12:41 ngày 29/04/2024 | HOTLINE : 0911.344.555 | Email: bbt.thpl@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666

DÒNG SỰ KIỆN

Việt Nam chi gần 7 tỷ USD năm 2023 nhập khẩu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi

12:52 21/12/2023

(THPL) - Theo số liệu của Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT), trong năm 2023, Việt Nam ước nhập khẩu 16,8 triệu tấn nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, tương đương 6,8 tỷ USD.

Cục Chăn nuôi cho biết, ước tính cả năm 2023, nước ta nhập khẩu 16,8 triệu tấn nguyên liệu thức ăn chăn nuôi (tương đương 6,8 tỷ USD, chưa bao gồm nguyên liệu nguồn gốc từ động vật). Trong đó, một số nguyên liệu nhập khẩu chính gồm: Ngô hạt 7 triệu tấn, tương đương 2,1 tỷ USD; khô dầu các loại 4,9 triệu tấn, tương đương 2,4 tỷ USD; lúa mì và lúa mạch 1,4 triệu tấn, tương đương 453 triệu USD; DDGS (bã rượu khô) 1,15 triệu tấn, tương đương 394 triệu USD; cám các loại 474 nghìn tấn, tương đương 110 triệu USD; tấm và gạo 414 nghìn tấn, tương đương 145 triệu USD; đậu tương hạt 343 nghìn tấn, tương đương 226 triệu USD; thức ăn bổ sung 527 nghìn tấn, tương đương 574 triệu USD.

Theo các chuyên gia, thời gian vừa qua, ngành chăn nuôi của Việt Nam đã có sự phát triển nhanh chóng do nhu cầu về thịt và các sản phẩm từ sữa ngày càng tăng cao. Cùng với đó là nhu cầu tiêu thụ thức ăn chăn nuôi có chất lượng, đầy đủ dinh dưỡng để đảm bảo tăng trưởng và năng suất.

Tuy nhiên, hiện nay nguồn cung nguyên liệu đầu vào cho ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi Việt Nam phần lớn đến từ nhập khẩu nước ngoài - ước tính chiếm khoảng 65% tổng nhu cầu thức ăn chăn nuôi trong nước, đặc biệt theo các chuyên gia ngành thức ăn chăn nuôi dòng nguyên liệu họ đạm thực vật phải nhập khẩu chiếm gần 90%, như đậu tương là gần 100%.

Việt Nam đã chi gần 7 tỷ USD nhập khẩu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi. Ảnh minh hoạ

Liên quan đến ngành thức ăn chăn nuôi, theo báo cáo đánh giá thị trường thức ăn chăn nuôi của công ty nghiên cứu thị trường Việt Nam (VIRAC) đã chỉ ra rằng, với tiềm năng phát triển mạnh mẽ trong những năm gần đây, thị trường thức ăn chăn nuôi Việt Nam đang thu hút nhiều doanh nghiệp tham gia, trong đó có nhiều doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tham gia mở rộng kinh doanh sản xuất. Những cái tên như vậy có thể kể đến như: Cargill Group (Mỹ), Haid (Trung Quốc), CP Group (Charoen Pokphand Group – Thái Lan), De Heus (Hà Lan), BRF (Brazil), Mavin (Pháp), Japfa ( Singapore), CJ (Hàn Quốc),…

Theo đánh giá của Cục Chăn nuôi, nhìn chung, khó khăn lớn nhất hiện nay của ngành thức ăn chăn nuôi đó là năng lực sản xuất nguyên liệu thức ăn chăn nuôi trong nước còn hạn chế, phụ thuộc nhiều vào nguyên liệu nhập khẩu.

Trong giai đoạn 2018 - 2022, nước ta nhập khẩu từ 18,6 đến 22,8 triệu tấn nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, giá trị nhập khẩu dao động khoảng 6 - 8,9 tỷ USD với các nguyên liệu nhập khẩu chính gồm: ngô, khô dầu các loại, lúa mì, đạm động vật,... Ước tính nguyên liệu thức ăn chăn nuôi nhập khẩu chiếm khoảng 65% tổng nhu cầu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi trong nước.

Hiện nay giá thức ăn chăn nuôi thành phẩm đã giảm nhẹ so với thời điểm đầu năm 2023, tuy nhiên vẫn duy trì mức cao so với thời điểm trước dịch Covid-19 và so với năm 2022. Dự kiến giá nguyên liệu và thức ăn chăn nuôi thành phẩm tiếp tục có xu hướng giảm từ nay đầu năm 2024.

Tuy nhiên, trước bối cảnh giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi đầu vào diễn biến thất thường và rủi ro về dịch bệnh vẫn hiện hữu, các doanh nghiệp buộc phải điều chỉnh chiến lược cho phù hợp. Trong đó, một số giải pháp được doanh nghiệp thức ăn chăn nuôi ưu tiên thực hiện trong thời gian sắp tới, bao gồm: Tập trung xây dựng nhóm hàng chiến lược có doanh số lớn và lợi nhuận cao; Tăng cường các biện pháp quản trị rủi ro tài chính, biến động giá và chất lượng nguồn nguyên liệu đầu vào; Phát triển tổ hợp mô hình an toàn sinh học 4F (Farm - Food - Feed - Fertilizer); Cải tiến cơ cấu tổ chức, chính sách, quản lý của doanh nghiệp; và Thực hiện chiến lược phát triển bền vững, bảo vệ môi trường.

Về phía Cục Chăn nuôi, ông Phạm Kim Đăng - Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, trong năm 2024, Cục sẽ tăng cường các kênh theo dõi sát diễn biến về nguồn cung, giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi trong nước và trên thế giới, có biện pháp chỉ đạo kịp thời nhằm giảm thiểu ảnh hưởng đến hiệu quả chăn nuôi trong bối cảnh giá vật tư đầu vào ở mức cao và đảm bảo về chất lượng thức ăn chăn nuôi.

Tú Anh (t/h)

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu