08:24 ngày 18/01/2025 | HOTLINE : 0983.88.33.66 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 090.1111.388
DÒNG SỰ KIỆN

Thương hiệu là cam kết phát triển bền vững để "Vươn mình tiến vào Kỷ nguyên Xanh"

13:56 05/11/2024

(THPL) - Thủ tướng lưu ý, thương hiệu không chỉ là sự khẳng định về chất lượng sản phẩm, mà còn là cam kết về phát triển bền vững để "Vươn mình tiến vào Kỷ nguyên Xanh". Các doanh nghiệp đạt Thương hiệu quốc gia nói riêng và cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam nói chung cần tiếp tục phát huy những giá trị cốt lõi: Chất lượng - Đổi mới - Sáng tạo - Năng lực tiên phong.

Tối ngày 4/11, tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, thành phố Hà Nội, Bộ Công Thương đã phối hợp tổ chức Lễ công bố sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia Việt Nam lần thứ 9 năm 2024.

Tại buổi lễ, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, xây dựng, phát triển thương hiệu quốc gia Việt Nam là nhiệm vụ có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, mang tính chiến lược, là sứ mệnh của tất cả chúng ta với sự kiên trì, nỗ lực và sáng tạo không ngừng nghỉ; trong đó việc xây dựng thương hiệu sản phẩm quốc gia là một trong những nội dung cốt lõi.

Thủ tướng rất vui mừng dự Lễ công bố sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia Việt Nam lần thứ 9 với chủ đề: “Vươn mình tiến vào Kỷ nguyên Xanh” - sự kiện quan trọng nhằm tôn vinh những thương hiệu sản phẩm hàng hóa, dịch vụ chất lượng, có uy tín. Thủ tướng đánh giá cao và chúc mừng sự nỗ lực cũng như đóng góp không ngừng của cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là 190 doanh nghiệp có sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia năm 2024.

Qua hơn 20 năm, Chương trình Thương hiệu quốc gia ngày càng khẳng định là 1 trong những Chương trình uy tín, chất lượng. Số doanh nghiệp có sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia liên tục tăng qua các năm, từ 30 doanh nghiệp năm 2008 lên 190 doanh nghiệp năm 2024.

“Chương trình vừa khẳng định chất lượng các sản phẩm, dịch vụ sản xuất tại Việt Nam, vừa khẳng định năng lực, trí tuệ, bản lĩnh, tính linh hoạt, sức sáng tạo của doanh nghiệp Việt, góp phần tạo dựng vị trí vững chắc tại thị trường trong nước và tô thắm hai chữ "Việt Nam" trên thị trường quốc tế; khẳng định sự đóng góp to lớn của doanh nghiệp Việt Nam trong công cuộc xây dựng Thương hiệu quốc gia”- Thủ tướng đánh giá.

Thủ tướng nhấn mạnh các doanh nghiệp cần tiếp tục phát huy những giá trị cốt lõi: Chất lượng - Đổi mới - Sáng tạo - Năng lực tiên phong. Ảnh: báo Chính Phủ

Thủ tướng cũng lưu ý, thương hiệu không chỉ là sự khẳng định về chất lượng sản phẩm, mà còn là cam kết về phát triển bền vững để "Vươn mình tiến vào Kỷ nguyên Xanh". Các doanh nghiệp đạt Thương hiệu quốc gia nói riêng và cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam nói chung cần tiếp tục phát huy những giá trị cốt lõi: Chất lượng - Đổi mới - Sáng tạo - Năng lực tiên phong.

Thủ tướng cho rằng, trong bối cảnh chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn là xu hướng tất yếu, các doanh nghiệp với thương hiệu quốc gia không chỉ phát triển các ngành kinh doanh truyền thống, mà còn phải dồn lực để thu hút đầu tư và tạo sức bật cho các ngành, lĩnh vực tiên phong.

Không chỉ tăng trưởng dựa vào vốn, vào khai thác tài nguyên như trước, mà phải dựa vào khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo. Không chỉ là phát huy, làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống mà còn phải phát huy được các động lực tăng trưởng mới đến từ kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế số, kinh tế tri thức, kinh tế chia sẻ.

“Chúng ta cần hiểu rõ rằng thương hiệu không chỉ là sự khẳng định về chất lượng sản phẩm, mà còn là cam kết về phát triển bền vững để "Vươn mình tiến vào Kỷ nguyên Xanh"”, một lần nữa Thủ tướng nhấn mạnh.

Thủ tướng Phạm Minh Chính trao danh hiệu Thương hiệu Quốc gia cho Công ty cổ phần Kỹ thuật nông nghiệp Á Châu. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Thủ tướng lưu ý, thời gian tới các doanh nghiệp cần tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm:

Một là, không ngừng tập trung khai thác cơ hội từ xu hướng tăng trưởng xanh và phát triển bền vững; tiên phong trong cuộc cách mạng xanh. Hình ảnh đẹp của mỗi thương hiệu quốc gia sẽ là hình ảnh đẹp về thương hiệu của đất nước, truyền thống, văn hóa, con người Việt Nam. Đặc biệt trong bối cảnh thế giới đang đẩy mạnh các cam kết về giảm phát thải và chống biến đổi khí hậu, doanh nghiệp cần chủ động chuyển đổi sang mô hình sản xuất xanh, sử dụng năng lượng tái tạo và công nghệ thân thiện với môi trường.

Hai là, không ngừng nâng cao năng lực quản trị hiện đại; áp dụng các tiêu chuẩn quản trị tiên tiến, minh bạch và lành mạnh; chú trọng đến yếu tố bền vững trong sản xuất. Chủ động đổi mới mô hình sản xuất kinh doanh, tái cấu trúc doanh nghiệp gắn với phát triển kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức, kinh tế chia sẻ.

Ba là, không ngừng đổi mới, sáng tạo, phát triển, ứng dụng khoa học công nghệ để nâng cao năng suất lao động và hiệu quả kinh doanh và giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường, chủ động tiến vào kỷ nguyên xanh.

Thủ tướng thăm gian hàng của doanh nghiệp trưng bày tại sự kiện. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Bốn là, tiếp tục trau dồi bản lĩnh chính trị, bản lĩnh nghề nghiệp; tuân thủ quy định pháp luật; xung kích, đi đầu trên mặt trận phát triển kinh tế - xã hội; có hoài bão lớn và khát vọng phát triển, trở thành hình mẫu của tinh thần doanh nghiệp, kinh doanh liêm chính, nhân văn và có trách nhiệm.

Năm là, tập trung đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao, tay nghề giỏi, chuyên môn sâu, trình độ quốc tế và làm việc chuyên nghiệp, phục vụ kịp thời yêu cầu phát triển sản xuất kinh doanh.

Sáu là, chú trọng xây dựng và nâng cao văn hóa doanh nghiệp, doanh nhân; bảo đảm đầy đủ quyền lợi cả về vật chất và tinh thần cho người lao động. Tích hợp giá trị cốt lõi của đạo đức kinh doanh và trách nhiệm xã hội vào chiến lược phát triển dài hạn của doanh nghiệp với công tác bảo vệ môi trường và phát triển cộng đồng…

Thủ tướng cho rằng, điều Đảng, Nhà nước luôn mong muốn nhất, chia sẻ, gửi gắm nhiều nhất là các doanh nhân, doanh nhân đem thời gian, trí tuệ, lòng nhân ái, tinh thần đạo đức kinh doanh là những cội nguồn cho phát triển bền vững của doanh nghiệp, tiến vào kỷ nguyên xanh. Chính phủ thấu hiểu, chia sẻ, lắng nghe và sẽ tiếp tục có các giải pháp hỗ trợ nhằm tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp phát triển. Cụ thể, tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách, cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh - coi việc tháo gỡ các điểm nghẽn, rào cản gây khó khăn cho doanh nghiệp là nhiệm vụ chính trị quan trọng của tất cả các cấp, các ngành, các địa phương.

Thủ tướng mong muốn trong thời gian tới sẽ có thật nhiều doanh nghiệp đáp ứng các tiêu chí của Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam và quốc tế. Thành công của doanh nhân, doanh nghiệp cũng là thành công của đất nước, góp phần xây dựng hình ảnh Việt Nam trở thành một quốc gia phát triển xanh, đổi mới sáng tạo và hùng mạnh trên bản đồ thế giới.

Liên quan đến sản phẩm đạt Thương hiệu Quốc gia, ông Hoàng Minh Chiến - Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) cho biết, năm 2024, dù trong bối cảnh diễn biến phức tạp của tình hình địa chính trị bất ổn trên thế giới đã tác động tiêu cực đến nhiều mặt của đời sống kinh tế - xã hội, đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, kỳ xét chọn thương hiệu quốc gia lần thứ 9 tiếp tục thu hút được sự quan tâm tham gia của trên 1.000 doanh nghiệp thuộc các ngành nghề, lĩnh vực khác nhau trên cả nước.

Sau hơn 9 tháng phát động và triển khai hoạt động xét chọn, ngày 21/10/2024, Bộ trưởng Bộ Công Thương - Chủ tịch Hội đồng Thương hiệu quốc gia Việt Nam đã ban hành Quyết định số 2776/QĐ-BCT công nhận 190 doanh nghiệp với tổng số 359 sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia Việt Nam năm 2024.

Như vậy, so với năm 2022, năm 2024 cả nước đã có thêm 18 doanh nghiệp có sản phẩm đạt thương hiệu quốc gia Việt Nam. "Đây là minh chứng cho sức hút và tầm ảnh hưởng của Chương trình đối với doanh nghiệp trong việc xúc tiến xuất nhập khẩu sản phẩm hàng hóa và dịch vụ cũng như phát triển thị trường nội địa" - lãnh đạo Cục Xúc tiến thương mại cho hay.

Minh Anh (t/h)

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu