10:28 ngày 18/12/2024 | HOTLINE : 0983.88.33.66 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 090.1111.388
DÒNG SỰ KIỆN

Xuất khẩu nông - lâm - thủy sản ước đạt trên 62 tỷ USD trong năm 2024

10:25 17/12/2024

(THPL) - Ông Ngô Hồng Phong - Cục trưởng Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường (Bộ NN&PTNT) cho hay, 2024 là một năm bứt phá của nông nghiệp Việt Nam, kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thuỷ sản ước đạt trên 62 tỷ USD, tăng trên 18% so với năm 2023.

Đó là thông tin được đưa ra tại “Hội nghị thúc đẩy xuất khẩu nông lâm thủy sản” do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức ngày 16/12. 

Tại hội nghị, ông Ngô Hồng Phong, Cục trưởng Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường, Bộ NN&PTNT khẳng định: 2024 là một năm bứt phá của nông nghiệp Việt Nam cả về sản xuất và xuất khẩu. Theo đó, giá trị sản xuất tăng trưởng trên 3,2%, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thuỷ sản ước đạt trên 62 tỷ USD tăng trên 18% so với năm 2023, với 11 mặt hàng tiếp tục duy trì giá trị kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD;

Trong đó, có 7 mặt hàng đạt trên 3 tỷ USD (gỗ và sản phẩm gỗ ước 16,1 tỷ USD, rau quả ước 7,1 tỷ USD, gạo ước 5,7 tỷ USD, cà phê ước 5,4 tỷ USD, hạt điều 4,3 tỷ USD, tôm 3,8 tỷ USD, cao su ước 3,2 tỷ USD). Đặc biệt, xuất khẩu rau quả, gạo, cà phê, hạt điều và hạt tiêu đều có bước tăng trưởng hai con số (cà phê tăng 56,9%, hồ tiêu tăng 53,3%, cao su tăng 24,6%, gạo tăng 10,6%).

Đánh giá về kết quả trên, ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT cho rằng, sự chuyển mình của ngành nông nghiệp là kết quả của quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp và thúc đẩy ứng dụng khoa học, công nghệ. Việc khắc phục hạn mặn, phát triển vùng nguyên liệu gắn kết với chế biến và mở rộng thị trường xuất khẩu đã tạo động lực cho ngành phát triển bền vững. Bên cạnh đó, việc ký kết hàng loạt hiệp định thương mại đã tạo nền tảng vững chắc, giúp thúc đẩy kim ngạch song phương giữa các bên tăng trưởng đột phá.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đồng thời bày tỏ tin tưởng những năm tới, Việt Nam sẽ tiếp tục ký được các nghị định thư về các sản phẩm động vật, thủy sản. Nhờ đó, giá trị xuất khẩu sẽ đạt được mức tăng trưởng rất lớn. Không chỉ tăng tốc xuất khẩu vào các thị trường truyền thống, Việt Nam đang mở cửa ở những thị trường mới, đặc biệt thị trường Halal ở Trung Đông.

Xuất khẩu nông - lâm - thủy sản ước đạt trên 62 tỷ USD trong năm 2024. Ảnh minh họa

Tại hội nghị, ông Nông Đức Lai - Tham tán Thương mại Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc cho hay, Việt Nam nằm trong nhóm 10 quốc gia (vùng lãnh thổ) có số lượng hàng hóa nông sản, thực phẩm bị cảnh báo nhiều nhất. Trong đó, nhóm hàng thủy sản, nước trái cây (chưa tính cà phê, sản phẩm sữa), bánh các loại bị cảnh báo nhiều nhất.

Do đó, ông Lai khuyến cáo, các cơ quan chức năng của Việt Nam cần tăng cường công tác quản lý, giám sát chất lượng hàng xuất khẩu. Đồng thời, thường xuyên cập nhật, phổ biến thông tin đến doanh nghiệp về quy định, tiêu chuẩn chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm của nước nhập khẩu.

Đối với các doanh nghiệp, ông Lai cho rằng: Hiện Trung Quốc vẫn là thị trường lớn thứ 2 của Việt Nam, cơ hội để sản phẩm của chúng ta xuất khẩu vào thị trường 1,4 tỷ dân này còn rất nhiều. Tuy vậy, các doanh nghiệp cần phải tuân thủ các quy định về tiêu chuẩn chất lượng, kiểm nghiệm kiểm dịch, bao bì đóng gói, truy xuất nguồn gốc của nước nhập khẩu; chú trọng xây dựng thương hiệu; cần có nhân lực hiểu biết chuyên môn, thông thạo ngôn ngữ, am hiểu thị trường nước nhập khẩu...

Ông Lai cũng lưu ý các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ đang tìm kiếm đối tác cần phải được trang bị thêm kiến thức, năng lực về thương mại điện tử, giao tiếp với đối tác trên mạng xã hội... "Khi kết nối, làm việc với các đối tác qua mạng xã hội, chúng ta cần xác minh kỹ nhiều chiều. Các đơn vị có thể nhờ các cơ quan đại diện của Việt Nam tại Trung Quốc hoặc nhờ bạn hàng của mình xác minh thông tin kỹ trước khi ký kết hợp đồng giao dịch để giảm rủi ro", ông Lai nói thêm.

Cùng phân tích về thị trường, ông Nguyễn Anh Phong, Phó Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn cho biết, Hoa Kỳ đã vượt qua Trung Quốc trở thành thị trường nhập khẩu nông, lâm, thủy sản lớn nhất của Việt Nam, với kim ngạch đạt khoảng 8,7 tỷ USD, chiếm 25,4% tổng giá trị xuất khẩu.

Theo ông Phong, Hoa Kỳ vẫn sẽ tiếp tục là thị trường trọng điểm với quy mô dân số trên 330 triệu người và là một trong những nền kinh tế lớn nhất thế giới. Bên cạnh đó, xung đột thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc tạo điều kiện cho Việt Nam mở rộng xuất khẩu trong năm 2025.

“Hoa Kỳ là thị trường tiêu dùng lớn các sản phẩm như cà phê, hạt điều, hồ tiêu, ... nhưng không có thế mạnh để sản xuất. Đây cũng là thị trường tiêu thụ trái cây khổng lồ, Hoa Kỳ còn nhiều dư địa cho trái cây Việt Nam mở rộng và phát triển, đặc biệt các loại rau quả, thực phẩm hữu cơ có lợi cho sức khỏe, các loại trái cây lệch mùa vụ, trái cây nhiệt đới mà sản lượng trong nước hạn chế...,” ông Nguyễn Anh Phong cho hay.

Năm 2025, xuất khẩu nông lâm thủy sản của Việt Nam được dự báo sẽ có nhiều cơ hội tăng trưởng. Theo đó, Cục trưởng Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường cho biết, sản xuất trong nước duy trì ổn định, dự báo nhóm hàng nông sản vẫn có thể đạt tăng trưởng tốt trong quý I/2025. Nhu cầu nhập khẩu lương thực, thực phẩm của thế giới dự báo có thể tăng do nguồn cung bị đứt gãy ở nhiều quốc gia do bị ảnh hưởng bởi xung đột vũ trang, cạnh tranh thương mại giữa các nước lớn...

Đặc biệt, xuất khẩu nông lâm thủy sản còn nhiều dư địa tăng trưởng khi Việt Nam đang có các cơ hội lớn trong mở rộng thị trường xuất khẩu sang các khu vực tiềm năng khi năm 2025 thực thi hiệp định thương mại giữa Việt Nam và UAE (CEPA) và vai trò của Việt Nam ngày càng cao trong ASEAN. Việt Nam cũng đã ký kết thêm nhiều nghị định thư với Trung Quốc, mở cửa thị trường cho các sản phẩm mới như sầu riêng đông lạnh, dừa tươi, cá sấu nuôi trong năm 2025.

Mặc dù có nhiều cơ hội nhưng ông Ngô Hồng Phong cũng lưu ý xuất khẩu nông lâm thủy sản cũng sẽ đối mặt với không ít thách thức mới. Kết quả bầu cử tổng thống tại Hoa Kỳ đầu tháng 11/2024 có thể xuất hiện nhiều thay đổi chính sách vĩ mô lớn tác động đến nền kinh tế toàn cầu và Việt Nam trong năm 2025 như tiền tệ, thuế, rào cản thương mại... Các quy định kỹ thuật ngày càng cao và yêu cầu về phát triển xanh bền vững đang đặt ra cho nhiều quốc gia xuất khẩu nông lâm thủy sản trong đó có Việt Nam.

Để tận dụng được các cơ hội, ông Ngô Hồng Phong nhấn mạnh cần tập trung công tác tháo gỡ rào cản và mở cửa thị trường xuất khẩu, quan tâm các thị trường mới, còn nhiều tiềm năng như các nước Hồi giáo Halal, Trung Đông, châu Phi..., tích cực thực hiện các giải pháp đề nghị EU gỡ thẻ vàng IUU đối với hải sản Việt Nam.

“Chúng ta cần chú trọng xây dựng các tiêu chuẩn về sản xuất, chế biến và chất lượng sản phẩm phù hợp với yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế để nâng cao khả năng cạnh tranh và giá trị sản phẩm nông sản Việt Nam; khai thác tối đa những ưu đãi từ các hiệp định thương mại, bảo vệ thương hiệu, sản phẩm ở những thị trường truyền thống và mở rộng thị phần tại các thị trường tiềm năng,” ông Ngô Hồng Phong nói.

Minh Anh (t/h)

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu