13:41 ngày 24/11/2024 | HOTLINE : 0983.883.366 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666
DÒNG SỰ KIỆN

Hoa Kỳ luôn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam nhiều năm qua

BÍCH HẠNH | 14:00 12/11/2023

(THPL) - Những năm qua, Mỹ luôn duy trì là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, trong khi Việt Nam trở thành đối tác thương mại lớn thứ 7 của Mỹ, đồng thời là đối tác thương mại lớn nhất trong khu vực ASEAN.

Theo số liệu thống kê của Bộ Công Thương, kim ngạch thương mại song phương giữa Việt Nam và Mỹ tăng bình quân khoảng 16%/năm, tăng hơn 550% từ 21,8 tỷ USD năm 2011 lên hơn 123 tỷ USD năm 2022. Tính từ khi bình thường hóa quan hệ năm 1995 đến nay, tăng trưởng thương mại hai nước đã tăng 360 lần, từ 450 triệu USD năm 1995 lên mức hơn 123 tỷ USD năm 2022.

Theo thống kê, kim ngạch thương mại song phương 10 tháng đầu năm 2023 của hai nước đạt hơn 90,1 tỷ USD, trong đó xuất khẩu đạt hơn 78,6 tỷ USD, nhập khẩu đạt 11,5 tỷ USD. Năm 2023, Mỹ là nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ 11/108 nước đầu tư tại Việt Nam với hình thức đầu tư đa dạng (khoảng 1.200 dự án, tổng vốn đạt gần 11,4 tỷ USD).

Trong năm 2023, nhiều tập đoàn lớn của Mỹ tỏ quan tâm đầu tư mới hoặc lên kế hoạch mở rộng, tăng vốn đầu tư tại Việt Nam. Đơn cử như Tập đoàn P&G dự kiến đầu tư thêm 100 triệu USD để mở rộng dây chuyền sản xuất nhà máy Bến Cát, AES dự kiến đầu tư vào phát triển năng lượng tái tạo; nhiều bang của Mỹ cho biết thời gian tới sẽ tăng cường hợp tác trên các lĩnh vực sản xuất linh kiện ô tô.

Hiện Việt Nam và Mỹ luôn duy trì trao đổi thường xuyên để tăng cường hợp tác và thảo luận về triển vọng mở rộng hợp tác trong các lĩnh vực mới mà mỗi bên có nhu cầu, trong đó có ngành bán dẫn. Hai bên cũng đối thoại thẳng thắn, thực chất và xây dựng để giải quyết các vấn đề và vụ việc tồn đọng trong quan hệ thương mại.

Thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục thúc đẩy trao đổi với Mỹ, đề nghị khả năng áp dụng cơ chế ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP) dành cho Việt Nam, giúp cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam được đối xử công bằng hơn, tương tự như các đối tác chiến lược của Mỹ hiện đang được hưởng, mang lại lợi ích chính đáng cho cộng đồng doanh nghiệp hai nước.

Mỹ luôn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Ảnh minh hoạ

Trước đó khi nhắc đến Mỹ, nhiều chuyên gia nhận định, với kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản sang Mỹ lên đến gần 14 tỷ USD trong năm 2022 đã cho thấy đây là thị trường tiềm năng để nông sản Việt tăng tốc xuất khẩu trong nhiều năm tới. Song hành với đó là các hoạt động đàm phán để mở cửa thị trường cho một số loại trái cây chất lượng cao của Việt Nam vẫn đang tiếp tục thực hiện.

Tuy nhiên, trước chính sách bảo hộ của Mỹ ngày một tăng, các nhà xuất khẩu Việt Nam cần lưu ý những vụ việc điều tra chống bán phá giá, lưu trữ hồ sơ hàng hóa xuất khẩu. Thị trường Mỹ ngày càng quan tâm nhiều đến các vấn đề an toàn cho người tiêu dùng, phát triển bền vững, chống biến đổi khí hậu. Đây là tiền đề để dựng lên những tiêu chuẩn mới, quy định mới liên quan đến chuỗi cung ứng, nguyên liệu sạch.

Cũng đánh giá về thị trường Mỹ, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Mỹ Đỗ Ngọc Hưng cho biết, với quy mô dân số hơn 333 triệu người cùng sức mua lớn, lại đang trong giai đoạn phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch, Mỹ là thị trường tiềm năng với hàng hóa Việt Nam. Nhu cầu và tập quán tiêu dùng phong phú theo thu nhập, đặc trưng văn hóa và vùng miền tạo nên dư địa lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam khai thác thị trường Mỹ.

Ngoài ra, lực lượng người Việt đông đảo ở Mỹ chính là cầu nối, là nhóm khách hàng quan trọng của hàng hóa Việt Nam. Tuy nhiên theo các chuyên gia, đây cũng là thị trường khó tính với các yêu cầu cao về an toàn vệ sinh thực phẩm, các rào cản kỹ thuật về lao động, môi trường…Bên cạnh đó, hàng Việt còn phải cạnh tranh gay gắt với hàng hóa sản xuất tại Mỹ cũng như sản xuất tại các nước châu Á, Nam Mỹ, thậm chí là châu Phi.

Để chiếm lĩnh thị trường Mỹ, ông Đỗ Ngọc Hưng khuyến nghị, doanh nghiệp cần nắm bắt tính đa dạng và cởi mở trong văn hóa Mỹ. Đồng thời, cần nâng cao hơn nữa chất lượng và hàm lượng kỹ thuật trong các sản phẩm, chú trọng tính hợp pháp, sự an toàn, thân thiện với môi trường; đánh giá thường xuyên các nguy cơ về cạnh tranh không lành mạnh để hạn chế rủi ro về phòng vệ thương mại.

Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải, để hiện thực hóa tiềm năng phát triển thương mại, đầu tư giữa Việt Nam và Mỹ, hai bên cần tăng cường kết nối, bảo đảm tính liên tục trong hoạt động của các chuỗi cung ứng, tránh những tác động tiêu cực đến các ngành sản xuất. Đồng thời, cần phát huy cơ chế đối thoại chính sách của Hội đồng Thương mại và Đầu tư Việt Nam - Mỹ để kiến tạo khung khổ pháp lý thuận lợi, thúc đẩy trao đổi thương mại, đầu tư và kịp thời giải quyết những khó khăn phát sinh trong lĩnh vực kinh tế, thương mại.

BÍCH HẠNH

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu