15:51 ngày 19/01/2025 | HOTLINE : 0983.88.33.66 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 090.1111.388
DÒNG SỰ KIỆN

Sơn La: Cơ quan quản lý có cố tình lờ đi sai phạm của doanh nghiệp?

09:17 11/09/2020

(THPL) - Nhiều năm qua, hơn một ngàn người lao động (NLĐ) tại các công ty chè, công ty giống bò sữa ở huyện Mộc Châu (tỉnh Sơn La) đã phải đóng thay nghĩa vụ thực hiện BHXH bắt buộc của người sử dụng lao động. Nhưng cái họ nhận lại được đó là sự thiệt đơn, thiệt kép. Trong khi doanh nghiệp làm sai vẫn vô can.

Doanh nghiệp làm sai, người lao động chịu thiệt

Những năm qua, tại các Công ty CP Giống bò sữa Mộc Châu, Công CP Chè Chiềng Ve, Công ty CP Chè Cờ Đỏ Mộc Châu, Công ty CP Vinatea Mộc Châu có nhóm công nhân lao động thuộc diện giao khoán với chức danh công việc là công nhân trồng và thu hái chè, công nhân chăn nuôi bò. Những người lao động này có tên trong danh sách nhóm lao động tham gia BHXH bắt buộc hằng năm. Nhiệm vụ, công việc của các lao động này là hằng ngày chăm sóc chè, nhổ cỏ, bón phân, phun thuốc, thu hái chè búp tươi,…; chăm sóc, chăn nuôi bò sữa, vắt sữa bò…

Mặc dù, công ty không chấm công nhưng các lao động này hằng tháng đều có ngày công lao động thực tế. Rất nhiều năm qua, các công ty trên không thanh toán lương trực tiếp hằng tháng cho người lao động, mà trả lương qua sản phẩm thu hoạch. Việc không có bảng chấm công, không có bảng thanh toán tiền lương hằng tháng khiến cho từ tháng 7/2018, cơ quan BHXH tỉnh Sơn La đã quyết định tạm dừng, không giải quyết chế độ ốm đau, thai sản cho nhóm đối tượng này, gây ra những khó khăn, trở ngại trong cuộc sống, sinh hoạt của NLĐ.

Công ty CP Chè Cờ Đỏ Mộc Châu

Tháng 9/2019, trong lá đơn đề nghị thanh toán chế độ BHXH, chị Ngô Thị Hoàn (SN 1986) - công nhân Công ty CP Chè Chiềng Ve viết: “Tôi vào làm công nhân từ tháng 3/2013, được công ty phân công công tác về đơn vị 3 nhận khoán sản xuất chè. Từ đó đến nay, bản thân tôi luôn hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Ngày 26/7/2018, tôi sinh con thứ 2 bằng hình thức mổ đẻ. Sau khi sinh, tôi đã nộp đầy đủ hồ sơ đề nghị thanh toán BHXH cho Phòng Tổ chức thuộc Công ty CP Chè Chiềng Ve - Mộc Châu. Kể từ đó đến nay đã hơn một năm, tôi vẫn chưa được thanh toán chế độ BHXH…”.

Phiếu thu tiền BHXH mà Công ty CP Chè Cờ Đỏ Mộc Châu trả cho NLĐ

Từ câu chuyện của chị Hoàn, phóng viên đã tìm hiểu và biết được có hàng trăm NLĐ khác tại các công ty Công ty CP Giống bò sữa Mộc Châu, Công CP Chè Chiềng Ve, Công ty CP Chè Cờ Đỏ Mộc Châu, Công ty CP Vinatea Mộc Châu cũng bị “treo” về quyền lợi BHXH.

Rất may, sau này, khi có ý kiến chỉ đạo của BHXH Việt Nam, việc chi trả chế độ thai sản đã được giải quyết, tuy nhiên chế độ ốm đau vẫn còn phải tạm dừng. Điều này có nghĩa rằng hàng trăm NLĐ vẫn phải chờ đợi để được hưởng quyền lợi về BHXH mà đáng lẽ ra họ phải được hưởng sau khi đã thực hiện đầy đủ nghĩa vụ về BHXH.

Trong quá trình tiếp cận với công nhân lao động, phóng viên đã phát hiện ra dấu hiệu sai phạm nghiêm trọng của các công ty nêu trên. Đó là nhiều NLĐ tại các Công ty CP Giống bò sữa Mộc Châu, Công CP Chè Chiềng Ve, Công ty CP Chè Cờ Đỏ Mộc Châu, Công ty CP Vinatea Mộc Châu từ lâu đã và đang phải thực hiện thay nghĩa vụ đóng BHXH bắt buộc của người sử dụng lao động cho NLĐ. Tức là, hằng tháng họ đang phải trích khoảng 32% tiền lương tương ứng để đóng BHXH (loại hình BHXH bắt buộc).

Cụ thể, với mức lương căn cứ đóng BHXH gần 4 triệu đồng, chị Vũ Thị L. (Công ty CP Chè Cờ Đỏ Mộc Châu) hằng tháng đang phải bỏ ra hơn 1,3 triệu đồng để đóng BHXH. Với chị Đặng Thị V., chị Bùi Thị H., chị Ng Thị L., câu chuyện cũng tương tự.

Theo quy định của pháp luật, căn cứ Luật BHXH số 58/2014/QH13; Nghị định số 105/2014/NĐ-CP ngày 15/11/2014 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật BHYT; Luật Việc làm số 38/2013/QH13; Luật An toàn, vệ sinh lao động số 84/2015/QH13, Nghị định số 44/2017/NĐ-CP quy định điều chỉnh tỷ lệ đóng quỹ BHTNLĐ-BNN từ 1% xuống 0,5% từ ngày 1/6/2017 quy định: “NLĐ ký hợp đồng lao động với doanh nghiệp từ 3 tháng thì thuộc đối tượng tham gia BHXH, BHYT, BHTN, BHTNLĐ-BNN bắt buộc theo văn bản quy định hiện hành là 32%, trong đó người sử dụng lao động đóng 21,5%; NLĐ đóng 10,5% tiền lương tháng".

Như vậy, việc thu 32% tiền lương tương ứng để đóng BHXH với loại hình BHXH bắt buộc như các công ty nêu trên (thể hiện trên phiếu thu) là có dấu hiệu sai phạm về mặt pháp luật.

Cơ quan có “quay mặt” để doanh nghiệp làm sai?

Khi được hỏi về việc vì sao nhóm công nhân hái, chăm sóc chè lại phải đóng 32% tiền lương tương ứng hằng tháng để đóng BHXH diện bắt buộc, ông Trần Mạnh Hòa - Giám đốc Công ty CP Chè Cờ Đỏ Mộc Châu cho rằng: việc đóng như vậy chắc chắn trước khi thực hiện công ty đã phải có văn bản đề nghị, xin ý kiến của các cơ quan liên quan và được phía các cơ quan này chấp thuận. Tuy nhiên, khi phóng viên đề nghị được tiếp cận những hồ sơ đó thì công ty không cung cấp được. Đại diện Phòng Tổ chức công ty sau đó có điện thoại và lý giải với phóng viên rằng, việc làm này (việc thu BHXH với mức thu 32% tiền lương tương ứng hằng tháng để đóng BHXH bắt buộc cho người lao động) là thực hiện theo cách làm truyền thống, từ trước tới nay. Trước đó, trong nhiều năm, cơ quan BHXH, cơ quan quản lý lao động cũng đã có nhiều cuộc kiểm tra tại đơn vị về vấn đề thực hiện pháp luật lao động, trong đó có nội dung về BHXH nhưng không có ý kiến gì.

Đại diện Công ty CP Vinatea Mộc Châu lại cho rằng, trách nhiệm đóng BHXH của người sử dụng lao động đã được tính trong giá thành mua sản phẩm. Thực chất, thời gian qua, công ty luôn mua chè cao hơn với giá thị trường. Giá này bao gồm tiền công chăm sóc, tiền công hái chè, chi phí BHXH, tiền vật tư phân bón, thuốc bảo vệ thực vật… Và việc thực hiện thu BHXH của người lao động như trên có sự thỏa thuận giữa NLĐ và người sử dụng lao động. Tuy nhiên, khi phóng viên hỏi “văn bản nào của công ty thể hiện việc thỏa thuận ấy và việc thỏa thuận ấy có trái với quy định của pháp luật hiện hành không?” thì đại diện Công ty CP Vinatea Mộc Châu không cung cấp được, cũng như không trả lời được

Nguyễn Thị Hằng – Trưởng phòng Lao động Việc làm – Giáo dục nghề nghiệp, Sở Lao động – Thương Binh và Xã hội tỉnh Sơn La

Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Sơn La và các đơn vị liên quan

Qua trao đổi với ông Hà Văn Cường – Phó Trưởng Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Mộc Châu, chúng tôi nhận thấy từ năm 2017 đến nay UBND huyện Mộc đã Ban hành nhiều kế hoạch về kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật trong lĩnh vực lao động, thực hiện chính sách bảo hiểm và đảm bảo quyền lợi của NLĐ tại các doanh nghiệp trên địa bàn huyện; đồng thời ban hành nhiều quyết định thành lập các đoàn kiểm tra với nội dung nêu trên. Tuy nhiên, điều chúng tôi khá bất ngờ danh sách các doanh nghiệp được kiểm tra đều “vắng mặt” các công ty chè, công ty giống bò sữa.

Với Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Sơn La, khi được hỏi về việc cơ quan quản lý lao động địa phương có biết việc hơn 1 ngàn NLĐ tại các công ty chè, công ty giống bò sữa đang phải đóng BHXH với mức 32% tiền lương tương ứng hằng tháng hay không? Đại diện Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Sơn La cho rằng: “Hợp đồng lao động của NLĐ làm việc tại các công ty chè đều thể hiện NLĐ tự đóng BHXH, BHYT, BHTN. Tuy nhiên trên thực tế thì công ty đã tính toán cả 21,5% mức đóng BHXH, BHYT, BHTN (phần mà người sử dụng lao động phải nộp) để trả vào giá chè mà công ty đã mua của NLĐ. NLĐ sau khi đã nhận tiền bán sản phẩm (tiền lương) thì nộp BHXH, BHYT, BHTN qua công ty, công ty sẽ nộp lại cho cơ quan BHXH huyện Mộc Châu. Như vậy về bản chất, các công ty khẳng định đã tham gia BHXH, BHYT, BHTN cho NLĐ theo đúng quy định thông qua giá mua chè của công ty với NLĐ đang giao khoán sản phẩm.

Khi được phóng viên tiếp tục đặt câu hỏi “Văn bản pháp lý nào làm cơ sở để thỏa thuận với NLĐ việc đóng BHXH bắt buộc với 32% tiền lương tương ứng hằng tháng?”, “Cơ quan quản lý lao động có kiểm soát được giá chè, có chứng minh được việc giá chè đó đã bao gồm nghĩa vụ đóng BHXH bắt buộc của NSDLĐ?”, “Văn bản pháp lý hiện hành nào cho phép doanh nghiệp thực hiện việc làm đó?”… thì đại diện Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Sơn La không trả lời được.

Qua cách trả lời đại diện Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Sơn La, có thể hiểu phía Sở này đang “đồng thuận” với cách làm của doanh nghiệp. Và phải chăng, việc doanh nghiệp có dấu hiệu “trốn” nghĩa vụ đóng BHXH cho NLĐ kéo dài nhiều năm, đơn vị này vẫn biết nhưng cố tình lờ đi? Và biết đâu, trong vụ việc này có tồn tại “lợi ích nhóm”?

Kỳ 2: Hàng chục tỉ đồng BHXH thu sai quy định, doanh nghiệp có phải trả lại cho NLĐ?

Anh Tú

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu