10:47 ngày 24/11/2024 | HOTLINE : 0983.883.366 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666
DÒNG SỰ KIỆN

Việt Nam có nhiều cơ hội phát triển và thu hút đầu tư vào ngành công nghiệp bán dẫn

Tuấn Kiệt (t/h) | 15:46 26/01/2024

(THPL) - Hiện nay, trong bối cảnh công nghệ 5G, AI, blockchain… phát triển như vũ bão. Với nhiều lợi thế cạnh tranh, bao gồm sở hữu các mỏ đất hiếm trữ lượng lớn, Việt Nam đang là điểm đến hấp dẫn đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp bán dẫn.

Theo tìm hiểu, chất bán dẫn (Semiconductor) là chất có độ dẫn điện ở mức trung bình; nó hoạt động như chất cách điện ở nhiệt độ thấp và có tính dẫn điện ở nhiệt độ phòng nên thích hợp dùng để điều khiển dòng điện. Chất bán dẫn là xương sống của nền kinh tế kỹ thuật số, đặc biệt trong sản xuất chip điện tử (hoạt động dựa vào cơ chế bật, tắt để tạo ra tín hiệu) của các thiết bị và linh kiện điện tử như điện thoại di động, máy ảnh, tivi, máy giặt, tủ lạnh, máy ATM, bóng đèn LED, bộ vi xử lý của máy tính,…

Việt Nam hiện đang có nhiều tiềm năng và cơ hội để phát triển ngành công nghiệp bán dẫn. Đó là hệ thống chính trị ổn định, vị trí địa lý thuận lợi, lao động dồi dào, Chính phủ rất quan tâm việc đẩy mạnh hợp tác đầu tư, phát triển ngành bán dẫn ở Việt Nam… Chưa kể, hiện Chính phủ Việt Nam đang quyết tâm cao trong việc theo đuổi, phát triển ngành công nghiệp bán dẫn; đã và đang thu hút ngày càng nhiều các tập đoàn lớn trong ngành bán dẫn. Việt Nam đã có những quyết sách đúng đắn, quan trọng, mang tính quyết định nhằm tăng cường thu hút đầu tư vào lĩnh vực này.

Theo đánh giá của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Việt Nam đang xây dựng: Chiến lược quốc gia về công nghiệp bán dẫn; Đề án phát triển nguồn nhân lực cho ngành bán dẫn, với mục tiêu đào tạo, phát triển 50.000 nhân lực cho ngành đến năm 2030. Đặc biệt, vừa qua, Quốc hội cũng đã ban hành Nghị quyết số 110/2023/NQ15 Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khoá XV, giao Chính phủ xây dựng Nghị định, thành lập quỹ hỗ trợ đầu tư cho ngành công nghệ cao, trong đó công nghiệp bán dẫn, dự kiến ban hành vào giữa năm 2024.

Chính phủ Việt Nam cũng đã phê duyệt Quy hoạch điện VIII và thành lập Ban chỉ đạo Nhà nước về các công trình trọng điểm ngành năng lượng với mục tiêu cung cấp điện ổn định, bền vững phục vụ các dự án đầu tư, đặc biệt là các dự án đầu tư vào lĩnh vực công nghệ cao và ngành bán dẫn, đẩy mạnh công tác giải phóng mặt bằng, chuẩn bị đủ mặt bằng sạch tại các khu công nghiệp, khu kinh tế, khu công nghệ cao, cũng như đẩy nhanh tiến độ các công trình giao thông quan trọng kết nối với cảng biển, sân bay… tạo thuận lợi và nâng cao sức cạnh tranh của các dự án bán dẫn.                                                                         

Việt Nam có nhiều cơ hội phát triển và thu hút đầu tư vào ngành công nghiệp bán dẫn. Ảnh minh hoạ

Trước đó, trong khuôn khổ hội nghị Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) tổ chức tại Davos, Thụy Sĩ mới đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, Việt Nam đã ban hành chiến lược phát triển trong lĩnh vực AI; xây dựng các trung tâm dữ liệu quốc gia kết nối với các trung tâm dữ liệu của các bộ, ngành, địa phương. Về công nghệ ô tô, Việt Nam tập trung phát triển ô tô điện, sử dụng nguyên liệu sạch, phát thải carbon thấp và đầu tư cho giao thông xanh.

Về công nghiệp bán dẫn, Việt Nam xác định đây là một động lực phát triển mới và sẽ đầu tư để tham gia vào cả 3 công đoạn trong chuỗi giá trị vi mạch bán dẫn gồm thiết kế, chế tạo và đóng gói; hiện đang tiếp tục tập trung phát triển nền tảng công nghệ thông tin, nguồn nhân lực và sẽ có chính sách ưu đãi phù hợp.

Còn theo các chuyên gia kinh tế, việc Việt Nam thu hút và ưu tiên thu hút doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực bán dẫn sẽ mang lại cơ hội cho không chỉ các doanh nghiệp trong nước mà cả doanh nghiệp FDI. Bởi khi càng nhiều doanh nghiệp công nghệ cao đầu tư vào Việt Nam, việc liên kết, tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu của các doanh nghiệp càng dễ dàng hơn.

Cũng liên quan đến ngành công nghiệp bán dẫn, tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ hồi tháng 9/2023, khi được hỏi về nguồn nhân sự chất lượng cao trong ngành bán dẫn của Việt Nam hiện chỉ có khoảng 5.000 người, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết, Chính phủ đã giao bộ này phối hợp với các bộ, ngành xây dựng kế hoạch hành động và chiến lược phát triển ngành bán dẫn ở Việt Nam, trong đó có đề án phát triển nguồn nhân lực 50.000 kỹ sư, chuyên gia cho ngành công nghiệp bán dẫn vào năm 2030 cũng đã được xây dựng.

Tại hội nghị giữa Thủ tướng Phạm Minh Chính và Tổng thống Mỹ Joe Biden và các doanh nghiệp công nghệ lớn của hai nước hôm 11/9, Chủ tịch Tập đoàn FPT Trương Gia Bình đã đề xuất phía Mỹ hỗ trợ đào tạo 30.000-50.000 chuyên gia bán dẫn thông qua đầu tư vào Đại học FPT, nhằm nâng cao năng lực của lực lượng lao động. Ngoài ra, Chủ tịch FPT cũng chia sẻ, tập đoàn này dự kiến đầu tư 100 triệu USD và gần 1.000 nhân lực tại Mỹ vào cuối năm nay.

Thực tế hiện nay, nhiều tập đoàn, doanh nghiệp lớn trong ngành điện tử, bán dẫn đã hiện diện và đang có kế hoạch mở rộng đầu tư tại Việt Nam như Intel, Samsung, Synopsys, Qualcomm, Infineon, Amkor,… Điển hình là Samsung, theo Tổng Giám đốc Tổ hợp Samsung Việt Nam, ông Choi Joo Ho, Samsung vẫn liên tục mở rộng đầu tư tại Việt Nam và trong năm qua đã đầu tư thêm khoảng 1,2 tỷ USD.

Bên cạnh Samsung, việc Tổng thống Hoa kỳ cam kết và ủng hộ Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị công nghệ cao toàn cầu và vào ngành chíp, bán dẫn đã mở ra cơ hội lớn cho Việt Nam gia nhập mạng lưới sản xuất có giá trị cao của quốc tế.

Tuấn Kiệt (t/h)

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu