17:22 ngày 29/04/2024 | HOTLINE : 0911.344.555 | Email: bbt.thpl@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666

DÒNG SỰ KIỆN

Việt Nam sẽ siết chặt quản lý tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài

08:58 09/09/2020

(THPL) - Ngày 08/9/2020, tại cuộc họp Ban Chỉ đạo quốc gia chống khai thác hải sản không báo cáo và không theo quy định (Ban Chỉ đạo IUU) theo khuyến nghị của Ủy ban châu Âu (EC), Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường đặc biệt bày tỏ lo ngại, nếu Việt Nam còn vi phạm IUU thì EC kiên quyết không rút thẻ vàng.

Đây là phiên họp lần thứ 4 của Ban chỉ đạo IUU do Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chủ trì với sự tham gia của Bộ NNPTNT, Bộ Quốc phòng, Bộ Ngoại giao và các bộ ngành, cơ quan, địa phương liên quan.

Tại cuộc họp, Ban Chỉ đạo IUU đã đưa ra tổng kết, sau gần 3 năm bị Ủy ban châu Âu (EC) phạt thẻ vàng, Việt Nam đã hoàn thành được khối lượng công việc lớn theo 4 nhóm mà EC khuyến nghị. Cụ thể là đã thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia, ban hành các nghị định thông tư, các văn bản pháp lí, rất nhiều hoạt động tích cực từ đăng kí tàu thuyền, lắp thiết bị định vị, kiểm soát.

Khai thác hải sản đúng pháp luật cũng là bảo vệ thương hiệu cho thủy sản Việt Nam

Tính đến ngày 31/8/2020 số lượng tàu cá cả nước đã lắp thiết bị giám sát hành trình là 24.851/30.851 tàu từ 15m trở lên, đạt 80,61%. Công tác thực hiện giám sát IUU có bước tiến triển rõ, đặc biệt ở khu vực Thái Bình Dương, từ quản lí bến cảng, khai báo, tổ chức sản xuất, chế biến xuất khẩu, truy xuất nguồn gốc đều có nhiều cố gắng và được EC đánh giá cao.

Tuy nhiên, trên thực tế trong 6 tháng vừa qua vẫn còn ngư dân vi phạm vùng đánh bắt hải sản, nhiều tàu khi ra khơi đã tự ý gỡ bỏ thiết bị giám sát thả xuống biển, còn tàu thì di chuyển ra chỗ khác để đánh bắt, thậm chí sơn lại vỏ tàu, mang biển số giả của nước ngoài để cố tình vi phạm. Tổng kết của Bộ NNPTNT cho thấy,  từ đầu năm đến ngày 31/8 đã xảy ra 57 vụ/92 tàu cá Việt Nam bị nước ngoài bắt giữ, xử lý, so với cùng kỳ năm 2019 giảm 53 vụ/89 tàu. Vi phạm IUU năm nay đã giảm so với cùng kỳ năm 2019, nhưng chưa vững chắc,  và EC khẳng định nếu còn vi phạm thì kiên quyết không rút thẻ vàng.

Trước thực trạng trên, Đại diện Bộ Quốc phòng khẳng định, qua kinh nghiệm của các nước, chỉ có gắn thiết bị điện tử, định vị, giám sát thì mới có thể kiểm soát được tình trạng đánh bắt trái phép. Tuy nhiên, phải nâng cao chất lượng của thiết bị định vị.  Hiện tại, hầu hết các tỉnh, thành phố ven biển chưa hoàn thành việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình (VMS), đánh dấu tàu cá theo quy định. Tình trạng tàu cá thường xuyên mất kết nối thiết bị VMS với trạm bờ vẫn diễn ra phổ biến, đặc biệt tại các tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Kiên Giang, Bến Tre, Nghệ An. Đến nay, mới chỉ có tỉnh Bình Định, Ninh Bình, Phú Yên đã hoàn thành 100% việc lắp đặt thiết bị VMS cho tàu cá. 

Theo đại diện Bộ Công an, thời gian qua lực lượng công an đã điều tra phát hiện 8 nhóm đối tượng môi giới, móc nối đưa tàu cá Việt Nam đi khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài. Tuy nhiên, công tác xử lý vi phạm còn nhiều hạn chế. Nhiều trường hợp ra ngoài khơi thì tắt thiết bị định vị hoặc lấy thiết bị định vị đặt lên tàu khác.

Trước tình hình trên, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu các bộ, ngành, tỉnh, thành phố tập trung, quyết liệt triển khai các giải pháp, kiên quyết ngăn chặn các tàu cá không có giấy tờ, thiết bị giám sát hành trình tàu cá, xử lý dứt điểm các vụ việc có dấu hiệu môi giới, móc nối đưa tàu cá Việt Nam đi khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài.

Về giải pháp lâu dài cần giảm khai thác, tăng nuôi trồng, tái cơ cấu ngành thủy hải sản. Nếu không đổi mới ngành thủy hải sản, từ đó nâng cao đời sống người dân thì không xử lý được tận gốc vấn đề đánh bắt trái phép. Việt Nam có bờ biển dài nên nuôi trồng thủy sản cũng là ngành tiềm năng. Tương lai phải hướng đến xây dựng đây là ngành kinh tế mũi nhọn.

Quốc Cường

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu