02:26 ngày 16/01/2025 | HOTLINE : 0983.88.33.66 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 090.1111.388
DÒNG SỰ KIỆN

Xây dựng văn hóa trong Đảng là nhiệm vụ quan trọng trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc

23:39 15/01/2025

(THPL) - Xây dựng văn hóa trong Đảng là sự nghiệp của Đảng, là nhiệm vụ rất quan trọng của mỗi cấp ủy, tổ chức Đảng và từng đảng viên; có ý nghĩa căn bản, cấp thiết, cần phải được triển khai đồng bộ, khoa học, thường xuyên, liên tục; gắn kết chặt chẽ công tác xây dựng văn hóa trong Đảng với tổng thể nhiệm vụ xây dựng, chỉnh đốn Đảng và nhiệm vụ xây dựng, phát triển văn hóa, con người Việt Nam.

Đó là phát biểu của đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương tại Hội thảo khoa học quốc gia “Những vấn đề lý luận và thực tiễn về xây dựng văn hóa trong Đảng giai đoạn mới” diễn ra ngày 15/1 tại Hà Nội. 
Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương. Ảnh: TC Tri thức

Phát biểu đề dẫn hội thảo, đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh cho biết, văn hóa trong Đảng là sự tổng hòa các giá trị truyền thống, tư tưởng, đạo đức, quy tắc, phong cách lãnh đạo, phương pháp làm việc, cách thức vận hành, hành vi ứng xử của tổ chức Đảng và các đảng viên trong hoạt động lãnh đạo, trong tổ chức và sinh hoạt của Đảng.

Văn hóa trong Đảng củng cố sự đoàn kết, thống nhất, phát huy sức mạnh nội sinh của Đảng

Văn hóa trong Đảng là một cấu phần đặc biệt quan trọng trong đời sống chính trị - tư tưởng của Đảng; là yếu tố để củng cố sự đoàn kết, thống nhất, phát huy sức mạnh nội sinh của Đảng. Xây dựng văn hóa trong Đảng có vai trò hệ trọng, quyết định đến công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong sạch, vững mạnh toàn diện.

Đồng thời, hình thành phong cách lãnh đạo dân chủ, khoa học, minh bạch, hiệu quả, phù hợp với yêu cầu phát triển mới trong điều kiện Đảng ta là đảng duy nhất lãnh đạo, cầm quyền. Cùng với đó, giúp cán bộ, đảng viên rèn luyện, tự hoàn thiện bản thân, giữ vững phẩm chất đạo đức cách mạng; ngăn chặn hiệu quả những biểu hiện suy thoái tư tưởng chính trị, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.

Văn hóa trong Đảng còn là sợi dây bền chặt gắn kết Đảng với nhân dân, củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng. Không chỉ giới hạn trong nội bộ Đảng, văn hóa trong Đảng, với vai trò là hồn cốt, sự kết tinh sâu sắc của văn hóa chính trị Việt Nam, còn có vai trò định hướng xã hội, lan tỏa mạnh mẽ những giá trị, chuẩn mực đạo đức tốt đẹp từ trong Đảng ra toàn hệ thống chính trị và xã hội, góp phần để văn hóa thật sự trở thành nguồn lực, sức mạnh nội sinh và động lực quan trọng cho sự phát triển nhanh và bền vững đất nước.

Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương. Ảnh: Đình Hiệp

Tuy nhiên, nhiệm vụ xây dựng văn hóa trong Đảng vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập. Vai trò của văn hóa trong xây dựng Đảng, hệ thống chính trị có nơi, có lúc chưa được coi trọng và phát huy đúng mức. Nội dung, phương thức xây dựng văn hóa trong Đảng chưa được chú trọng xứng tầm. Đặc biệt, tình trạng tham nhũng, tiêu cực vẫn diễn biến phức tạp, nghiêm trọng, gây bức xúc trong xã hội.

Đất nước ta đang bước vào một kỷ nguyên phát triển mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc

Đất nước ta đang bước vào một kỷ nguyên phát triển mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, mở ra những vận hội to lớn nhưng cũng đặt ra không ít thách thức, đòi hỏi chúng ta phải có tư duy, cách làm mới, những đột phá trong các quyết sách chiến lược; khơi dậy niềm tự hào, phát huy mạnh mẽ giá trị văn hóa, sức mạnh, tinh thần đoàn kết và ý chí của con người Việt Nam; thống nhất chặt chẽ giữa “ý Đảng, lòng dân”; tiếp tục nâng tầm tư duy, trí tuệ, bản lĩnh của Đảng để lãnh đạo đất nước vững bước trên con đường đổi mới, hội nhập và phát triển bền vững.

Đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh: phải tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo, nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền, đảm bảo Đảng là người cầm lái vĩ đại, đưa dân tộc ta tiến lên mạnh mẽ. Trong diễn văn tại Lễ kỷ niệm 90 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, đồng chí cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng đã khẳng định: “Một đảng cách mạng chân chính có đường lối đúng, có tổ chức chặt chẽ, có đội ngũ cán bộ, đảng viên trong sạch, gương mẫu, tận tụy, gắn bó máu thịt với nhân dân, được nhân dân ủng hộ, thì đảng đó có sức mạnh vô địch, không thế lực nào ngăn cản nổi trên con đường dẫn dắt dân tộc đi lên”.

Trong bối cảnh mới đó, xây dựng văn hóa trong Đảng lại càng trở nên quan trọng, nhưng cũng là nhiệm vụ trở nên phức tạp, khó khăn hơn, liên quan đến nhiều chủ thể, với nhiều nội dung mới, nhiều khía cạnh khác nhau.

Thứ nhất, kiên định và vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, lý luận về đường lối đổi mới của Đảng; kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; kiên định đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới đất nước; kiên định các nguyên tắc xây dựng Đảng, để xây dựng, phát triển đất nước và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Đây là giá trị cốt lõi, khẳng định tính đảng của văn hoá trong Đảng, văn hoá chính trị, cũng là những giá trị đặc trưng của mô hình chủ nghĩa xã hội Việt Nam mà chúng ta xây dựng. 

Thứ hai, trân trọng, bảo vệ, giữ gìn và phát huy những giá trị, truyền thống, thành quả vĩ đại mà Đảng ta đã đạt được trong 95 năm lãnh đạo nhân dân thực hiện thắng lợi cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước; thực hiện thành công công cuộc đổi mới, hội nhập và phát triển đất nước; để tự hào, tự tin, tự lực, tự cường trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Đây cũng là nền tảng vững mạnh để chúng ta kiên quyết, kiên trì đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, các biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá”, củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng.

Thứ ba, tiếp tục xây dựng, gìn giữ và phát huy, lan tỏa những giá trị tốt đẹp, tiến bộ, nhân văn trong mọi hoạt động của các tổ chức đảng, trong nhân cách của mỗi cán bộ, đảng viên, trong mối quan hệ ứng xử tốt đẹp giữa những người đồng chí và giữa cán bộ, đảng viên với Nhân dân, tạo sức ảnh hưởng sâu rộng của Đảng đối với toàn xã hội. Gắn kết chặt chẽ xây dựng văn hoá trong Đảng với xây dựng văn hoá chính trị; giữa xây dựng văn hoá trong Đảng với xây dựng tổ chức bộ máy của Đảng và hệ thống chính trị tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả. Khơi dậy tinh thần cống hiến, đổi mới sáng tạo, khát vọng, ý chí và quyết tâm phát triển của cán bộ, đảng viên và lan toả ra toàn xã hội, vì một Việt Nam hoà bình, độc lập, dân chủ, giàu mạnh, phồn vinh, văn minh, hạnh phúc, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội, sánh vai với các cường quốc năm châu.

Hội thảo khoa học quốc gia “Những vấn đề lý luận và thực tiễn về xây dựng văn hóa trong Đảng giai đoạn mới” diễn ra hôm nay (15/1) tại Hà Nội. Ảnh: LĐTĐ

Cũng tại hội thảo, các đại biểu trao đổi, thảo luận các nội dung liên quan lý luận và thực tiễn công tác xây dựng văn hóa Đảng thời gian vừa qua. Từ đó, đề xuất nhiều giải pháp nhằm nâng cao chất lượng văn hóa Đảng đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ giai đoạn cách mạng mới.

Nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm đẩy mạnh công tác xây dựng văn hóa trong Đảng

Phát biểu kết luận, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương đánh giá cao công tác chuẩn bị; tinh thần nghiêm túc, khoa học, tâm huyết của các đại biểu tham dự hội thảo. Đồng thời khẳng định hội thảo là diễn đàn khoa học quan trọng để các chuyên gia, nhà khoa học, các đồng chí lãnh đạo, quản lý tiếp tục công bố, trao đổi những kết quả nghiên cứu mới, góp phần làm rõ, làm sâu sắc hơn nữa những vấn đề lý luận và thực tiễn; xác định nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm xây dựng văn hóa trong Đảng giai đoạn mới, đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh và bền vững đất nước.

Để đẩy mạnh công tác xây dựng văn hóa trong Đảng, góp phần xây dựng Đảng thực sự trong sạch, vững mạnh, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới, Hội thảo thống nhất những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm sau: 

Một là, các cấp ủy, tổ chức Đảng tiếp tục đẩy mạnh quán triệt, tuyên truyền toàn diện và sâu sắc hơn nữa đến đội ngũ cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân về các giá trị văn hóa cao đẹp của dân tộc và của Đảng; về vị trí, vai trò, nội dung, nhiệm vụ, giải pháp xây dựng văn hóa trong Đảng trong giai đoạn mới. Quán triệt sâu sắc các chủ trương, quan điểm của Đảng về công tác xây dựng văn hóa trong Đảng; đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Xác định rõ, xây dựng văn hóa trong Đảng là sự nghiệp của Đảng, là nhiệm vụ rất quan trọng của mỗi cấp ủy, tổ chức Đảng và từng đảng viên; có ý nghĩa căn bản, cấp thiết, cần phải được triển khai đồng bộ, khoa học, thường xuyên, liên tục. Gắn kết chặt chẽ công tác xây dựng văn hóa trong Đảng với tổng thể nhiệm vụ xây dựng, chỉnh đốn Đảng và nhiệm vụ xây dựng, phát triển văn hóa, con người Việt Nam. Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng công tác giáo dục, bồi dưỡng, nâng cao trình độ đảng viên về chính trị, tư tưởng, chuyên môn, nghiệp vụ, đạo đức, lối sống.

Hai là, tiếp tục rà soát, đẩy nhanh tiến độ và nâng cao hiệu quả công tác thể chế hóa, cụ thể hóa các nghị quyết, chị thỉ, kết luận, văn bản của Đảng liên quan đến nhiệm vụ xây dựng văn hóa trong Đảng. Thường xuyên kiểm điểm tự phê bình và phê bình, nâng cao bản lĩnh chính trị, ý thức trách nhiệm trong thực thi nhiệm vụ; xây dựng và thực hành phong cách trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với nhân dân của đảng viên.

Thực hiện nghiêm các quy định về nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, người đứng đầu các cấp trong hệ thống chính trị. Chủ động phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi các biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, hành vi tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.

Ba là, phát huy hiệu quả hơn nữa vai trò, trách nhiệm của các chủ thể, nhất là vai trò, trách nhiệm của cấp ủy Đảng và người đứng đầu cấp ủy Đảng các cấp trong triển khai xây dựng văn hóa trong Đảng. Thu hút sự tham gia, đóng góp hiệu quả hơn nữa của Nhân dân, đội ngũ trí thức, nhà khoa học, văn nghệ sĩ trong công tác xây dựng văn hóa trong Đảng. Tăng cường kiểm tra, giám sát việc triển khai xây dựng văn hóa trong Đảng, gắn với đánh giá, xếp loại, khen thưởng, kỷ luật,… tổ chức Đảng, đảng viên, tạo bước chuyển căn bản trong ý thức tự giác và trách nhiệm của từng tổ chức Đảng, đảng viên trong xây dựng, thực hành các giá trị văn hóa trong Đảng.

Bốn là, đẩy mạnh tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về giá trị văn hóa trong Đảng, về công tác xây dựng văn hóa trong Đảng. Kịp thời biểu dương những mô hình tốt, cách làm hay và phê phán những hiện tượng tiêu cực, lệch lạc trong triển khai nhiệm vụ. Các cơ quan báo chí, truyền thông cần tuyên truyền hiệu quả hơn nữa, góp phần phát huy các giá trị văn hóa tốt đẹp của Đảng, của từng đảng viên, luôn đoàn kết, thống nhất, đồng thuận, quyết tâm cao, dũng cảm và sẵn sàng hy sinh lợi ích cá nhân, vì lợi ích chung.

Bên cạnh đó, tập trung tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, xuyên tạc, bôi nhọ các giá trị văn hóa tốt đẹp của Đảng, kiên quyết, kiên trì tiến công, làm thất bại âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch.

Năm là, tăng cường hợp tác quốc tế, mở rộng giao lưu, hợp tác văn hóa với các nước, đa dạng hóa các hình thức văn hóa đối ngoại. Gắn kết ngoại giao văn hóa với ngoại giao chính trị và kinh tế; nghiên cứu, tham khảo kinh nghiệm của các nước và các đảng chính trị trên thế giới về xây dựng văn hóa chính trị để chắt lọc, ứng dụng hiệu quả, phù hợp với thực tiễn Việt Nam.

Minh Phương

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu