06:09 ngày 11/09/2024 | HOTLINE : 094.210.6666 | Email: bbt.thpl@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666

DÒNG SỰ KIỆN

Hiệp định EVFTA và cơ hội để doanh nghiệp Việt đẩy mạnh xuất khẩu sang Pháp

07:37 15/11/2023

(THPL) - Hiệp định EVFTA ký kết và thực thi đã mở đường chính ngạch cho hàng hóa Việt Nam, nhất là các mặt hàng nông sản, cũng như vải thiều và gạo của Việt Nam có cơ hội tiến sâu vào thị trường châu Âu nói chung và Pháp nói riêng.

EVFTA - Cơ hội để doanh nghiệp Việt đẩy mạnh xuất khẩu sang Pháp

Pháp là thị trường có dân số lớn thứ 2 châu Âu với gần 68 triệu dân, là quốc gia có thị trường bán lẻ lớn thứ 2 châu Âu với tổng giá trị khoảng 470 tỷ euro (sau Đức 560 tỷ euro) và có đến 4 trên tổng số 10 tập đoàn bán lẻ lớn nhất tại châu Âu là từ Pháp; có cộng đồng người châu Á lâu đời nhất và lớn nhất tại châu Âu; cộng đồng Việt kiều đông nhất tại châu Âu với gần 400 nghìn người và người Việt tại Pháp hội nhập sâu nhất vào nước bản địa. Do đó, doanh nghiệp Việt cần tận dụng tiềm năng và khai thác tốt dư địa tại thị trường Pháp.

Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) chính thức có hiệu lực từ ngày 1/8/2020. Là một FTA thế hệ mới giữa Việt Nam và 27 nước thành viên EU, Hiệp định EVFTA, cùng với Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) là hai FTA có phạm vi cam kết rộng và mức độ cam kết cao nhất của Việt Nam từ trước tới nay.

Hiệp định EVFTA được ký kết là cơ hội để Việt Nam nâng cao kim ngạch xuất khẩu hàng hóa, nhất là với các sản phẩm có thế mạnh, có lợi thế cạnh tranh, với những cam kết xoá bỏ thuế nhập khẩu lên tới 99% giữa hai bên trong vòng 7-10 năm. Ông Vũ Anh Sơn - Tham tán Thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Pháp cho rằng, EVFTA ký kết và thực thi đã mở đường chính ngạch cho hàng hóa Việt Nam, nhất là các mặt hàng nông sản, cũng như vải thiều và gạo của Việt Nam có cơ hội tiến sâu vào thị trường châu Âu nói chung và Pháp nói riêng, thúc đẩy kết nối Việt Nam tới một thị trường rộng lớn với 68 triệu dân.

Hiện, uy tín và những điều kiện ưu đãi thuế quan từ EVFTA đang tạo ra lợi thế tốt cho xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường EU và Pháp. Theo đó, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Pháp đang đánh dấu những bước phát triển đầu tiên sau khi ký kết Hiệp định EVFTA. Thương mại hai chiều giữa Pháp và Việt Nam tương đổi ổn định, đặc biệt là chiều Việt Nam xuất khẩu sang Pháp, đồng thời Pháp đang là đối tác thương mại lớn thứ 4 của Việt Nam tại Liên minh châu Âu.

Sản phẩm gạo mang thương hiệu “Cơm Việt Nam” tại đại siêu thị E.Leclerc Viry Chatillon, ngoại ô thành phố Paris. Ảnh: BND

Thực tế, sau hàng loạt các hoạt động quảng bá, xây dựng hình ảnh, định hướng tiêu dùng mà Thương vụ Việt Nam đã triển khai tại Pháp, các sản phẩm của Việt Nam đang dần tìm được chỗ đứng và được người tiêu dùng bản địa biết đến. Việt Nam đã nỗ lực để có thể tham gia vào các khâu có giá trị gia tăng cao trong chuỗi giá trị toàn cầu với nhiều sản phẩm đạt giá trị xuất khẩu cao như cà phê, gạo, hoa quả và từng bước, tiếp cận được với hệ thống bán lẻ ở nước ngoài thông qua các chuỗi cung ứng của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Với quá trình thực thi EVFTA, Pháp, cũng như châu Âu, đang tìm cách đa dạng hóa nguồn cung, đầu tư sản xuất và Việt Nam là một trong những điểm đến tiềm năng của các nhà đầu tư Pháp cũng như EU.

Việc xây dựng, định vị thương hiệu là hết sức quan trọng

Theo chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành, để thúc đẩy xuất khẩu thì việc xây dựng thương hiệu rất quan trọng. Xây dựng thương hiệu hay nói cách khác là để thị trường biết đến sản phẩm của mình là do công tác xúc tiến thương mại, truyền thông marketing qua nhiều kênh khác nhau như hội chợ, triển lãm, tiếp thị bằng công nghệ số…

Ngoài ra, không chỉ có xây mà còn phải biết bảo vệ, duy trì thương hiệu của mình. Như vậy, xây dựng thương hiệu không chỉ là truyền bá thông thông tin, mà còn phải biết cách làm sao để thị trường hiểu một cách sâu sắc quá trình làm ra sản phẩm, thể hiện được các giá trị thuyền thống và tương lai hướng tới của sản phẩm…

Bên cạnh đó, để xây dựng thương hiệu cần đáp ứng được các đòi hỏi, tiêu chí mới đang trở thành xu hướng của thị trường như xanh, sạch, an toàn, nhân văn và thậm chí từng thị trường ngách còn đòi hỏi cá tính, nét đặc trưng của hàng hóa, sản phẩm. Theo đó, doanh nghiệp, ngành hàng phải quan tâm, chú trọng.

Thời gian tới, để doanh nghiệp tận dụng EVFTA tốt hơn, cũng như thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Pháp nhiều hơn, không chỉ Bộ Công Thương mà các Bộ ngành khác cần chung tay, đồng hành xây dựng, tạo môi trường kinh doanh, đầu tư thuận lợi. Đặc biệt, cần ban hành các cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh phù hợp, triển khai các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp cải thiện năng lực cạnh tranh trên "sân chơi" kinh tế thế giới một cách cụ thể, thiết thực và phù hợp.

Hỗ trợ doanh nghiệp tăng cơ hội tiếp cận thị trường Pháp

Pháp vốn là một thị trường lớn và tiềm năng và nhất là khi EVFTA có hiệu lực, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội và điều kiện để tham gia sâu vào hệ thống bán hàng và phân phối của Pháp. Vì vậy, trong giai đoạn tới, Thương vụ Việt Nam tại Pháp sẽ tiếp tục chủ động phối hợp với các cơ quan trong nước và Pháp, đặc biệt là các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam tiếp cận thị trường Pháp theo các hình thức khác nhau phù hợp với tiêu chí đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường Pháp. Tập trung quảng bá cho hàng hóa Việt Nam thông qua các chương trình xúc tiến thương mại tại các hội chợ triển lãm và các hệ thống siêu thị của Pháp.

Ngoài ra, Thương vụ sẽ tập trung khai thác những cơ hội và tìm kiếm các đối tác tiềm năng cho các doanh nghiệp Việt Nam có nhu cầu phát triển các mặc hàng mới có khả năng cạnh tranh cao tại thị trường Pháp. Trước mắt, tổ chức kết nối các doanh nghiệp Việt Nam đang kinh doanh tại thị trường Pháp với các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam để tìm phương hướng hợp tác kinh doanh; tận dụng các lợi thế pháp nhân của doanh nghiệp Pháp do người Việt Nam tại Pháp đang kinh doanh kết hợp với hàng hóa sản xuất trong nước phù hợp với thị hiếu và thói quen của người tiêu dùng Pháp nói riêng và của EU nói chung.

Thương vụ cũng sẽ nghiên cứu thúc đẩy sử dụng kho ngoại quan hàng hóa liên kết với các hệ thống siêu thị tại Pháp để đề xuất doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng xúc tiến thành lập/liên kết với pháp nhân tại Pháp; tận dụng mạng lưới người Việt đông đảo tại đây để hỗ trợ xuất khẩu của Việt Nam với đích là tiêu thụ hàng hóa trực tiếp tại siêu thị và các cửa hàng bán lẻ của Pháp. Cùng với đó, Thương vụ sẽ thông qua các diễn đàn doanh nghiệp, website, facebook cung cấp đủ thông tin để định hướng doanh nghiệp có sự chuẩn bị tốt hơn nữa khi tiếp cận thị trường và đối tác Pháp.

Thanh Mai (T/h)

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu