16:58 ngày 25/04/2024 | HOTLINE : 0911.344.555 | Email: bbt.thpl@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666

DÒNG SỰ KIỆN

Sơn La: Có thể hàng chục tỉ đã bị móc khỏi túi người lao động?

10:30 14/10/2020

(THPL) - Như trong bài viết “Sơn La: Cơ quan quản lý có cố tình lờ đi sai phạm của doanh nghiệp? chúng tôi đã đăng tải trước đó, thời gian qua trên địa bàn huyện Mộc Châu (tỉnh Sơn La) có sự việc hơn 1.000 lao động trồng, chăm sóc chè, chăn nuôi bò sữa đang phải đóng 32% tiền lương tương ứng khi tham gia BHXH bắt buộc, thay bằng chỉ phải đóng 10,5% như quy định của luật. Sai phạm này kéo dài nhưng lại không được cơ quan chức năng xử lý kịp thời. Trái lại còn xuất hiện dấu hiệu “hợp thức hóa” sai phạm, đẩy người lao động vào tình thế “thiệt đơn, thiệt kép”. Liệu có hay không việc hàng chục tỉ đồng đang bị thu sai quy định?

Chỉ ra sai phạm, nhưng thiếu phương án xử lý, khắc phục

Theo nội dung kết luận kiểm tra về việc thực hiện thu BHXH, BHTN, BHYT; thanh quyết toán chế độ ốm đau, thai sản tại các văn bản số 2305, 2306, 2307… của cơ quan BHXH tỉnh Sơn La, có thể thấy, từ thời điểm tháng 10/2018, cơ quan này đã phát hiện ra rất nhiều sai phạm trong thực hiện BHXH tại một số công ty chè, công ty giống bò sữa trên địa bàn huyện Mộc Châu.

Người lao động trồng, chăm sóc chè tại một số doanh nghiệp trên địa bàn huyện Mộc Châu đang phải đóng 32% tiền lương khi tham gia BHXH bắt buộc.

Cụ thể, văn bản số 2305/KL-BHXH chỉ rõ: tại Công ty CP Chè Chiềng Ve, có 34 lao động tham gia BHXH, BHTN, BHYT là lao động thu hái chè, đơn vị không trực tiếp quản lý ngày công, không trả lương lương hằng tháng, không thực hiện hạch toán chi phí đóng BHXH, BHTN, BHYT theo tỉnh lệ quy định (người sử dụng lao động 21.5%, người lao động, 10,5% - PV) mà số lao động này thông qua việc giao khoán sản phẩm chè đã nộp cho đơn vị toàn bộ số tiền phải đóng BHXH, BHTN, BHYT (bao gồm cả phần chủ sử dụng lao động đóng). Như vậy đơn vị đã thực hiện sai quy định tại Điều 85, 86 Luật BHXH và Điều 05 Quyết định 595/QĐ-BHXH ngày 14/7/2017 của Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam ban hành Quy trình thu BHXH, BHTN, BHYT, bảo hiểm tai nạn lao động – bệnh nghề nghiệp, quản lý sổ BHXH, BHYT.

Ông Thiều Quang Ngãi – Giám đốc BHXH tỉnh Sơn La trong buổi trao đổi với phóng viên.

Còn theo văn bản số 2306/KL-BHXH; văn bản 2307/KL-BHXH tình trạng sai phạm cũng diễn ra tương tự. Theo đó, tại Công ty CP Chè Cờ Đỏ; Chi nhánh Tổng Công ty Chè Việt Nam – Công ty CP tại Sơn La Vinatea, số người phải đóng thay nghĩa vụ đóng BHXH cho người sử dụng lao động lần lượt là 313 và 527 lao động.

Có một điều hết sức khó hiểu đó là mặc dù sai phạm tại các doanh nghiệp trên khá rõ ràng, nhưng BHXH tỉnh Sơn La trong kết luận thanh tra năm 2018 không hề có kiến nghị biện pháp xử lý doanh nghiệp. Chỉ có người lao động là tạm thời bị dừng giải quyết chế độ ốm đau, thai sản, dưỡng sức phục hồi sức khỏe.

Giả thiết bình quân tiền lương hằng tháng của những người lao động của 3 doanh nghiệp nêu trên là 4.000.000 đồng, thì theo đúng quy định pháp luật mỗi tháng mỗi người lao động chỉ phải đóng 420.000 đồng. Tuy nhiên, theo cách thu lâu nay của các doanh nghiệp, thực tế mỗi tháng họ phải bỏ ra 1.200.000 đồng. Như vậy, người lao động đang đóng thừa, hay nói cách doanh nghiệp đang thu sai của mỗi người lao động mỗi tháng là 860.000 đồng; một năm là 10.320.000 đồng. Con số trên nếu nhân hơn 1000 lao động (ước tính đang bị nhiều doanh nghiệp trên địa bàn Mộc Châu thu sai tiền BHXH) thì có nghĩa rằng mỗi năm các doanh nghiệp đang thu sai của người lao động hơn 10.000.000.000 đồng. Con số này sẽ tăng theo cấp số nhân theo việc sai phạm kéo dài từ năm này qua năm khác.

Tuy nhiên, trên đây mới chỉ là giả thiết về con số của phóng viên. Để có con số chính thức, hơn ai hết Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Sơn La, BHXH tỉnh Sơn La sẽ là những đơn vị thanh tra, thống kê một cách chuẩn xác nhất.

 Ưu ái doanh nghiệp, đẩy người lao động vào thế khó?

Trao đổi với phóng viên về vấn đề trên, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Sơn La cho rằng: “Hợp đồng lao động của người lao động làm việc tại các đồng chè đều thể hiện NLĐ tự đóng BHXH, BHTN, BHYT. Tuy nhiên, trên thực tế thì công ty đã tính toán cả 21,5% mức đóng BHXH, BHTN, BHYT (phần mà người sử dụng lao động phải nộp) để trả vào giá chè mà công ty đã mua của NLĐ. Người lao động, sau khi đã nhận tiền bán sản phẩm (tiền lương) thì nộp lại cho cơ quan BHXH huyện Mộc Châu. Như vậy, về bản chất các công ty khẳng định là đã tham gia BHXH, BHTN, BHYT cho người lao động đúng quy định thông qua giá mua chè. Để bảo vệ quyền lợi cho NLĐ, UBND tỉnh đã xin ý kiến chỉ đạo của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội nhưng đến nay bộ vẫn chưa có văn bản trả lời”.

Phần trả lời của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Sơn La, có đang minh chứng cho sự “non nớt” trong hiểu biết về pháp luật lao động của cơ quan quản lý lao động địa phương?

 Trên thực tế tất cả những lao động nhận giao khoán chè, chăn nuôi bò sữa trên địa bàn huyện Mộc Châu đều có hợp đồng lao động, và các công ty đều đăng ký cho những người lao động này vào danh sách người lao động tham gia BHXH bắt buộc, vì thế cái gọi là “nội dung hợp đồng thể hiện NLĐ tự đóng BHXH” là cách làm chống chế của doanh nghiệp. Hơn nữa, trên thực tế cơ quan quản lý không kiểm soát được giá thu mua chè của doanh nghiệp, nên về bản chất giá đó có bao gồm phần trách nhiệm đóng BHXH của doanh nghiệp hay không thì cơ quan quản lý lao động không thể xem xét, kiểm chứng được. Nếu có, thì pháp luật hiện hành cũng không cho phép doanh nghiệp thực hiện điều đó. 

Cách lý xử lý vụ việc về vi phạm Luật BHXH tại các công ty chè, công ty giống bò sữa của cơ quan quản lý tại Sơn La khiến chúng tôi nghi ngại về giải thiết “có hay chăng lợi ích nhóm”, “sự bắt tay của cơ quan quản lý với doanh nghiệp” trong vấn đề này.

Không chỉ có cơ quan quản lý, phía UBND tỉnh Sơn La khi trả lời công cho phóng viên về vấn đề trên cũng có ý “đồng thuận” với cách lí giải của doanh nghiệp về việc để cho người lao động đóng 32% mức tiền lương hằng tháng khi tham gia BHXH bắt buộc, bỏ qua các quy định hiện hành trong Bộ Luật Lao động, Luật BHXH.

Theo UBND tỉnh Sơn La “UBND tỉnh đã nắm được thông qua Báo cáo số 310/BC-SLĐTBXH. Trong khi đó, về phía Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Sơn La hiện vẫn lảng tránh câu hỏi chất vấn của phóng viên về việc “Đề nghị Sở Lao động – Thương binh và Xã hội nêu rõ quan điểm việc doanh nghiệp để người lao động đóng 32% tiền lương tương ứng hằng tháng để tham gia BHXH bắt buộc là đúng hay sai?”.

Trao đổi với phóng viên, ông Thiều Quang Ngãi – Giám đốc BHXH tỉnh Sơn La cho biết: BHXH tỉnh đang đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo giám đốc các đơn vị có lao động nhận khoán phải xây dựng phương án sản xuất phù hợp với tình hình thực tiễn của đơn vị, có nghĩa vụ, trách nhiệm của chủ sử dụng lao động để quản lý người lao động theo quy định pháp luật về lao động, về BHXH. Phải quản lý được lao động, chấm công, trả lương… không để tình trạng người lao động phải tự đóng 32% tiền lương để tham gia BHXH, tái diễn tình trạng lạm dụng nghỉ ốm để trục quỹ ốm đau thai sản. Trường hợp các doanh nghiệp trên không chấp hành, UBND tỉnh chỉ đạo thành lập đoàn thanh tra liên ngành tiến hành thanh tra lần lượt các doanh nghiệp về việc ký kết hợp đồng lao động, hợp đồng giao khoán để xác định đối tượng, nếu thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc thì tiếp tục đóng BHXH bắt buộc và giải quyết các chế độ theo quy định của luật BHXH. Trường hợp không thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc thì buộc đơn vị chấm dứt hợp đồng lao động, dừng tham gia BHXH bắt buộc, vận động người lao động tiếp tục tham gia BHXH tự nguyện.

Hiện UBND tỉnh Sơn La vẫn chưa đưa ra kết luận cuối cùng về việc giải quyết vấn đề BHXH của nhóm công nhân trồng, chăm sóc chè, chăn nuôi bò sữa. Đồng thời làm rõ việc số tiền BHXH mà người lao động đã đóng thay nghĩa vụ cho người sử dụng lao động có truy thu hay không?

Tòa soạn Thương hiệu và Pháp luật sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc.

Lâm Tới

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu