20:48 ngày 08/01/2025 | HOTLINE : 0983.88.33.66 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 090.1111.388
DÒNG SỰ KIỆN

Công nghiệp chế biến chế tạo là lực đẩy trong mở rộng sản xuất và xuất khẩu

20:10 07/01/2025

(THPL) - Một số chuyên gia kinh tế nhìn nhận, công nghiệp chế biến chế tạo được đánh giá là lực đẩy số một trong mở rộng sản xuất và xuất khẩu của nền kinh tế. Đây cũng là ngành liên tục được mở rộng và chiếm tỷ trọng cao nhất trong các ngành công nghiệp với đóng góp trong GDP tăng liên tục qua các năm.

Theo số liệu được Tổng cục Thống kê công bố ngày 6/1/2025, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) quý 4/2024 tăng 7,9% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung năm 2024, chỉ số sản xuất ngành công nghiệp ước tăng 8,4% so với năm trước (năm 2023 tăng 1,3%).

Trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 9,6%; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 9,5%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 10,7%. Trong khi đó, ngành khai khoáng giảm 6,5%.

Sản xuất công nghiệp của Việt Nam vẫn duy trì tăng trưởng

Nhiều địa phương đã nỗ lực vượt qua khó khăn, từng bước phục hồi sản xuất, duy trì được thành tích công nghiệp khá với chỉ số sản xuất ngành công nghiệp tăng ở hầu hết các địa phương trên cả nước (tăng ở 60 địa phương và giảm ở 3 địa phương trên cả nước). Một số địa phương có chỉ số sản xuất công nghiệp đạt mức tăng khá cao do ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng cao.

Địa phương có chỉ số sản xuất của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo năm 2024 so với năm trước tăng cao, gồm: Phú Thọ tăng 44,7%; Lai Châu tăng 35,8%; Bắc Giang tăng 28,2%; Thanh Hóa tăng 19,6%; Trà Vinh tăng 7,5%; Điện Biên tăng 5,7%. Địa phương có chỉ số của ngành sản xuất và phân phối điện tăng cao: Khánh Hòa tăng 135,7%; Trà Vinh tăng 50,2%; Điện Biên tăng 49,5%; Cao Bằng tăng 47,7%; Sơn La tăng 32,3%; Lai Châu tăng 32,0%; Thanh Hóa tăng 15,6%.

Báo cáo của Tổng cục Thống kê cũng ghi nhận một số sản phẩm công nghiệp chủ lực năm 2024 tăng cao so với năm trước, gồm: ô tô tăng 27,0%; thép thanh, thép góc tăng 18,7%; tivi tăng 18,6%; vải dệt từ sợi tự nhiên và đường kính cùng tăng 16,7%; xăng dầu tăng 14,0%; thép cán tăng 13,8%; phân hỗn hợp NPK tăng 11,0%; sữa bột tăng 10,9%.

Công nghiệp chế biến chế tạo là lực đẩy trong mở rộng sản xuất và xuất khẩu. Ảnh minh họa

Đáng chú ý, ngành công nghiệp chế biến chế tạo Việt Nam hiện có nhiều nhóm ngành trong top đầu thế giới như dệt may, da giày, chế biến đồ gỗ... tạo ra sức hấp dẫn mới để Việt Nam định vị và tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Đơn cử như đối với ngành dệt may, năm 2024 từ kết quả xuất khẩu đạt gần 44 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu, theo đó năm 2025 ngành dệt may đặt mục tiêu tăng trưởng hai con số (khoảng 10%), tương ứng xuất khẩu từ 47-48 tỷ USD.

Tiến sỹ Lương Văn Khôi, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) nhìn nhận, với ngành dệt may, một lĩnh vực đóng góp lớn vào tăng trưởng của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo cũng như tăng trưởng của cả nền kinh tế, nếu có sự quan tâm đầu tư ở cả góc độ doanh nghiệp và chính sách, sự điều hành của Nhà nước sẽ góp phần quan trọng đưa tăng trưởng GDP năm 2025 đạt tăng trưởng 2 con số như mục tiêu đề ra.

4 nhóm giải pháp thúc đẩy sản xuất công nghiệp

Theo Bộ Công Thương, bước sang năm 2025 vẫn còn nhiều thách thức mà nền kinh tế nói chung và sản xuất công nghiệp nói riêng sẽ phải đối diện, như nội lực của các ngành sản xuất trong nước vẫn còn yếu; sản xuất công nghiệp phục hồi chưa toàn diện; tình hình thế giới, khu vực tiếp tục diễn biến nhanh, phức tạp và khó lường; thị trường trong nước tăng trưởng thấp hơn cùng kỳ, chỉ số giá trong nước chịu áp lực tăng sau khi thực hiện một số chính sách mới.

Do đó, trong thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ triển khai 4 nhóm giải pháp để tiếp tục thúc đẩy sản xuất công nghiệp nói chung và công nghiệp chế biến, chế tạo nói riêng.

Thứ nhất, tiếp tục chủ động triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đã được Chính phủ thông qua, từ đó tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp - đặc biệt trong các ngành xuất khẩu chủ lực như dệt may, da - giày và các ngành nền tảng như ô tô, cơ khí, thép…; thúc đẩy đưa vào vận hành các dự án sản xuất công nghiệp mới nhằm phục vụ cho xuất khẩu và tiêu dùng trong nước, tạo thêm năng lực cho phát triển sản xuất và nguồn hàng cho xuất khẩu.

Thứ hai, tập trung tham mưu hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật, chiến lược phát triển một số ngành công nghiệp nền tảng, ưu tiên làm cơ sở cho các nguồn lực tăng trưởng mới trong các ngành công nghiệp trong ngắn hạn cũng như trong dài hạn.

Thứ ba, tiếp tục đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả các chương trình làm việc với các địa phương và các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp hiện có nhằm khôi phục và phát huy đà tăng trưởng của công nghiệp tại các địa phương và vùng kinh tế trọng điểm.

Thứ tư, khuyến khích việc tăng cường mua sắm hàng hóa sản xuất trong nước, hạn chế tối đa việc sử dụng sản phẩm và nguyên liệu nhập khẩu mà trong nước đã sản xuất được; Đẩy mạnh tìm kiếm các thị trường mới cho các ngành hàng xuất khẩu chủ lực như dệt may, da - giày, điện tử...

Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) cũng cho biết, cần có các chính sách, giải pháp hỗ trợ về tài chính với các doanh nghiệp công nghiệp, đặc biệt các doanh nghiệp chế biến, chế tạo để các doanh nghiệp có điều kiện sản xuất, kinh doanh ổn định. Doanh nghiệp tái cấu trúc, giảm chi phí và giá thành sản xuất để nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm, qua đó cải thiện hiệu quả và thích ứng linh hoạt với tình hình mới.

Trên cơ sở đó, Bộ sẽ tập trung thực hiện cơ cấu lại ngành Công Thương, gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ đổi mới sáng tạo, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh, tính tự chủ, khả năng thích ứng và sức chống chịu của nền kinh tế.

Minh Anh

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu