10:43 ngày 24/11/2024 | HOTLINE : 0983.883.366 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666
DÒNG SỰ KIỆN

Vụ BHXH tại các công ty chè, chăn nuôi bò sữa: UBND tỉnh Sơn La chưa quan tâm tới quyền lợi của CNLĐ

M.Tuấn - Lâm Tới | 13:54 09/04/2023

(THPL) - Không làm rõ về thời gian, số tiền mà doanh nghiệp đã thu sai để đóng các loại bảo hiểm bắt buộc cho CNLĐ, không có ý kiến về việc có truy thu số tiền thu sai để trả lại cho CNLĐ hay không… những động thái này đang cho thấy phía UBND tỉnh Sơn La chưa thực sự quan tâm tới quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của CNLĐ.

Xử lý theo cách bỏ quên quyền lợi của CNLĐ

Theo quy định của pháp luật, tiền lương ghi trong hợp đồng lao động là căn cứ để đóng các loại bảo hiểm bắt buộc (bao gồm: BHXH, BHYT, BHTN). Vì thế, để có thể xác định được số tiền đóng các loại bảo hiểm bắt buộc hàng tháng thuộc trách nhiệm của doanh nghiệp và người lao động, điều tiên quyết là doanh nghiệp phải xác định được tiền lương hàng tháng tính đóng các loại bảo hiểm của người lao động.

Cũng theo quy định của pháp luật, tổng số tiền mỗi người lao động phải đóng khi tham gia bảo hiểm bắt buộc 10,5%, doanh nghiệp có trách nhiệm đóng 21,5% (tính theo mức lương hằng tháng).

Công văn trả lời của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội

Điều này có nghĩa rằng, việc một thời gian dài, các doanh nghiệp chè, chăn nuôi giống bò sữa trên địa bàn huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La đưa nhóm lao động giao khoán vào danh sách đóng bảo hiểm bắt buộc đã đồng nghĩa với việc các doanh nghiệp này có ký hợp đồng lao động và xây dựng thang bảng lương cho nhóm lao động giao khoán. Đây là cơ sở để họ đăng ký với BHXH huyện Mộc Châu và đóng tiền cho cơ quan BHXH địa phương hằng tháng, hằng quý, hằng năm.

Trong công văn trả lời UBND tỉnh Sơn La - Công văn số 2863/LĐTBXH-BHXH về việc thực hiện BHXH đối với người lao động tại các công ty chè, công ty giống bò sữa trên địa bàn huyện Mộc Châu ngày 3/8/2020 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã nêu rõ: Trong giai đoạn Nghị định số 01-CP và Nghị định số 135/2005/NĐ-CP có hiệu lực thi hành, doanh nghiệp thực hiện nghĩa vụ đóng BHXH, BHYT đối với NLĐ thuộc doanh nghiệp mình mà có hợp đồng giao khoán. Từ ngày 15/2/2017 trở đi, nếu phát sinh hợp đồng lao động giữa doanh nghiệp với người lao động nhận giao khoán thì doanh nghiệp vẫn phải thực hiện các nghĩa vụ đối với người lao động theo quy định của pháp luật, trong đó có nghĩa vụ tham gia BHXH, BHTN, BHYT cho người lao động theo quy định.

Tuy nhiên, đáng lẽ phải thực hiện nghĩa vụ đóng 21,5% như luật định, các doanh nghiệp trên lại không bỏ ra bất cứ đồng nào, thay vào đó, bắt CNLĐ đóng tất cả. Bằng luận điệu “đã thoả thuận” với người lao động (mặc dù thoả thuận này trái pháp luật), trong suốt thời gian dài, các doanh nghiệp chè, chăn nuôi giống bò sữa đã “móc túi” người lao động để thực hiện nghĩa vụ của doanh nghiệp, không khác gì thực hiện chiêu bài “lấy mỡ cá rán cá” mà không bị bất cứ một cơ quan quản lý nào xử lý.

Số liệu từ kết luận thanh kiểm tra của BHXH tỉnh Sơn La cho thấy, tại Công ty CP Giống bò sữa Mộc Châu có 385 CNLĐ, Công ty CP Chè Cờ đỏ Mộc Châu có 264 CNLĐ, Công ty CP Vinatea Mộc Châu có 373 CNLĐ… đã phải tự đóng 32% tiền lương hằng tháng cho các loại bảo hiểm bắt buộc mặc dù họ đã được đưa vào danh sách đóng bảo hiểm bắt buộc.

Với những tồn tại này, BHXH tỉnh Sơn La đã yêu cầu các doanh nghiệp trên ngừng đóng bảo hiểm bắt buộc đối với CNLĐ giao khoán.

Mặc dù sai phạm là khá rõ, nhưng ngoài “giải pháp” nêu trên của cơ quan BHXH tỉnh, cho đến thời điểm hiện tại, phía Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Sơn La, UBND tỉnh Sơn La vẫn chưa thực hiện việc xử phạt doanh nghiệp, yêu cầu truy thu lại số tiền các doanh nghiệp đã thu sai (21,5%) để trả lại cho CNLĐ.

Người lao động trắng tay và doanh nghiệp được hưởng lợi

Ông Thiều Quang Ngãi - Giám đốc BHXH tỉnh Sơn La cho rằng: Cơ quan BHXH chỉ có thể xử lý doanh nghiệp khi doanh nghiệp trốn đóng, chậm đóng bảo hiểm bắt buộc.

Có thể nhận thấy ý kiến của giám đốc BHXH tỉnh Sơn La không sai. Trên thực tế, thời gian qua, các doanh nghiệp chè, chăn nuôi giống bò sữa ở Mộc Châu đã thực hiện đóng đủ số tiền bảo hiểm theo danh sách đăng ký với cơ quan BHXH địa phương. Chỉ có điều nhóm CNLĐ giao khoán được đưa vào danh sách đóng bảo hiểm bắt buộc phải tự đóng 32% thay vì đóng 10,5% như theo quy định pháp luật. Và việc phát hiện, xử lý phải thuộc trách nhiệm của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội.

VinaTea Mộc Châu (thuộc Tổng Công ty chè Việt Nam) - Một trong những đơn vị có hàng trăm CNLĐ phải đóng thay nghĩa vụ cho doanh nghiệp khi tham gia BHXH bắt buộc

Ý kiến trả lời của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Công văn số 2863/LĐTBXH-BHXH đối với UBND tỉnh Sơn La đã khá rõ. Kết luận Thanh tra của cơ quan BHXH tỉnh Sơn La cũng đã ban hành. Tuy nhiên, hiện nay, ngoài việc CNLĐ giao khoán bị gạt ra ngoài danh sách đóng BHXH bắt buộc, quyền lợi của nhóm lao động này chưa được phía Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, UBND tỉnh Sơn La xem xét.

Việc dùng tiền của người lao động để thực hiện thay trách nhiệm của doanh nghiệp là hành vi đáng lên án và việc này UBND tỉnh Sơn La, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Sơn La phải nhìn thẳng vào vấn đề để xử lý tận gốc, qua đó bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của CNLĐ chứ không phải chọn cách im lặng mãi. Vì nếu cứ im lặng thì CNLĐ sẽ tiếp tục trắng tay, còn doanh nghiệp sẽ là đối tượng được hưởng lợi.

M.Tuấn - Lâm Tới

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu