00:21 ngày 29/03/2024 | HOTLINE : 0911.344.555 | Email: bbt.thpl@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666

DÒNG SỰ KIỆN

Phú Thọ: Độc đáo hương vị thịt chua Thanh Sơn ngày Tết

07:59 15/02/2018

(THPL) - Thịt chua là món ăn đặc sản và thịnh hành tại một số địa phương vùng trung du Bắc Bộ Việt Nam. Đặc biệt, mỗi khi nhắc tới thịt chua là người ta lại nghĩ ngay tới mảnh đất cổ Thanh Sơn – Phú Thọ với câu nói quen thuộc “Lạ lùng rêu đá, đậm đà thịt chua”.

Thịt chua Thanh Sơn có tiếng là ngon vì nó đòi hỏi sự khéo léo, cẩn thận, tỉ mỉ của người làm. Bên cạnh đó, yếu tố khiến thịt chua Thanh Sơn trở nên nổi tiếng và trở thành thương hiệu khắp cả nước là vì khó bị mốc, bị hỏng và công đoạn chế biến khá cầu kì.

Theo chân những người dân làm thịt chua truyền thống tại đây, chúng tôi được biết, nguyên liệu chính được bà con sử dụng để làm thịt chua là thịt lợn (chủ yếu là nạc thăn, nạc mông, nạc vai), bì lợn và thính.

28056459_329965187514323_8872007682893753575_n
Thịt chua Thanh Sơn có tiếng là ngon vì nó đòi hỏi sự khéo léo, cẩn thận, tỉ mỉ của người làm.

Để có nguồn cung thịt sạch, ổn định, người dân thường liên kết với các hộ chăn nuôi tại địa phương và cơ sở giết mổ để thu mua thịt lợn sạch. Sau khi lọc bỏ hết gân và các dây mỡ để thớ thịt mềm, thịt lợn được đem rửa sạch, ráo nước rồi áp chảo. Phần bì lợn được cạo sạch, thui qua lửa để vừa loại bỏ những chất bẩn trên bề mặt, đồng thời khiến bì săn, giòn hơn. Sau đó, thịt và bì được đem thái mỏng.

Tiếp tục tìm hiểu thêm về thành phần làm thịt chua tại Thanh Sơn, chúng tôi được biết một trong những yếu tố quan trọng để tạo nên độ ngon của món thịt chua chính là thính. Thính được làm từ gạo, ngô loại ngon, sạch thì đem rang đều tay. Nếu rang non quá thì thính không thơm, còn già lửa thì thính lại bị khét. Gạo, ngô sau khi rang thì được nghiền thành bột và trộn đều với các loại gia vị khác vào thịt đã thái.

Trộn phải đều tay và đảm bảo toàn bộ diện tích mặt bề ngoài của miếng thịt đều bám thính. Thịt được trộn đều với gia vị xong thì cho vào ống nứa (theo cách truyền thống) hoặc hộp nhựa. Ống nứa sau khi được mài nhẵn hai đầu thì đem rửa sạch, phơi khô. Theo kinh nghiệm, nên chọn ống nứa là loại bánh tẻ, không già quá cũng không non quá.

Còn lớp đáy và lớp ngoài cùng của ống nứa được lót lá ổi nhằm chống ẩm, mốc và giúp cho quá trình lên men tốt hơn. Sau khi nhồi xong thịt vào ống nứa thì đem ủ khoảng 3 - 4 ngày thì ăn được.

27972698_329965190847656_8784434938089795726_n
Thông thường thịt chua thường được cho vào ống nứa
19420351_228679914309518_5764410786932502795_n
... Và ăn kèm với lá sung, lá đinh lăng, lá ổi...

Thịt chua thường được ăn kèm với lá sung, lá đinh lăng, lá ổi. Khi ăn có vị bùi bùi của thịt, sần sật của bì nướng hòa quện với vị chua chua của vị thính đã lên men, vị chát ngọt của lá cây rừng hòa vào vị cay của tương ớt.

Nhiều người “bụng dạ kém” khi ăn món thịt chua Thanh Sơn với đầy đủ gia vị đều khẳng định rằng món này giúp tiêu hóa rất tốt. Bởi vì lẽ đó, mà đặc sản thịt chua Thanh Sơn đã chiều lòng được cả những vị khách khó tính nhất và nhanh chóng trở thành đặc sản yêu thích của cộng đồng người Việt.

Trao đổi với Thương hiệu và Pháp luật, bà Đinh Ngọc Tuyết – Phó Chủ tịch UBND thị trấn Thanh Sơn , Phú Thọ khẳng định: “Thịt chua Thanh Sơn đã và đang tạo ra nhiều công ăn việc làm và thu nhập ổn định cho người lao động. Đặc biệt, yếu tố làm nên thương hiệu của thịt chua Thanh Sơn đó chính là đảm bảo chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm và không gây ô nhiễm môi trường”.

Tương truyền trước kia, người Mường không có vật dụng để bảo quản thịt lâu dài nên họ nghĩ ra cách làm thịt chua để giữ được lâu. Lúc bấy giờ, thịt lợn mổ xong được cắt thành miếng to, đem đi ướp muối rồi cất đi sử dụng dần.

Về sau, trong quá trình chế biến, người ta tẩm ướp thêm nhiều gia vị khác và dần hình thành món thịt chua đặc sản như ngày hôm nay.

 

TIN LIÊN QUAN
Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu