15:24 ngày 15/01/2025 | HOTLINE : 0983.88.33.66 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 090.1111.388
DÒNG SỰ KIỆN

EVFTA là đòn bẩy thúc đẩy thương mại song phương Việt Nam – Ba Lan

10:59 15/01/2025

(THPL) - Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) đã tạo ra cơ hội lớn thúc đẩy quan hệ thương mại giữa Việt Nam và EU, trong đó có thị trường Ba Lan. EVFTA không chỉ giảm thiểu các rào cản thuế quan mà còn giúp tăng cường lưu thông hàng hóa và đầu tư song phương.

Việt Nam và Ba Lan thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 4/2/1950. Hai nước có quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác nhiều mặt. Lãnh đạo hai nước thường xuyên trao đổi đoàn các cấp nhằm củng cố và thắt chặt tình hữu nghị giữa hai nước.

Hai nước cũng phối hợp chặt chẽ tại các diễn đàn như Liên hợp quốc, thúc đẩy quan hệ giữa ASEAN với Ba Lan và Liên minh châu Âu (EU); phối hợp tổ chức các hoạt động giao lưu văn hóa, nghệ thuật tại mỗi nước trong năm 2025, hướng tới kỷ niệm 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Ba Lan (4/2/1950-4/2/2025).

Về thương mại, Ba Lan hiện là bạn hàng số một của Việt Nam tại Trung Đông Âu, Việt Nam là bạn hàng thứ 3 của Ba Lan ở Đông Nam Á. Ba Lan đã phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do EU-Việt Nam.

Các doanh nghiệp Ba Lan mong muốn tiếp tục thúc đẩy hoạt động xúc tiến thương mại, hợp tác trực tiếp với các nhà phân phối, nhập khẩu của Việt Nam. Ảnh: VGP/Anh Lê

Theo Tổng cục Hải quan, năm 2023, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa hai nước là 2.773 triệu USD, trong đó Việt Nam nhập khẩu 373 triệu USD, xuất khẩu 2.400 triệu USD. Kim ngạch xuất nhập khẩu giữa hai nước trong 11 tháng năm 2024 đạt 3.151 triệu USD.

Các mặt hàng chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Ba Lan gồm máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác, hàng may mặc, giày dép, thủy sản, các sản phẩm từ sắt thép... Ngược lại, Ba Lan có thế mạnh về ngành công nghiệp đóng tàu, khai thác than, thiết bị giao thông đường thủy, hóa chất, quốc phòng, trùng tu di tích... Đây đang là những mặt hàng Việt Nam có nhu cầu nhập khẩu khá lớn.

Đáng chú ý, kể từ khi có hiệu lực và được đưa vào thực thi, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) đã tạo ra cơ hội lớn thúc đẩy quan hệ thương mại giữa Việt Nam và EU, trong đó có thị trường Ba Lan. EVFTA không chỉ giảm thiểu các rào cản thuế quan mà còn giúp tăng cường lưu thông hàng hóa và đầu tư song phương.

Bên cạnh lợi thế về EVFTA, thương mại Việt Nam - Ba Lan còn rất nhiều những động lực tăng trưởng khác. Theo, Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) cho biết, Ba Lan là quốc gia đang nổi lên với tốc độ phát triển nhanh tại khu vực châu Âu. Với số lượng Việt kiều lớn tại Ba Lan và đều khá thành công khi là chủ các doanh nghiệp lớn tại thị trường này thì lượng hàng hóa Việt Nam xuất sang không chỉ phục vụ người tiêu dùng Ba Lan mà còn xuất khẩu sang các nước lân cận trong và ngoài khu vực châu Âu.

“Nếu khai thác tốt dư địa từ thị trường Ba Lan, hàng hóa, doanh nghiệp Việt Nam có thể tiến sâu hơn vào thị trường châu Âu cũng như cung cấp được hàng hóa cho mạng lưới các nước Baltics” - Cục Xúc tiến thương mại nhận định.

Về đầu tư, tính đến cuối tháng 10/2024, Ba Lan đứng thứ 21/149 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam với 32 dự án đầu tư còn hiệu lực, tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 473 triệu USD, hình thức chủ yếu là 100% vốn nước ngoài. Việt Nam có 4 dự án đầu tư tại Ba Lan với tổng vốn đầu tư 1,84 triệu USD, thuộc lĩnh vực dịch vụ và công nghiệp chế biến.

Cộng đồng người Việt Nam tại Ba Lan hiện có khoảng 25.000 người, đóng góp vào việc phát triển quan hệ kinh tế-thương mại giữa hai nước và được chính quyền Ba Lan đánh giá tích cực. Một số Việt kiều tại Ba Lan đã quay về nước đầu tư tương đối thành công, nhất là trong lĩnh vực bất động sản và tài chính.

Bên cạnh những kết quả trên, ông Nguyễn Sơn - Tham tán Thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Ba Lan cho rằng, thị trường Ba Lan vẫn còn nhiều tiềm năng chưa được khai thác. Một số doanh nghiệp trong nước vẫn chưa tiếp cận được thị trường Ba Lan do khoảng cách địa lý cũng như những biến động chính trị tại các khu vực trong thời gian qua.

Dù vậy, theo dự báo của thương vụ, trong thời gian tới, cơ hội sẽ mở rộng hơn, đặc biệt khi những bất ổn chính trị ở các khu vực lân cận được giải quyết, hứa hẹn sẽ mang lại những biến động lớn, mang tính cơ hội trong hoạt động thương mại tại Ba Lan.

Thương vụ Việt Nam tại Ba Lan khuyến cáo, để tận dụng tốt hơn những ưu đãi từ EVFTA, cũng như đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa sang Ba Lan và các nước lân cận, bên cạnh việc từng bước đầu tư, phát triển ngành công nghiệp thực phẩm nội địa, doanh nghiệp trong nước cần tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm xuất khẩu, bởi, với một thị trường có nhiều tiêu chuẩn khắt khe như EU nói chung, Ba Lan nói riêng, chất lượng sản phẩm là yếu tố quyết định sự thành công. Các chứng nhận kiểm định về an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường… cần được chú trọng.

Để thâm nhập thị trường Ba Lan, doanh nghiệp cần nghiên cứu kỹ lưỡng xem sản phẩm của mình có đáp ứng được thị hiếu và nhu cầu tại đây hay không, cần hiểu rõ nhu cầu, thói quen tiêu dùng và các xu hướng nổi bật tại Ba Lan. Chính sự phù hợp này sẽ tạo nên lợi thế cạnh tranh quan trọng.

Tú Anh (t/h)

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu