05:48 ngày 19/01/2025 | HOTLINE : 0983.88.33.66 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 090.1111.388
DÒNG SỰ KIỆN

Triển vọng thị trường thức ăn chăn nuôi năm 2023: Nhiều tác động khiến giá nguyên liệu tăng

14:38 14/12/2022

(THPL) - Phần lớn các chuyên gia đều dự báo thị trường nguyên liệu TĂCN trong năm 2023 sẽ không cải thiện quá nhiều so với hiện tại. Dự báo nhiều mặt hàng lương thực sẽ còn tăng giá khiến giá thức ăn chăn nuôi chịu ảnh hưởng.

 Theo Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO), nhu cầu về hàng hóa thực phẩm sẽ tăng 60% vào năm 2050, trong đó nhu cầu về protein động vật sẽ tăng 1,7% mỗi năm. Sản lượng thịt, thủy sản và các sản phẩm từ sữa cũng được kỳ vọng sẽ tăng. Nhu cầu thịt ngày càng tăng, góp phần thúc đẩy sự phát triển của thị trường, tác động tích cực đến sự tăng trưởng của thị trường chăn nuôi, kéo theo đó là hoạt động sản xuất và kinh doanh thức ăn chăn nuôi (TĂCN). Quy mô thị trường TĂCN toàn cầu đạt 482,1 tỷ USD vào năm 2021, dự kiến sẽ đạt 589,4 tỷ USD vào năm 2027, với tốc độ tăng trưởng (CAGR) là 3,5% trong giai đoạn 2022-2027 (theo IMARC).

Là nước có nguồn nguyên liệu dồi dào, Việt Nam có nhiều tiềm năng phát triển hoạt động TĂCN. Theo thống kê, tổng nhu cầu thức ăn tinh (ngô, khô dầu đậu tương, cám, bột cá…) cho toàn ngành chăn nuôi Việt Nam khoảng 33 triệu tấn/năm. Tuy nhiên, nguồn cung trong nước chỉ đạt khoảng 13 triệu tấn/năm, chiếm 35%.

Như vậy tức là Việt Nam phải nhập khẩu đến 65% từ thị trường bên ngoài. Cụ thể, Việt Nam nhập khẩu trung bình 20-22 triệu tấn nguyên liệu TĂCN mỗi năm (bao gồm cả nguyên liệu dùng cho thủy sản).

Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, tính chung 11 tháng đầu năm 2022, kim ngạch nhập khẩu TĂCN và nguyên liệu đạt trên 5 tỷ USD, tăng 11,5% so với cùng kỳ năm 2021. Thị trường nhập khẩu mặt hàng này lớn nhất là Argentina (chiếm 29,8%), tiếp theo là Brazil (20,2%) và Hoa Kỳ (12,8%), trong đó nhiều nhất là ngô và đậu tương.

Số liệu mới nhất từ Tổng cục thống kê cho thấy trong 11 tháng đầu năm nay, nhập khẩu ngô hơn 8,4 triệu tấn, trị giá gần 2,9 tỷ USD, tăng 8,5% so với cùng kì năm trước.

Nguồn: Vietnam Report
Nguồn: Vietnam Report

 Triển vọng thị trường thức ăn chăn nuôi trong năm 2023

Theo công bố mới nhất của Công ty cổ phần Báo cáo Đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) (ngày 14/12/2022), về nghiên cứu thị trường ngành Thức ăn chăn nuôi trước những biến động trên thị trường quốc tế trong thời gian gần đây, phần lớn các chuyên gia đều dự báo thị trường nguyên liệu TĂCN trong năm 2023 sẽ không cải thiện quá nhiều so với hiện tại.

Dự báo giá lúa mì sẽ tăng trong thời gian tới do ước tính sản lượng và nguồn cung lúa mì toàn cầu niên vụ 2022/23 giảm cùng với việc các kho dự trữ lúa mì cuối kỳ của Mỹ dự báo ở mức thấp nhất kể từ năm 2007/08.

Giá đậu tương được dự báo cũng sẽ tăng trở lại trong thời gian tới do biên lợi nhuận nghiền đậu tương ở Trung Quốc đã ở mức âm trong 7 tháng qua, dẫn đến nhập khẩu thấp hơn. Nhập khẩu đậu tương của Trung Quốc thấp hơn có thể ảnh hưởng đến giá đậu tương tương lai tại Chicago. Ngoài ra, nguồn cung khô đậu tương thắt chặt do tốc độ giao hàng chậm sẽ thúc đẩy giá lợn hơi tại Trung Quốc, thúc đẩy nhu cầu nuôi nhiều lợn hơn làm tăng nhu cầu về TĂCN.

Tình hình cung cấp ngũ cốc khó khăn, EU đang phải đối mặt với đợt bùng phát nghiêm trọng của dịch cúm gia cầm (HPAI), khiến khoảng 50 triệu con gia cầm bị tiêu hủy. Các nhà sản xuất thịt bò và thịt lợn ở EU cũng dự kiến sẽ giảm quy mô sản xuất để đối phó với các hạn chế về môi trường ngày càng tăng, chi phí thức ăn và năng lượng cao hơn đã thắt chặt biên lợi nhuận. Trong thời gian tới giá ngô trên thị trường thế giới sẽ giữ ở mức cao do những rủi ro gia tăng và sự không chắc chắn tiếp tục xung quanh hành lang ngũ cốc ở Biển Đen.

Về phía cầu, tình trạng lạm phát gia tăng ở nhiều quốc gia đã ăn mòn thu nhập trung bình thực tế của hộ gia đình, kéo theo mức giảm chi tiêu cho các nguồn protein cao cấp. Điều tương tự đã xảy ra khi Hoa Kỳ chứng kiến sự sụt giảm tiêu thụ thịt sau cuộc suy thoái năm 2008.

Dây chuyền sản xuất cám Con Cò - thương hiệu nổi tiếng của Prconco. Ảnh: DV
Dây chuyền sản xuất cám Con Cò - thương hiệu nổi tiếng của Prconco. Ảnh: DV

Đối với thị trường trong nước, 40% số doanh nghiệp và chuyên gia tham gia khảo sát của Vietnam Report nhận định triển vọng ngành TĂCN năm 2023 là tăng trưởng khả quan, tốt hơn một chút và có tốc độ tăng trưởng cao trong 5 năm tới. Theo phân loại đối tượng sử dụng, phân khúc thức ăn gia súc dự kiến sẽ có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất với sự gia tăng trong chăn nuôi gia súc và thay đổi mô hình ăn uống trong nước. Công nghiệp hóa đã dẫn đến sự thu hẹp diện tích đất chăn thả gia súc và do đó nhu cầu về thức ăn gia súc đã tăng lên đáng kể trong những năm qua. Phân khúc TĂCN dành cho lợn được dự đoán sẽ dẫn đầu thị trường về doanh thu vào năm 2028.

Về nguyên liệu, Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam dự báo nhu cầu nguyên liệu TĂCN của Việt Nam sẽ đạt khoảng 28-30 triệu tấn/năm trong 5 năm tới, trị giá 12-13 tỷ USD với mức tăng trưởng trung bình 11-12%/năm; trong đó hơn nửa sản lượng nguyên liệu TĂCN (14,5-15 triệu tấn) sẽ dành cho ngành gia cầm.

Yếu tố chính thúc đẩy sự tăng trưởng của thị trường là mức tiêu thụ gia cầm và thịt gia súc của Việt Nam ngày càng tăng. Điều này đến từ mức thu nhập bình quân ngày một cải thiện, từ đó nâng cao sức mua của người dân. Thêm vào đó, sự hồi phục và phát triển của ngành du lịch và khách sạn dự kiến sẽ tiếp tục thúc đẩy sự tăng trưởng của thị trường TĂCN Việt Nam trong giai đoạn tới. Ngoài ra, tỷ lệ hộ chăn nuôi chuyển đổi từ chăn nuôi nhỏ lẻ sang chăn nuôi có tổ chức theo quy mô trang trại ngày càng tăng được kỳ vọng sẽ tiếp tục thúc đẩy cơ hội tăng trưởng trên thị trường TĂCN trong những năm tới. Tuy nhiên, cũng cần lưu ý rằng giá TĂCN thế giới vẫn còn diễn biến phức tạp do căng thẳng giữa Nga - Ukraine vẫn chưa có dấu hiệu kết thúc. Giá nguyên liệu TĂCN tiếp tục bị ảnh hưởng vì Việt Nam vẫn đang phụ thuộc nhiều vào nguồn cung nhập khẩu.

Khảo sát của Vietnam Report cho thấy, trong bối cảnh mới, các doanh nghiệp TĂCN đang nỗ lực củng cố nội lực. Các yếu tố ảnh hưởng nhiều nhất đến việc thiết lập định hướng chiến lược tương lai đến từ sức mạnh nội tại của doanh nghiệp như: Chất lượng nguồn nhân lực và quản trị doanh nghiệp; Tốc độ ứng phó và sự thích nghi của doanh nghiệp; Công tác nghiên cứu phát triển sản phẩm; Sự tăng cường đầu tư đổi mới công nghệ và cải tiến quy trình vận hành; Văn hóa và giá trị cốt lõi; và Hoạt động marketing của doanh nghiệp.

Tiến Vinh

TAG: THPL
Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu