17:34 ngày 24/11/2024 | HOTLINE : 0983.883.366 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666
DÒNG SỰ KIỆN

Những khó khăn doanh nghiệp phải đối mặt từ nay tới cuối năm

Minh Anh (t/h) | 08:49 13/11/2024

(THPL) - Những tháng cuối năm 2024 đặt ra nhiều thách thức đối với nền kinh tế-xã hội Việt Nam. Trong đó, bất ổn kinh tế - chính trị trên thế giới; cạnh tranh giữa các doanh nghiệp cùng ngành; giá cả nguyên vật liệu đầu vào tăng; kinh tế thế giới tăng trưởng chậm; các vấn đề liên quan đến chuỗi cung ứng, logistics, phân phối...tiếp tục là những khó khăn mà doanh nghiệp Việt phải đối mặt.

Những khó khăn doanh nghiệp Việt phải đối mặt 

Theo kết quả khảo sát của Vietnam Report, trong những khó khăn lớn của năm 2024, xét theo tỷ lệ lựa chọn, top 5 khó khăn theo đánh của doanh nghiệp bao gồm: Bất ổn kinh tế - chính trị trên thế giới (77,2%), Cạnh tranh giữa các doanh nghiệp cùng ngành (74,3%), Giá cả nguyên vật liệu đầu vào tăng (57,1%), Kinh tế thế giới tăng trưởng chậm (51,4%), Các vấn đề liên quan đến chuỗi cung ứng, logistics, phân phối (40,0%).

Nguồn: Khảo sát doanh nghiệp thực hiện bởi Vietnam Report, tháng 10/2024

Báo cáo của Vietnam Report nêu rõ, nền kinh tế Việt Nam đã đi qua giai đoạn khó khăn nhất và chuyển sang pha phục hồi trong năm 2024, nhưng trên thế giới, những bất ổn địa chính trị vẫn còn đó, thậm chí có chiều hướng gia tăng thêm. Hai cuộc xung đột vũ trang tại Ukraine và Gaza có diễn biến phức tạp và chưa có hồi kết, đưa đời sống người dân vào thế mong manh và ảnh hưởng lan tỏa đến kinh tế của các quốc gia/ khu vực khác. Cả Nga và Trung Đông hiện là trung tâm sản xuất dầu mỏ, khí đốt của thế giới và những bất ổn do xung đột vũ trang đều ảnh hưởng tới giá năng lượng.

Chuỗi cung ứng quốc tế cũng mới có thời gian ngắn phục hồi sau đại dịch và giờ lại bị gián đoạn bởi những lệnh cấm vận, gián đoạn những tuyến đường vận chuyển qua khu vực biển Đỏ, khiến các chuyến tàu phải định lại hải trình qua mũi Hảo Vọng, kéo dài thời gian và đẩy giá cước vận chuyển lên cao.

Trải qua thời gian lạm phát toàn cầu kéo dài đã đưa giá nguyên vật liệu đầu vào sản xuất kinh doanh lên mức cao, kết hợp những vấn đề về chuỗi cung ứng, yếu tố giá nguyên vật liệu vẫn duy trì trong top 5 khó khăn hàng đầu của doanh nghiệp Việt. Tuy nhiên, yếu tố giá cả sẽ trở lại trạng thái cân bằng khi cả Việt Nam và các quốc gia khác đều nỗ lực kiềm chế lạm phát. Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), lạm phát toàn cầu năm 2024 được dự báo sẽ giảm xuống mức 5,8%, từ mức 6,7% của năm 2023, và Việt Nam vẫn luôn ổn định ở mức thấp dưới 4%.

Trong 9 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 299,63 tỷ USD, tăng 15,4% so với cùng kỳ. Bỏ qua mức nền thấp của năm 2023, kim ngạch xuất khẩu chỉ tăng 5,9% so với cùng kỳ năm 2022. Trong báo cáo tháng 10/2024, IMF giảm dự báo tăng trưởng toàn cầu tương đối phẳng – giảm từ 3,3% trong năm 2023 xuống 3,2% trong năm 2024 và 2025. Với mức tăng trưởng toàn cầu chưa bứt phá, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam khó có thể kiến tạo mức tăng lớn hàng năm.

Những vấn đề liên quan tới biến đổi khí hậu, thảm họa thiên nhiên ngày càng gia tăng cả ở mức độ tác động và tần suất. Gần đây, Việt Nam đã chịu ảnh hưởng nặng nề của bão Yagi, làm hư hại cơ sở vật chất, hạ tầng giao thông, gián đoạn hoạt động sản xuất kinh doanh, gây thiệt hại ước tính hơn 80 nghìn tỷ đồng. Với những rủi ro tiềm tàng do thiên tai, các doanh nghiệp phải đặt ra mục tiêu cụ thể hơn cho các giải pháp quản trị từ bảo hiểm vật chất, mối quan hệ với các bên và hình ảnh thương hiệu cũng như uy tín với các bên cung ứng, khách hàng và nhà đầu tư.

Những chính sách tiếp sức doanh nghiệp Việt

Năm 2024 ghi nhận những thành quả từ những chính sách ổn định thị trường của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tiếp sức cho doanh nghiệp Việt vững vàng, ngày một lớn mạnh, đưa Việt Nam trở thành điểm đến lý tưởng của dòng vốn ngoại.

Để tiếp tục thúc đẩy đà phát triển này, các doanh nghiệp kiến nghị một số giải pháp trọng tâm: Tiếp tục hỗ trợ miễn, giảm các loại thuế, phí hoặc gia hạn nộp thuế cho doanh nghiệp; Ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát; Rà soát cắt giảm các thủ tục hành chính, đơn giản hóa các quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh;  Cải thiện cơ sở hạ tầng, đặc biệt là cơ sở hạ tầng logistics; Tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại.

Nguồn: Khảo sát doanh nghiệp thực hiện bởi Vietnam Report, tháng 10/2024

Cộng đồng doanh nghiệp kỳ vọng những chính sách hỗ trợ, gói kích thích, miễn giảm hoặc gia hạn nộp thuế tiếp tục được triển khai trong thời gian tới. Theo Bộ Tài chính, 9 tháng năm 2024, tổng thu ngân sách nhà nước ước đạt 1.448,2 nghìn tỷ, bội thu gần 192 nghìn tỷ đồng. Mức bội thu ngân sách tạo dư địa để các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp được triển khai/tiếp tục gia hạn.

Gần đây, nhằm hỗ trợ người dân, doanh nghiệp chịu thiệt hại bởi bão Yagi, Tổng cục Thuế đã có chỉ đạo miễn giảm, gia hạn tiền thuế từ 1-2 năm tùy từng trường hợp chịu ảnh hưởng. Ngoài ra, các chính sách giảm 2% VAT, các gói lãi suất ưu đãi được hy vọng tiếp tục triển khai, đây được coi là những giải pháp có tác động nhanh chóng để doanh nghiệp giảm bớt áp lực tài chính, có điều kiện đầu tư thêm vào nghiên cứu phát triển, mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh trong thời kỳ nền kinh tế trên đà phục hồi

Về vấn đề ổn định vĩ mô và kiểm soát lạm phát, đây là được coi là thành tựu mà Chính phủ Việt Nam đã đạt được trong bối cảnh kinh tế-chính trị thế giới có nhiều biến động. Đầu tiên là đường lối nhất quán của Đảng và Nhà nước về cả đối nội và đối ngoại, một di sản được kế thừa và phát huy qua nhiều nhiệm kỳ của các nhà lãnh đạo, xây dựng một Việt Nam với chính trị ổn định, là bạn và cùng phát triển với nhiều nền kinh tế lớn trên thế giới, đảm bảo môi trường kinh doanh thuận lợi, ngày một phồn vinh cho tất cả doanh nghiệp trong nước và nước ngoài.

Sau nền chính trị ổn định là chính sách điều hành và can thiệp nhanh chóng nhằm duy trì thị trường tài chính lành mạnh, tỷ giá ổn định và lạm phát trong tầm kiểm soát. Các doanh nghiệp tham gia khảo sát của Vietnam Report kỳ vọng những giá trị tư tưởng luôn được phát huy, chính sách tiền tệ và tài khóa luôn được phối hợp để môi trường vĩ mô ổn định, tỷ giá, lạm phát được kiểm soát.

Cùng với ổn định vĩ mô, doanh nghiệp tiếp tục mong muốn thủ tục hành chính và các quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh được rà soát, cắt giảm. Điều này cũng đồng nhất với chủ trương tháo gỡ một số vấn đề trong thủ tục hành chính của Chính phủ như:  Sự chồng chéo, mâu thuẫn tại một số văn bản quy phạm pháp luật; Quy trình giải quyết thủ tục hành chính còn phức tạp;  Tình trạng tiêu cực trong giải quyết thủ tục hành chính.

Chiến lược Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số theo quyết định số 942/QĐ-TTg đã trải qua bốn năm triển khai trên lộ trình 2021-2025. Cùng với những chỉ đạo sát sao về cắt giảm, đơn giả của thủ tục hành chính đã có những kết quả đáng ghi nhận và vẫn cần nhiều cố gắng hơn nữa để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân trong đăng ký kinh doanh cũng như các thủ tục hành chính đi kèm.

Tiếp theo là về cơ sở hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng logistics. Giải ngân đầu tư công 10 tháng năm 2024 ước đạt 495,9 nghìn tỷ đồng, bằng 64,3% kế hoạch năm và tăng 1,8% so với cùng kỳ năm trước. Như vậy, vẫn còn lượng lớn ngân sách cần giải ngân để hoàn thành mục tiêu 95% nguồn vốn được giải ngân so với kế hoạch cả năm đã đề ra. Do đó, cơ sở hạ tầng sẽ còn có thể hoàn thiện hơn nữa trong điều kiện dòng vốn đầu tư được giải ngân kịp thời, đồng thời cần giải quyết những vấn đề liên quan như giải phóng mặt bằng, đền bù cũng như di dời người dân sang khu tái định cư…

Những dự án hạ tầng giao thông nổi bật như cao tốc, đường sắt Bắc Nam, sân bay Long Thành, mở rộng các đường vành đai khu vực trung tâm Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh đã và đang được triển khai để có thể đưa vào khai thác toàn tuyến kịp tiến độ, xây dựng hệ thống giao thông đồng bộ, liền mạch, rút ngắn thời gian vận chuyển và ngày càng mở rộng khu công nghiệp xoay quanh các tuyến đường.

Cuối cùng là tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại. Việc Việt Nam thu hút mạnh mẽ nguồn vốn FDI cũng như tham gia nhiều hơn vào các FTA và đưa mức độ hợp tác lên đối tác chiến lược toàn diện với nhiều nền kinh tế phát triển là bước tiến quan trọng trong xúc tiến thương mại, tăng cường xuất khẩu và hiện diện nhiều hơn nữa trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Bởi lẽ, thị trường xuất khẩu là nơi các doanh nghiệp Việt luôn muốn hướng tới nhằm tận dụng lợi thế từ thuế quan FTA ưu đãi, cũng như lợi thế từ chênh lệch tỷ giá của tiền đồng so với những đồng tiền khác. Tìm được đầu ra tiềm năng sẽ là lời giải cuối cùng cho bài toán thu hút đầu tư, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, đưa nền kinh tế trở lại quỹ đạo tăng trưởng một cách mạnh mẽ hơn bao giờ hết.

Năm 2024 đánh dấu cột mốc quan trọng, là năm ghi dấu các doanh nghiệp trụ vững và thích nghi sau giai đoạn khó khăn, đạt được thành quả đáng khích lệ và góp phần thúc đẩy đà phục hồi kinh tế. Sự kiên trì và đổi mới trong hoạt động kinh doanh không chỉ giúp các doanh nghiệp hoàn thành kế hoạch mà còn đóng góp thiết thực vào nỗ lực đưa nền kinh tế đạt mức tăng trưởng cả năm dự kiến đạt hoặc trên 7%.

Đây là nền tảng vững chắc, tạo tiền đề cho các bước phát triển vượt bậc trong năm cuối của Kế hoạch 5 năm 2021-2025. Những nỗ lực của doanh nghiệp xứng đáng được ghi nhận và vinh danh, nhằm lan tỏa động lực tích cực, khuyến khích cộng đồng doanh nghiệp tiếp tục đóng góp cho sự phát triển bền vững của nền kinh tế quốc gia.

Minh Anh (t/h)

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu