02:53 ngày 24/11/2024 | HOTLINE : 0983.883.366 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666
DÒNG SỰ KIỆN

Cấm sử dụng thức ăn chăn nuôi có pha trộn kháng sinh cho mục đích sinh trưởng

| 07:16 14/11/2017

(THPL) - Từ năm 2018, chỉ cho phép sử dụng thức ăn chăn nuôi có pha trộn kháng sinh vào mục đích phòng, chữa bệnh.

Theo VTV, sáng 13/11 bắt đầu Tuần lễ nhận thức về việc sử dụng kháng sinh một cách hiệu quả do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) phát động. Hưởng ứng sự kiện này, tại Vĩnh Phúc, Bộ Y tế và Tổ chức Y thế Thế giới tại Việt Nam phối hợp với Bộ, ngành liên quan đã tổ chức lễ phát động cam kết sử dụng kháng sinh có trách nhiệm.

Ba thông điệp được đưa ra tại lễ phát động là: Chỉ sử dụng kháng sinh khi có bác sĩ kê đơn; Không sử dụng lại kháng sinh và không chia sẻ kháng sinh cho người khác; Hãy giữ cho mình một cơ thể khỏe mạnh, tránh những môi trường nhiễm khuẩn.

11-chot-1510582891105
Tồn dư kháng sinh trong thực phẩm gây nguy hại cho sức khỏe người tiêu dùng Ảnh: Báo Người lao động.

Ông Kidong Park, Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam, cho biết kháng sinh giúp cứu sống hàng triệu người mắc các bệnh lý nhiễm khuẩn. Tuy nhiên, bên cạnh các yếu tố tự nhiên, việc sử dụng kháng sinh không đúng, nhất là lạm dụng trong y tế, nông nghiệp là nguyên nhân làm gia tăng tình trạng kháng thuốc kháng sinh của vi khuẩn gây bệnh. Kháng thuốc kháng sinh xảy ra ở tất cả quốc gia, con người, thực phẩm, động vật.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới, mỗi năm trên thế giới có 700.000 người tử vong do kháng thuốc. Nếu tình trạng này không được sớm kiểm soát, con số có thể tăng lên 10 triệu người vào năm 2050.

Theo báo Người lao động, Bộ Y tế thông tin, từ năm 2009 đến nay, số lượng thuốc kháng sinh ở Việt Nam bán ra ngoài cộng đồng đã tăng 2 lần. Nguyên nhân chính là do lạm dụng kháng sinh, có tới 88% kháng sinh tại thành thị được bán ra mà không cần kê đơn, ở nông thôn tỉ lệ này lên đến 91%. Việt Nam hiện là một trong những nước có tỉ lệ kháng thuốc kháng sinh cao nhất thế giới, thậm chí tình trạng mua bán thuốc kháng sinh được giới chuyên môn đánh giá "dễ hơn mua rau".

Khẳng định nạn kháng sinh đang ảnh hưởng tới sức khỏe và sinh kế của người dân Việt Nam, đe dọa tới sự bền vững của sản xuất nông nghiệp, thực phẩm và môi trường, ông Jong Ha Bea, Trưởng đại diện FAO tại Việt Nam, kêu gọi người chăn nuôi, bác sĩ thú y và người bán thuốc sử dụng kháng sinh có trách nhiệm hơn. Việc sử dụng rộng rãi kháng sinh trong chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản ở Việt Nam làm gia tăng sự hiện diện của các vi khuẩn kháng thuốc trong gia súc, gia cầm, thủy sản và sản phẩm động vật. Đáng lo ngại, kháng sinh được trộn vào thức ăn chăn nuôi một cách bừa bãi gây nguy hại cho sức khỏe người dân do ăn thịt, cá là "ăn" cả kháng sinh tồn dư trong thực phẩm.

Trước đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã khởi động kế hoạch hành động quốc gia về quản lý, sử dụng kháng sinh và phòng chống kháng thuốc kháng sinh trong chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản 2017 -2020. Theo lộ trình, Việt Nam sẽ chỉ cho phép sử dụng kháng sinh trong thức ăn chăn nuôi hết năm 2017 và từ năm 2018 sẽ cấm sử dụng thức ăn chăn nuôi có pha trộn kháng sinh cho mục đích sinh trưởng mà chỉ cho phép sử dụng trong phòng và chữa bệnh. Danh mục kháng sinh được phép sử dụng trong thức ăn chăn nuôi từ 43 loại trước đây, nay cắt giảm còn 15 loại và cũng chỉ được phép sử dụng đến ngày 31/12/2017. 

 

TIN LIÊN QUAN
Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu