưng vì quyến luyến với cha mẹ già yếu nên cô gái đành gạt nước mắt tạ từ chàng trai.

Cùng trong năm đó, gia đình chàng trai phụng mệnh triều đình mang theo toàn bộ tư gia hành hương về Đất Tổ lo việc cai quản và phúng lễ tại Đền Hùng. Đôi trai gái được gặp lại nhau và nên duyên chồng vợ. Về sau, cô gái còn truyền lại cách làm bánh cho người dân trong làng. Lâu dần bánh nắng được người dân gọi chệch đi thành bánh nẳng. 

Huyền Chi

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu