19:48 ngày 02/05/2024 | HOTLINE : 0911.344.555 | Email: bbt.thpl@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666

DÒNG SỰ KIỆN

Việt Nam nhập khẩu 5,16 tỷ USD nguyên liệu và thức ăn chăn nuôi

16:49 15/12/2022

(THPL) - Theo số liệu của Bộ NN&PTNT, tính chung 11 tháng năm 2022, kim ngạch nhập khẩu thức ăn chăn nuôi và nguyên liệu lên tới 5,16 tỷ USD, tăng 14,6% so với cùng kỳ năm 2021.

Hiện nay, giá các loại nguyên liệu thức ăn chăn nuôi tại thị trường Hà Nội diễn biến tăng trong tháng 11/2022, trong khi tại Bình Phước có xu hướng ngược lại. Cụ thể, tại Hà Nội, mặt hàng cám gạo và ngô hạt sấy tăng 300 đồng/kg lên các mức tương ứng là 9.500 đồng/kg và 9.800 đồng/kg; ngô bột và đậu tương hạt tăng 200 đồng/kg lên 10.200 đồng/kg và 19.200 đồng/kg. Trái lại, mặt hàng ngô bột và cám gạo tại Bình Phước giảm 1.500 đồng/kg xuống còn 10.500 đồng/kg và 8.500 đồng/kg; ngô hạt sấy giảm 500 đồng/kg còn 10.500 đồng/kg.

Theo Bộ NN&PTNT, trong tháng 11/2022, uớc tính khối lượng ngô nhập khẩu đạt 880 nghìn tấn với giá trị đạt 293,2 triệu USD, đưa tổng khối lượng và giá trị nhập khẩu ngô 11 tháng năm 2022 đạt 8,42 triệu tấn và 2,95 tỷ USD, giảm 11,5% về khối lượng nhưng tăng 8,4% về giá trị so với cùng kỳ năm 2021.

Nguồn nhập khẩu ngô của Việt Nam trong 10 tháng năm 2022 chủ yếu từ 3 thị trường: Ác-hen-ti-na, Ấn Độ và Braxin, chiếm 81,9% thị phần. So với cùng kỳ năm 2021, giá trị nhập khẩu ngô trong 10 tháng năm 2022 từ Ác-hen-ti-na tăng 24,3%, Ấn Độ giảm 27% và Braxin giảm 42,6%.

Việt Nam nhập khẩu 5,16 tỷ USD nguyên liệu và thức ăn chăn nuôi. Ảnh minh hoạ

Trong 11 tháng vừa qua, khối lượng đậu tương về Việt Nam đạt 1,7 triệu tấn, tiêu tốn 1,18 tỷ USD, giảm 9,8% về lượng nhưng tăng 7,8% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021. Lượng nhập khẩu đậu tương về Việt Nam trong những tháng tới dự kiến đạt từ 120- 160 nghìn tấn/tháng, với giá nhập khẩu từ 700 – 730 USD/tấn.

Việt Nam nhập khẩu đậu tương từ 5 thị trường, trong đó Braxin là thị trường cung cấp đậu tương lớn nhất, chiếm 70% tổng lượng đậu tương nhập khẩu và tăng 10,9% so với cùng kỳ năm 2021. Dự báo đây sẽ là thị trường cung cấp đậu tương lớn nhất của Việt Nam trong năm 2022 và nửa đầu năm 2023, do nguồn cung dồi dào, giá cạnh tranh so với các thị trường cung cấp khác.

Trong 11 tháng qua, các doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi của Việt Nam đã nhập khẩu 237 nghìn tấn khô hạt cải, trị giá  91,5 triệu USD, giảm 15,8% về lượng và giảm 7,8% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021. Thị trường cung cấp chính mặt hàng khô hạt cải là Ấn Độ, UAE, Pakixtan…Từ đầu năm đến nay, lượng dinh dưỡng gia súc nhập về Việt Nam đạt 1,23 triệu tấn, kim ngạch 460 triệu USD, tăng 0,8% về lượng và tăng 21,1% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.

Việt Nam đã nhập khẩu 521 nghìn tấn cám gạo, trị giá 112 triệu USD, tăng 1,8% về lượng và tăng 23,1% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021. Thị trường cung cấp chính mặt hàng này là Ấn Độ. Giá nhập khẩu trung bình cám gạo trong tháng 11/2022 ở mức 241 USD/tấn, tương đương với tháng trước và tăng 23,2% so với tháng 11/2021.

Nhập khẩu cám ngô cũng tăng mạnh, trong 11 tháng đã nhập  140 nghìn tấn, kim ngạch 43 triệu USD, tăng 6,2% về lượng và tăng 23,7% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021. Thị trường cung cấp chính mặt hàng cám ngô là Trung Quốc và Ấn Độ. Ngoài ra, nước ta nhập khẩu 354 nghìn tấn cám mỳ, giảm 16,9% so với cùng kỳ năm 2021. Nguồn cung cấp cám mỳ chủ yếu từ Tanzania, Indonesia…

Nhập khẩu bột cá trong 11 tháng đạt 110 nghìn tấn, kim ngạch 163 triệu USD, giảm 13,2% so với cùng kỳ năm 2021. Thị trường cung cấp chính mặt hàng này là Ấn Độ, Ôman, Pêru… Hiện giá nhập khẩu trung bình bột cá ở mức 1.522 USD/tấn. Trong 11 tháng, các doanh nghiệp ngành thức ăn chăn nuôi cũng đã chi 503 triệu USD để nhập khẩu mặt hàng chất bổ trợ, tăng 0,9% so với cùng kỳ năm 2021. Thị trường cung cấp chính là Châu Á (Trung Quốc, Thái Lan…).

Tuấn Linh

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu