14:44 ngày 24/11/2024 | HOTLINE : 0983.883.366 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666
DÒNG SỰ KIỆN

Khó khăn về vốn, các doanh nghiệp mong chờ Nghị định 132 sớm được sửa đổi

Tú Anh (t/h) | 12:10 09/11/2023

(THPL) - Hiện nay, các doanh nghiệp đang rất mong chờ việc sửa đổi Nghị định 132 sẽ sớm được thực hiện để tháo gỡ khó khăn về vốn.

Trước đó, nhằm giúp doanh nghiệp gỡ khó, phục hồi sản xuất kinh doanh, Nghị quyết 105 của Chính phủ vào tháng 7/2023, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Bộ Tài chính nghiên cứu sửa đổi Nghị định 132, nhằm tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp về quy định quản lý thuế với giao dịch có liên kết, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong quý IV năm nay.

Theo phản ánh của các doanh nghiệp, việc sửa đổi Nghị định 132 là nhiệm vụ vô cùng cấp bách, có ý nghĩa sống còn với hàng nghìn doanh nghiệp. Tuy nhiên, đến nay đã gần 4 tháng trôi qua từ thời điểm ban hành Nghị quyết 105, các doanh nghiệp đang rất mong chờ việc sửa đổi Nghị định 132 sớm được thực hiện để tháo gỡ khó khăn về vốn.

Theo đại diện một số doanh nghiệp, các bất cập của Nghị định 132 mà Tổng cục Thuế chỉ ra trong văn bản 7725/TCT-TTKT là chưa sát thực tế và chưa thực sự chạm đúng “điểm đau” của doanh nghiệp. Một trong những nút thắt đang khiến nhiều doanh nghiệp “kêu trời” là quy định khống chế mức trần của tổng chi phí lãi vay/EBITDA ở 30% (điểm a, khoản 3, Điều 16).

Lãnh đạo một doanh nghiệp chia sẻ: Hàng nghìn doanh nghiệp Việt đang đứng bên bờ vực vì thiếu vốn. Tuy nhiên, theo Nghị định 132, vốn vay lại không được tính vào chi phí hợp lệ nên nhiều doanh nghiệp không dám vay vốn để mở rộng sản xuất kinh doanh. Đây cũng là nguyên nhân khiến hệ thống ngân hàng thừa tiền mà không thể cho vay.

Điều này càng làm cho doanh nghiệp lao đao hơn, tạo rào cản trong việc tiếp cận nguồn vốn, mở rộng sản xuất kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.

"Nghị định 132, sau một thời gian thực hiện, đã phát sinh nhiều hạn chế, gây khó khăn cho doanh nghiệp. Các bất cập cần được nhanh chóng sửa đổi cho phù hợp với thực tiễn hiện nay, qua đó kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo đà thuận lợi cho sản xuất kinh doanh, đảm bảo tính minh bạch và đồng bộ trong việc thực thi pháp luật", lãnh đạo doanh nghiệp này bày tỏ.

Gặp khó khăn về vốn, các doanh nghiệp mong chờ Nghị định 132 sớm được sửa đổi. Ảnh minh hoạ

Đại diện một doanh nghiệp lớn khác tại Hà Nội cho biết, sau 3 năm thực thi, Nghị định 132 đã bộc lộ nhiều bất cập, gây khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, nhất là trong bối cảnh cả nền kinh tế vừa phải hứng chịu “cú giáng” nặng nề từ COVID-19. Các doanh nghiệp đặt nhiều kỳ vọng khi Chính phủ chỉ đạo sửa đổi Nghị định này.

Còn theo đại diện Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh cho rằng, việc sửa đổi Nghị định 132 thời điểm hiện tại là vô vùng cần thiết, bởi các quy định về quản lý thuế tại nghị định đã bộc lộ nhiều điểm không phù hợp với thực tế. Trong đó, việc khống chế chi phí lãi vay chỉ ở mức 30% là chưa phù hợp với thực tế tại Việt Nam, khi các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp bất động sản đều trong giai đoạn phát triển, cần vốn nhiều.

Liên quan đến thông tin trên, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh, đề xuất: "Đề nghị Bộ Tài chính thực hiện Nghị định 105 của Chính phủ ban hành tháng 7 đề xuất sửa đổi Nghị định 132 ngay trong quý IV/2023 để hỗ trợ cho doanh nghiệp trong phục hồi và phát triển kinh tế".

Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong, tinh thần sửa đổi Nghị định 132 là hài hòa lợi ích của Nhà nước và doanh nghiệp, nhưng trong tình thế cấp bách hiện nay thì nên hướng tới mục tiêu ưu tiên cho doanh nghiệp bởi đây chính là động lực quan trọng của nền kinh tế. Hiện các doanh nghiệp vốn đang đứng trước bờ vực.

“Theo tinh thần chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ thì Bộ Tài chính có thể đẩy nhanh, làm nhanh và chủ động đề xuất làm theo quy trình rút gọn để sớm cởi các nút thắt pháp lý, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, góp phần phục hồi nền kinh tế”, vị chuyên gia nhấn mạnh.

Theo một số chuyên khác, mục tiêu ban hành Nghị định 132 là nhằm chống chuyển giá đối với doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) có giao dịch liên kết. Tuy nhiên, thời gian qua, quy định này lại khiến nhiều doanh nghiệp Việt Nam, nhất là các doanh nghiệp theo mô hình tập đoàn kinh tế, công ty holding, công ty mẹ - con bị ảnh hưởng nặng nề. Chưa kể, quy định còn tạo ra sự bất bình đẳng giữa các doanh nghiệp có giao dịch liên kết và doanh nghiệp không có giao dịch liên kết.

Bên cạnh đó, TS. Nguyễn Minh Phong cho rằng trong giai đoạn 2020 - 2023, các doanh nghiệp Việt Nam phải đối mặt với vô vàn khó khăn, doanh thu và lợi nhuận đều sụt giảm mạnh do liên tiếp chịu tác động của COVID-19 và suy thoái kinh tế thế giới. Ông dẫn chứng, giai đoạn này nhiều doanh nghiệp có lợi nhuận bằng 0, thậm chí là âm. Trong bối cảnh đó, chi phí lãi vay cao càng khiến doanh nghiệp thêm kiệt quệ.

Theo tìm hiểu, Nghị định số 20 năm 2017 quy định về Quản lý thuế đối với các công ty có giao dịch liên kết ra đời nhằm thay thế quy định hiện hành về giá giao dịch liên kết (Thông tư 66/2010/TT-BTC), từ đó xác lập các quy định đầy đủ hơn về nghĩa vụ kê khai, xác định giá giao dịch liên kết tại Việt Nam... Song, các quy định còn nhiều bất cập, đặc biệt là quy định khống chế chi phí lãi vay được trừ khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp ở mức 20% gây khó khăn cho các doanh nghiệp.

Do đó, Nghị định số 68 ngày 24/6/2020 đã sửa đổi khoản 3 Điều 8 Nghị định số 20 là nâng tỷ lệ khống chế chi phí lãi vay được trừ (từ 20% lên 30%). Nghị định 132 tiếp tục kế thừa quy định nêu trên. Tuy nhiên, các doanh nghiệp đề xuất tăng mức khống chế chi phí lãi vay để phù hợp với tình hình mới.

Tú Anh (t/h)

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu