05:46 ngày 19/01/2025 | HOTLINE : 0983.88.33.66 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 090.1111.388
DÒNG SỰ KIỆN

Gia tăng xuất khẩu, nhóm hàng công nghiệp chế biến chế tạo giữ vững vị thế

15:08 14/05/2024

(THPL) - Trong 4 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu nhóm hàng công nghiệp chế biến chế tạo duy trì vị trí “đầu tàu” trong tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước với hơn 104 tỷ USD.

Hiện nay, số lượng các đơn đặt hàng xuất khẩu mới tăng cao, hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp trong nước, đặc biệt là lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo đã có sự khởi sắc. 

Kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng công nghiệp chế biến chế tạo trong 4 tháng đầu năm tăng tới 14,5%, thu về khoảng 104,65 tỷ USD, trong đó nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực đạt mức tăng trưởng cao, như: Máy ảnh, máy quay phim và linh kiện tăng 63,5%; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 34,9%; sản phẩm chất dẻo tăng 29,6%; gỗ và sản phẩm gỗ tăng 23,7%; sắt thép các loại tăng 20,7%; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác tăng 10%; phương tiện vận tải và phụ tùng tăng 9,9%...

Đáng chú ý, sản xuất công nghiệp tăng tích cực ở các địa phương chủ lực, có 54 địa phương có chỉ số sản xuất công nghiệp tăng so với cùng kỳ năm trước. Đơn cử, Phú Thọ tăng 29,6%; Bắc Giang tăng 24,1%; Hà Nam tăng 15,5%; Bình Phước tăng 15,2%)…

Với những tín hiệu tích cực của thị trường trong những tháng đầu năm, các doanh nghiệp đang tận dụng thời cơ để tăng tốc, hoàn thành cao nhất các mục tiêu sản xuất kinh doanh trong năm nay.

Xuất khẩu nhóm hàng công nghiệp chế biến chế tạo duy trì vị trí “đầu tàu”. Ảnh minh hoạ

Liên quan đến ngành công nghiệp, theo Bộ Công Thương, có hai nguyên nhân giúp xuất khẩu nhóm hàng công nghiệp chế biến chế tạo duy trì vị trí đầu tàu. Thứ nhất, đã thực hiện tốt đa dạng hóa thị trường trong bối cảnh xuất khẩu sang các thị trường lớn đều sụt giảm; kim ngạch xuất khẩu sang các nước châu Phi, Đông Âu, Bắc Âu, Tây Á tăng; mức suy giảm xuất khẩu tại một số thị trường chủ lực tiếp tục được thu hẹp (xuất khẩu sang thị trường Mỹ thu hẹp từ mức giảm 22,6% trong nửa đầu năm 2023 xuống mức giảm khoảng 11,2% trong cả năm 2023; EU thu hẹp từ mức giảm 10,1% trong nửa đầu năm 2023 xuống còn khoảng 4,8% trong cả năm 2023; Hàn Quốc thu hẹp từ mức 10,2% xuống còn khoảng 2,5%...).

Thứ hai, hoạt động nhập khẩu cơ bản đáp ứng nhu cầu nguyên nhiên vật liệu phục vụ sản xuất và tiêu dùng. Kim ngạch nhập khẩu nhóm hàng hóa phục vụ sản xuất để xuất khẩu và hàng hóa thiết yếu tăng, ước chiếm 88,4% tổng kim ngạch; nhập khẩu của nhóm hàng không khuyến khích nhập khẩu ước chỉ chiếm 5,7%.

Nhờ tận dụng tốt yếu tố thị trường và linh hoạt trong nắm bắt cơ hội đã giúp cơ cấu hàng hóa xuất khẩu tiếp tục cải thiện theo chiều hướng tích cực, giảm hàm lượng xuất khẩu thô, tăng xuất khẩu hàng công nghiệp chế biến chế tạo. Điều này tạo điều kiện cho hàng hóa Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu. Nhóm hàng công nghiệp chế biến tiếp tục chiếm tỷ trọng chủ yếu (85%) trong cơ cấu kim ngạch xuất khẩu.

Cán cân thương mại tiếp tục ghi nhận xuất siêu năm thứ 8 liên tiếp với mức thặng ước đạt 26 tỷ USD, tăng gần gấp 3 lần năm 2022, góp phần tích cực cho cán cân thanh toán, giúp nâng cao dự trữ ngoại hối, ổn định tỷ giá và các chỉ số kinh tế vĩ mô khác của nền kinh tế.

Bên cạnh yếu tố tích cực, phía Bộ Công Thương cũng cho rằng, cần có các chính sách, giải pháp hỗ trợ về tài chính với các doanh nghiệp công nghiệp, đặc biệt các doanh nghiệp chế biến, chế tạo để các doanh nghiệp có điều kiện sản xuất, kinh doanh ổn định. Xây dựng và triển khai hiệu quả các chương trình phát triển công nghiệp và công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn, tập trung nâng cao năng lực các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Doanh nghiệp tái cấu trúc, giảm chi phí và giá thành sản xuất để nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm, qua đó cải thiện hiệu quả và thích ứng linh hoạt với tình hình mới.

Theo ông Phạm Tuấn Anh - Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) cho biết, Bộ Công Thương sẽ tập trung các giải pháp để nâng cao giá trị gia tăng cho sản xuất công nghiệp. “Bộ Công Thương sẽ phối hợp chặt chẽ với các địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp bám sát tình hình thị trường khu vực, thế giới, tạo thuận lợi tối đa cho hoạt động thông quan, xuất, nhập khẩu hàng hóa, đặc biệt là nhóm hàng nguyên, phụ liệu cho sản xuất trong nước”- ông Phạm Tuấn Anh chia sẻ. 

Lãnh đạo Cục Công nghiệp cũng khẳng định, tiếp tục đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu ngành công nghiệp theo hướng tăng tỷ trọng các ngành chế biến, chế tạo và giảm tỷ trọng gia công, lắp ráp đối với các sản phẩm công nghiệp được sản xuất ở Việt Nam; từng bước tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp để tăng khả năng cạnh tranh, xây dựng hàng rào kỹ thuật đối với sản phẩm nhập khẩu nhằm hỗ trợ sản phẩm trong nước, tăng tỷ lệ nội địa hóa...

Bộ Công Thương sẽ xem xét nghiên cứu và ban hành các ưu đãi, hỗ trợ cho việc sản xuất các vật liệu cơ bản như thép chế tạo (phục vụ cho các ngành cơ khí); nguyên phụ liệu, vải và da thuộc cho các ngành dệt may và da - giày; các sản phẩm từ hóa dầu như hạt nhựa, khuôn nhựa, cao su nhân tạo, sợi nhân tạo... để bảo đảm đầu vào cho các ngành công nghiệp hỗ trợ cũng như các ngành công nghiệp hạ nguồn.

Trong diễn biến liên quan, tại Đề án tái cơ cấu ngành Công Thương đến năm 2030, Bộ Công Thương nêu rõ, tiếp tục mở rộng xuất khẩu để khai thác có hiệu quả tiềm năng thị trường gắn với chuyển dịch cơ cấu xuất khẩu theo hướng các sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao, có tỷ lệ nội địa hoá lớn và đáp ứng tiêu chuẩn cao về tiêu chuẩn chất lượng và phát triển bền vững của các thị trường.

Bộ Công Thương đặt mục tiêu đến năm 2030, tỷ trọng xuất khẩu hàng hóa công nghiệp chế biến chế tạo lên khoảng 90%, trong đó tỷ trọng xuất khẩu hàng hóa công nghệ trung bình và cao tăng lên khoảng 70%.

Tú Chi (T/h)

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu