10:18 ngày 24/11/2024 | HOTLINE : 0983.883.366 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666
DÒNG SỰ KIỆN

Doanh nghiệp ngành mía đường cần tăng giá thu mua, đồng hành cùng người nông dân

Tú Chi (T/h) | 11:27 01/11/2023

(THPL) - Tại Việt Nam, có thời điểm giá đường lên mức xấp xỉ 28.000 đồng/kg. Tuy nhiên, giá mía thu mua còn ở mức thấp, do đó các doanh nghiệp cần có kế hoạch tăng giá đầu vào giúp người nông dân an tâm sản xuất, tiếp tục đồng hành cùng các nhà máy trong việc phục hồi, phát triển ngành mía đường Việt Nam.

Do ảnh hưởng từ giá đường thế giới, giá đường tiêu dùng trong nước có thời điểm trong tháng 9 và tháng 10 lên mức xấp xỉ 28.000 đồng/kg. Đường phục vụ sản xuất cũng tăng mạnh lên 22.000 - 23.000 đồng/kg. Theo dự báo, năm nay thế giới sẽ thâm hụt khoảng 2,2 triệu tấn đường do nhiều quốc gia thực hiện chính sách kiểm soát thị trường lương thực.

Còn theo khảo sát mới đây, giá đường bán lẻ cho người tiêu dùng xoay quanh mức 26.000-34.000 đồng/kg (tùy loại) trong khi đường phục vụ sản xuất ở mức từ 22.000-23.000 đồng/kg.

Ông Nguyễn Văn Lộc, Chủ tịch Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA) cho biết, niên vụ 2023 - 2024 dự báo sẽ là một năm thuận lợi khi giá đường đang ở mức cao. Cụ thể, báo cáo thị trường tháng 8/2023 của Tổ chức đường Quốc tế (ISO) cho thấy, trong niên vụ 2022 - 2023 (vừa kết thúc vào tháng 9/2023), sản lượng đường thế giới bị thiếu hụt trên 2 triệu tấn so với nhu cầu. Điều này dẫn tới việc giá đường tăng mạnh trên toàn cầu trong năm nay. 

Doanh nghiệp ngành đường mía cần nâng cao giá thu mua, đồng hành cùng người nông dân. Ảnh minh hoạ

Trước thực tế giá đường đang tăng mạnh, Ban Thường vụ Hiệp hội Mía đường Việt Nam đã tiến hành thảo luận và thống nhất cao về định hướng phục hồi vùng nguyên liệu mía trong thời gian tới thông qua việc tiếp tục nâng cao giá mua mía cho nông dân so với niên vụ 2022/23. Theo đó, tùy vào hoàn cảnh thực tế tại địa phương, trong bối cảnh các chi phí đầu vào tăng cao, các nhà máy đường cần sớm xem xét hiệp thương với nông dân trồng mía và địa phương, tiếp tục điều chỉnh tăng giá mua mía cho vụ mới sắp đến, sao cho giá mua mía bảo đảm người nông dân bù đắp đủ chi phí có thu nhập đủ sống với cây mía, để người nông dân yên tâm phát triển cây mía, phục hồi vùng nguyên liệu.

Giá mía cũng cần xây dựng bảo đảm cho người nông dân có thu nhập tương đương hoặc cao hơn so với cây trồng cạnh tranh chính tại địa phương, có như vậy người nông dân mới có thể an tâm tiếp tục đồng hành cùng các nhà máy đường trong việc phát triển, phục hồi diện tích trồng mía và ngành mía đường Việt Nam.

Trước đó, niên vụ 2022 - 2023, ngành mía đường đã ép được hơn 9,6 triệu tấn mía, sản xuất được 935.104 tấn đường các loại, tăng 28% về sản lượng mía ép và tăng 25% về sản lượng đường so với vụ ép mía 2021 - 2022; tăng 43% về sản lượng mía ép và tăng 36% về sản lượng đường so với vụ ép mía 2020 - 2021.

Trong diễn biến liên quan, một nhà máy đường ở Hậu Giang đã có thông báo dừng hoạt động bất chấp giá đường đang tăng cao. Cụ thể, Công ty CP mía đường Cần Thơ (Casuco) vừa ra nghị quyết tạm dừng sản xuất tại Nhà máy đường Phụng Hiệp trong niên vụ 2023/2024. Báo cáo của Casuco cho biết trong niên vụ 2022/2023, công ty hợp tác với bà con nông dân và đầu tư vùng nguyên liệu trên diện tích gần 895 ha, sản lượng mía nguyên liệu ước tính 80.000 tấn. Tuy nhiên, thực tế sản lượng ép mía của công ty chỉ đạt hơn 14.500 tấn (tương đương 130 ha). Phần sản lượng mía còn lại nông dân đã bán mía ép lấy nước với giá 2.200 - 2.300 đồng/kg, bán cho lò thủ công với giá 1.600 - 1.700 đồng/kg… cao hơn so với giá bán cho nhà máy đường chỉ từ 1.380 - 1.420 đồng/kg. Trước tình hình đó, Casuco đưa ra kịch bản trong niên vụ 2023/2024, nếu giá bán đường cao nhất là 22.000 đồng/kg và thu mua mía ở mức 2.200 đồng/kg sẽ dẫn đến việc càng hoạt động càng lỗ nên quyết định dừng hoạt động.

Liên quan đến thông tin trên, một chuyên gia kinh tế khác nhận định chuyện nông dân bỏ nhà máy hay nhà máy đóng cửa vì không đáp ứng được nhu cầu của nhau là chuyện bình thường của thị trường. Tuy nhiên vị này lo ngại nếu quá phụ thuộc vào nhập khẩu, sẽ ảnh hưởng đến tính ổn định của thị trường trong nước. Bởi giá đường tăng sẽ ảnh hưởng đến giá thành nhiều ngành hàng thực phẩm chế biến, đặc biệt là các loại hàng hóa phục vụ tết. Bản thân hiệp hội mía đường vào thời điểm cuối tháng 8 qua cũng ra văn bản cảnh báo về hiện tượng các nhà máy găm hàng, tăng giá. Giá đường có thể bị đẩy đến mức vượt quá mức độ hài hòa hợp lý đối với người tiêu dùng.

Tú Chi (T/h)

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu