18:06 ngày 19/07/2024 | HOTLINE : 0911.344.555 | Email: bbt.thpl@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666

DÒNG SỰ KIỆN

Những giải pháp để doanh nghiệp tận dụng tối đa Hiệp định EVFTA

15:14 19/07/2024

(THPL) - Hiện Bộ Công Thương đang chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương và hiệp hội ngành hàng liên quan xây dựng hệ sinh thái hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng tối đa các FTA, trong đó có EVFTA.

Theo Cục Xuất nhập khẩu – Bộ Công Thương, Hiệp định EVFTA có hiệu lực đối với Việt Nam kể từ ngày 1/8/2020 đã giúp hàng hóa Việt Nam tận dụng tốt cơ hội tiếp cận và thâm nhập thị trường EU, nâng cao năng lực cạnh tranh thông qua ưu đãi thuế quan, hưởng thuế suất ưu đãi từ Hiệp định.

Kể từ khi EVFTA có hiệu lực, gạo là một trong những mặt hàng tận dụng tốt nhất các ưu đãi thuế quan với tỷ lệ sử dụng giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) đạt xấp xỉ 100%. 

Năm 2023 vừa qua, tỷ lệ sử dụng Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) mẫu EUR.1 là 35,2% kim ngạch xuất khẩu, tương đương kim ngạch xuất khẩu sử dụng C/O là 15,4 tỷ USD, tăng 26,1% so với năm 2022.

Một số nhóm hàng có tỷ lệ sử dụng ưu đãi C/O mẫu EUR.1 rất tốt như thủy sản (89,2%), rau quả (88,3%), gạo (tận dụng hết hạn ngạch 80.000 tấn gạo EU dành cho Việt Nam hàng năm). Giày dép - một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang thị trường EU với kim ngạch xuất khẩu 4,8 tỷ USD có tỷ lệ cấp C/O ưu đãi EUR.1 lên tới gần 100%.

Quý I/2024, tỷ lệ sử dụng C/O mẫu EUR.1 là 34,3%. Kết quả trên cho thấy EVFTA đã bước đầu phát huy hiệu quả của một Hiệp định thực chất và được kỳ vọng cao, nhưng đây vẫn là một Hiệp định còn nhiều dư địa để khai thác.

Tận dụng EVFTA, đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa sang EU. Ảnh minh hoạ

EU là một khu vực thị trường áp dụng những tiêu chuẩn rất cao đối với sản phẩm nhập khẩu, nhưng đồng thời đây cũng là một khu vực thị trường có nhiều dư địa phát triển cho các sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam.

Thời gian tới, để tận dụng tối đa hiệu quả Hiệp định EVFTA mang lại và khai thác hết các cam kết liên quan đến xuất xứ hàng hoá, Cục Xuất nhập khẩu cho biết sẽ phối hợp với các đơn vị chức năng trong Bộ Công Thương và các Thương vụ Việt Nam tại EU triển khai một số giải pháp sau:

Tiếp tục phối hợp rà soát trao đổi với phía EU các nội dung cam kết trong Hiệp định và cập nhật, điều chỉnh phù hợp các văn bản quy phạm pháp luật nội luật hoá cam kết trong Hiệp định.

Phối hợp theo dõi sát thị trường để kịp thời cung cấp thông tin cho các cơ quan quản lý khi thấy có dấu hiệu bất thường về gian lận xuất xứ hàng hoá, tránh để các ngành sản xuất - xuất khẩu trong nước bị liên lụy và bị ảnh hưởng bởi các biện pháp phòng vệ thương mại tại thị trường nhập khẩu.

Theo dõi sát tình hình hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp cũng như quan hệ thương mại giữa Việt Nam và các đối tác để có thể cân nhắc các nội dung đàm phán liên quan đến xuất xứ hàng hoá cho các sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam.

Tiếp tục đàm phán thực thi về nội dung Chương quy tắc xuất xứ hàng hoá với phía EU để điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp Việt Nam đàm phán (như nội dung về cộng gộp xuất xứ, hạn mức linh hoạt áp dụng cho sản phẩm dệt may,…).

Để tăng cường xuất khẩu hàng hoá sang EU, các cơ quan thương vụ cần tiếp tục hỗ trợ cho các doanh nghiệp về công tác thông tin thị trường, nhu cầu tiêu thụ, các quy định, tiêu chuẩn, quy tắc xuất xứ hàng hoá của từng thị trường cụ thể để các thương nhân xuất khẩu chủ động xây dựng kế hoạch, phương án tiếp cận thị trường đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng được hưởng ưu đãi thuế quan sang EU.

Trong thời gian tới, Cục Xuất nhập khẩu sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng trong Bộ và các cơ quan Thương vụ tại khu vực EU nhằm kịp thời giải quyết những vướng mắc về việc cho hưởng ưu đãi thuế quan, thời gian xét cho hưởng ưu đãi, chống gian lận về xuất xứ. Đồng thời, tăng cường tuyên truyền, phổ biến các quy định mới, cập nhật về quy tắc xuất xứ mà hàng hoá xuất khẩu cần đáp ứng để hưởng ưu đãi thuế quan, góp phần nâng cao tỷ lệ tận dụng C/O ưu đãi của Hiệp định EVFTA.

Trước đó, nhận định cơ hội và dư địa tận dụng EVFTA là rất lớn, đại diện Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) cho rằng, để doanh nghiệp có thể hiện thực hóa tư duy định vị vào thị trường EU, các địa phương cần có định hướng rõ ràng về ngành hàng và thị trường trọng điểm cho các doanh nghiệp. Cùng với quan tâm công tác tuyên tuyền, các chính sách hỗ trợ cũng cần cụ thể hơn và quyết liệt vào cuộc tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Về giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp lâu dài, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, theo sự chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công Thương đang chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương và hiệp hội ngành hàng liên quan xây dựng hệ sinh thái hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng FTA, trong đó có EVFTA.

Thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tổ chức nhiều buổi tọa đàm để trao đổi với các cơ quan quản lý của các địa phương, lãnh đạo doanh nghiệp theo từng ngành hàng trọng điểm của từng địa phương để trao đổi hai chiều. Một mặt cập nhật các quy định và định hướng mới trong việc tận dụng FTA, mặt khác lắng nghe chia sẻ từ các doanh nghiệp, ngành hàng để xây dựng các ngành xuất khẩu chủ lực bền vững cũng như liên kết giữa các địa phương có cùng ngành hàng.

Khuyến cáo doanh nghiệp về nhóm giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu sang EU, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập (VCCI) Nguyễn Thị Thu Trang lưu ý, hiện nay, việc gia tăng các tiêu chuẩn xanh, phát triển bền vững là xu hướng tất yếu trên toàn cầu, không riêng tại thị trường EU.

Nỗ lực xanh hóa sản xuất, cũng như thực hiện các trách nhiệm xã hội, bảo vệ môi trường cần được chú trọng và đẩy mạnh hơn nữa. Theo đó, doanh nghiệp Việt cần đổi mới công nghệ, đầu tư dây chuyền máy móc hiện đại, hệ thống xử thải theo tiêu chuẩn quốc tế, hướng đến các tiêu chí sản xuất xanh, sạch, thân thiện môi trường và đảm bảo các điều kiện cho người lao động.

“Các doanh nghiệp trong nước cần đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật, các quy chuẩn thực hành tốt trong sản xuất, tăng cường chế biến sâu để gia tăng giá trị sản phẩm và sức cạnh tranh. Đồng thời, tăng cường hợp tác, liên kết chuỗi, xây dựng vùng nguyên liệu tập trung nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm; chú trọng xây dựng và phát triển thương hiệu” – bà Nguyễn Thị Thu Trang nhấn mạnh.

Tuấn Linh (t/h)

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu