01:36 ngày 05/01/2025 | HOTLINE : 0983.88.33.66 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 090.1111.388
DÒNG SỰ KIỆN

Những thách thức và cơ hội của ngành sản xuất công nghệ cao tại Việt Nam

09:58 02/01/2025

(THPL) - Hiện nay, ngành sản xuất trong nước đang vươn lên với sự xuất hiện mạnh mẽ của các ngành công nghệ cao như điện tử, xe điện... Sự phát triển này đã thu hút chú ý của nhiều tập đoàn đa quốc gia, tạo nên một làn sóng đầu tư mới vào Việt Nam.

Ngành sản xuất có bước tiến vượt bậc, khẳng định vị thế mới

Theo tờ South China Morning Post, trong những năm gần đây, ngành sản xuất của Việt Nam đã có những bước tiến vượt bậc, khẳng định vị thế mới trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Nếu trước đây, Việt Nam chủ yếu được biết đến như một quốc gia xuất khẩu các sản phẩm nông sản, nội thất và may mặc, thì hiện nay, ngành sản xuất trong nước đang vươn lên với sự xuất hiện mạnh mẽ của các ngành công nghệ cao như điện tử, xe điện... Sự phát triển này đã thu hút chú ý của nhiều tập đoàn đa quốc gia, tạo nên một làn sóng đầu tư mới vào Việt Nam.

Một trong những minh chứng rõ ràng nhất cho sự tiến bộ này là ngành điện tử. Theo đó, tập đoàn Samsung của Hàn Quốc hiện đặt các nhà máy lớn ở cả Trung Quốc và Việt Nam, xuất ra thị trường thế giới hàng triệu điện thoại thông minh mỗi năm. Theo các nhà phân tích, chất lượng sản phẩm của các nhà máy này không có sự khác biệt.

“Nói về chất lượng, thiết bị Samsung sản xuất tại Việt Nam hoàn toàn giống với chất lượng thiết bị sản xuất ở Trung Quốc”, ông Lam Nguyen, Giám đốc nghiên cứu tại công ty nghiên cứu thị trường IDC nhận xét.

Ngành sản xuất của Việt Nam đã có những bước tiến vượt bậc, khẳng định vị thế mới trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Ảnh minh họa

“Hàng hóa sản xuất tại Việt Nam có sự tiến bộ đáng kinh ngạc về chất lượng, tính cạnh tranh giá và khả năng cung ứng”, ông Alberto Vettoretti, quản lý tại công ty tư vấn doanh nghiệp Dezan Shira & Associates, nhận xét.

Nhìn từ ví dụ Samsung có thể thấy các mặt hàng xuất khẩu được tiêu chuẩn hóa - như hàng điện tử, ô tô và quần áo thương hiệu - thường ít khi có sự khác biệt về chất lượng. Bởi lẽ, những tập đoàn đa quốc gia như Samsung thường yêu cầu hiệu quả sản xuất tương đương ở các nhà máy đặt tại các quốc gia khác nhau.

“Để cạnh tranh trên một thị trường như vậy, các nhà máy sẽ phải tuân thủ các tiêu chuẩn chất lượng cao nhất”, ông Zach Herbers, Giám đốc điều hành công ty tư vấn Herbers Agency tại TP.HCM phát biểu.

Việt Nam cũng ghi nhận sự phát triển vượt bậc của các ngành công nghiệp khác. Ngành nội thất Việt Nam nổi bật với hệ sinh thái sản xuất hoàn chỉnh, giá thành nguyên liệu thấp, đặc biệt là gỗ nội địa. Điều này đã giúp Việt Nam trở thành một điểm đến thu hút các công ty quốc tế như Ikea.

Ngành nông sản của Việt Nam, với các mặt hàng nổi bật như cà phê, hạt điều, cũng đã có những bước tiến lớn, không chỉ chiếm lĩnh thị trường trong nước mà còn vươn ra thế giới. Cà phê Việt Nam, với chất lượng ngày càng được nâng cao, đã tạo dựng được chỗ đứng vững chắc trong lòng người tiêu dùng toàn cầu.

Thêm vào đó, các ngành sản xuất giày dép và may mặc tại Việt Nam cũng đã tạo dựng được danh tiếng về giá cả cạnh tranh và quy trình sản xuất hiệu quả. Các thương hiệu lớn như Nike và Patagonia hiện đang đặt hàng tại các nhà máy Việt Nam, chứng tỏ năng lực sản xuất của đất nước này không chỉ dừng lại ở những sản phẩm giá rẻ mà còn có thể đáp ứng những yêu cầu cao về chất lượng.

Ngành sản xuất còn phải đối mặt với một số thách thức lớn

Mặc dù các sản phẩm điện tử tại Việt Nam đã đạt được chất lượng tốt, nhưng các nhà phân tích vẫn chỉ ra rằng vẫn còn khoảng cách so với các quốc gia có thế mạnh trong sản xuất hàng điện tử, đặc biệt là về khả năng kiểm soát chất lượng và sự đồng nhất.

Theo ông Alberto Vettoretti, quản lý tại Công ty Tư vấn doanh nghiệp Dezan Shira & Associates, Việt Nam đang đứng trước thách thức lớn trong việc nâng cao khả năng kiểm soát chất lượng đối với những sản phẩm cao cấp. "Chất lượng thiếu nhất quán có thể ảnh hưởng tới độ tin cậy và độ bền của một số sản phẩm, khiến Việt Nam kém cạnh tranh hơn so với các quốc gia đi đầu trong ngành sản xuất hàng điện tử", ông Vettoretti nhận định.

Để giải quyết vấn đề này, các doanh nghiệp Việt Nam cần tiếp tục đầu tư vào công nghệ sản xuất, đồng thời cải thiện quy trình kiểm soát chất lượng, đảm bảo sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế. Ngoài ra, Việt Nam cũng phải đối mặt với các thách thức trong việc duy trì ổn định chuỗi cung ứng và nâng cao hạ tầng logistics.

Trong các giai đoạn cao điểm, việc vận chuyển hàng hóa có thể gặp khó khăn và thiếu ổn định, ảnh hưởng đến tiến độ sản xuất và khả năng cung ứng. Để giải quyết vấn đề này, Việt Nam cần đẩy mạnh đầu tư vào cơ sở hạ tầng và cải thiện hệ thống logistics, tạo điều kiện thuận lợi cho việc vận chuyển hàng hóa cả trong và ngoài nước.

Dù Việt Nam đang chuyển dịch dần sang các ngành sản xuất có giá trị gia tăng cao, nhưng nguồn lao động tay nghề cao vẫn là một yếu tố hạn chế. Các công ty cần nhiều kỹ sư, kỹ thuật viên và công nhân có tay nghề để đáp ứng yêu cầu của các ngành công nghiệp công nghệ cao.

"Việt Nam cần phải đào tạo thêm nhiều lao động tay nghề cao nếu muốn nhanh chóng trở thành một trung tâm sản xuất hàng cao cấp", ông Zach Herbers - Giám đốc điều hành Công ty Herbers Agency tại TP. Hồ Chí Minh  cho biết.

Tuy nhiên, Việt Nam đang ở vị thế thuận lợi để nắm bắt cơ hội phát triển trong ngành sản xuất. Các bước tiến trong chất lượng sản phẩm, khả năng cạnh tranh giá cả và sự nâng cao tiêu chuẩn sản xuất sẽ tiếp tục giúp Việt Nam thu hút thêm nhiều nhà đầu tư nước ngoài và mở rộng thị trường xuất khẩu.

Nếu giải quyết được những thách thức trên, Việt Nam hoàn toàn có thể trở thành một trong những trung tâm sản xuất hàng hóa chất lượng cao của khu vực và thế giới trong tương lai gần.

Việt Nam hướng tới mục tiêu trở thành nước thu nhập cao vào năm 2045

Tại Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai tổng kết việc thực hiện Nghị quyết 18-NQ/TW diễn ra vào cuối năm 2024, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh đến việc phải đổi mới tư duy, bứt phá và vượt lên chính mình để đẩy nhanh tốc độc tăng trưởng kinh tế. Đặc biệt, để vươn tới mục tiêu trở thành nước có thu nhập trung bình cao cho người dân vào năm 2030 và thu nhập cao vào năm 2045, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam phải đạt hai con số liên tục trong những năm tiếp theo.

Đây là một bài toán rất khó mà chúng ta phải làm” - Tổng Bí thư Tô Lâm thừa nhận và cho rằng, để giải quyết "bài toán" này, Ban chấp hành Trung ương Đảng, Chính phủ, Quốc hội đang tập trung giải quyết những “điểm nghẽn” và tạo ra những yếu tố nền tảng để đất nước có thể "cất cánh", nhất là các vấn đề liên quan đến cơ sở hạ tầng như hệ thống giao thông, hạ tầng năng lượng, nguồn nhân lực, cơ sở vật chất, cải cách thể chế, thủ tục hành chính...

Trong khi đó, tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 12/2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng đặt ra yêu cầu với các bộ, ngành, địa phương cần nỗ lực để đạt mục tiêu tăng trưởng trên 7% trong năm 2024 và khoảng 8% trong năm 2025. Từ đó, tạo đà, tạo lực, tạo thế cho giai đoạn 2026-2030 Việt Nam đạt mức tăng trưởng 2 con số, để thực hiện các mục tiêu chiến lược đến năm 2030 kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng và năm 2045 kỷ niệm 100 năm thành lập nước.

Để đạt được mục tiêu đã đề ra, Thủ tướng Chính phủ nêu rõ: Bối cảnh, nhiệm vụ đòi hỏi các thành viên Chính phủ, các bộ trưởng, trưởng ngành, thủ trưởng các cơ quan, các cấp, ngành, địa phương phải có tư duy đổi mới, đột phá với quyết tâm cao hơn, nỗ lực lớn hơn, hành động quyết liệt hơn, có trọng tâm, trọng điểm hơn, tổ chức thực hiện kịp thời, linh hoạt, hiệu quả với tinh thần "dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung"; "đã nói là làm, đã cam kết là phải thực hiện; đã làm, đã thực hiện là phải có hiệu quả”…

Tuấn Kiệt (t/h)

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu