06:19 ngày 19/04/2024 | HOTLINE : 0911.344.555 | Email: bbt.thpl@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666

DÒNG SỰ KIỆN

Nâng tầm thương hiệu cam Cao Phong từ tái canh 800 ha đất trồng

16:26 22/02/2023

(THPL) - Mới đây, Sở NN&PTNT tỉnh Hòa Bình đã đề xuất UBND thực hiện đề án "Tái canh cây ăn quả có múi giai đoạn 2021-2025" để cải tạo quỹ đất, đảm bảo an toàn sâu bệnh nguy hiểm. Bước đi đầu tiên là sẽ tái canh 800 ha cam Cao Phong nhằm giữ gìn và nâng tầm thương hiệu này.

Theo số liệu của Bộ Công thương, diện tích và sản lượng cây ăn quả có múi tỉnh Hòa Bình thuộc diện cao nhất toàn quốc với diện tích kinh doanh khoảng 7.429 ha, sản lượng 166.7 nghìn tấn; riêng huyện Cao Phong với diện tích cam khoảng 1.500 ha (chiếm 45% diện tích cam cả tỉnh) đã đóng góp sản lượng 18 nghìn tấn trong niên vụ 2022-2023.

Cam Cao Phong không chỉ là nông trường lớn nhất trong tỉnh Hòa Bình mà còn trong cả khu vực miền Bắc. Huyện đã có 7 sản phẩm quả tươi và chế biến từ cam Cao Phong đã được công nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP, tiêu chuẩn OCOP 3 sao và 4 sao, cùng nhiều tiêu chuẩn xuất khẩu khác. Để đạt được kết quả này, các hợp tác xã tại tỉnh Hoà Bình đã tiên phong áp dụng khoa học - công nghệ, nâng cao chất lượng và mẫu mã của sản phẩm, đồng thời tích cực liên kết các doanh nghiệp chế biến, gia tăng xúc tiến thương mại.

Hiện nay, không chỉ quả tươi mà các sản phẩm từ cam như nước cốt, mứt cam, rượu cam,... mang thương hiệu Cao Phong đã khẳng định được chỗ đứng trong thị trường, có mặt trên khắp cả nước, trong các hệ thống siêu thị lớn, các hội chợ liên tỉnh, thậm chí đã được xuất khẩu sang thị trường Anh khó tính. Cam Cao Phong trở thành sản phẩm nông nghiệp đặc trưng của huyện, đưa nông nghiệp địa phương phát triển bền vững và nâng cao giá trị gia tăng kinh tế

Hoà Bình nâng tầm thương hiệu cam Cao Phong từ tái canh 800 ha đất trồng. Ảnh: Internet

Bên cạnh những tín hiệu tích cực, cam Cao Phong vẫn phải đối diện với những rủi ro nhất định từ cả các yếu tố bên trong và bên ngoài. Thời gian canh tác lâu làm kết cấu đất giảm, chai cứng, bạc màu, hệ vi sinh vật nghèo nàn, làm ảnh hưởng đến khả năng hấp thu chất dinh dưỡng của cây, tích tụ nhiều sinh vật gây hại và nguy hiểm cho cây trồng. Khó khăn cũng đến từ hệ thống quản lý yếu kém trong kiểm soát cây giống, gây khó tập trung nguồn, cây mang mầm bệnh, chất lượng cây giống không đồng đều. Trong khi đó, người nông dân lại lúng túng trong xử lý và khắc phục kém hiệu quả, thiếu liên kết trong các khâu sản xuất và bảo quản, khiến chuỗi tiêu thụ sản phẩm dễ bị ảnh hưởng bởi tác động của thị trường.

Muốn giữ vững và tiếp tục phát triển thị trường cam Cao Phong, tỉnh Hòa Bình cần đưa ra biện pháp thiết thực để khắc phục những khó khăn trên. Tỉnh nên có giải pháp đồng bộ, đi sâu giải quyết vấn đề cốt lõi, có sự tham gia của Nhà nước và nông dân trồng cam để có nguồn lực làm việc hiệu quả. Do đó, Sở NN&PTNT tỉnh Hòa Bình đã đề xuất UBND thực hiện cải tạo quỹ đất, xử lý đất đảm bảo độ an toàn về sâu bệnh gây hại trong đất. Đề án Tái canh cây ăn quả có múi tỉnh Hòa Bình trong giai đoạn 2021-2025, định hướng 2030 dự kiến sẽ tái canh 800 ha cam Cao Phong.

Dự án là cơ sở khoa học về cải tạo và quản lý đất an toàn hơn, không chỉ là bài học cho quản lý nông nghiệp và nông dân tại huyện Cam Phong mà còn trên toàn tỉnh, đảm bảo điều kiện đất đai cho sản xuất bền vững tại địa phương. Đồng thời đây cũng là dự án nhằm ổn định và phát triển cam, trồng tái canh có thể đem lại doanh thu hàng năm lên đến 500 tỷ đồng, lợi nhuận đạt mức 260 tỷ đồng/ năm.

Thông qua dự án, Hoà Bình sẽ hình thành vùng sản xuất cam tập trung, gắn kết giữa các khâu sản xuất nguyên liệu và bảo quản, có sự trợ giúp của hệ thống sơ chế và logistics để các khâu phân phối đều mang lại hiệu quả cao hơn. Từ đó nâng cao được giá trị gia tăng cho thương hiệu cam Cao Phong, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm, gây dựng niềm tin cho khách hàng, thúc đẩy sản lượng tiêu thụ cam tại các thị trường khu vực miền Bắc và trên toàn quốc.

Quỳnh Chi (t/h)

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu