22:34 ngày 05/01/2025 | HOTLINE : 0983.88.33.66 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 090.1111.388
DÒNG SỰ KIỆN

Giữ "lửa nghề" làng rèn thủ công Pác Rằng ở Cao Bằng

13:17 02/01/2025

THPL - Không chỉ có lịch sử cả nghìn năm về nghề rèn, làng Pác Rằng (xã Phúc Sen, huyện Quảng Uyên, tỉnh Cao Bằng) còn được mệnh danh là một trong những làng rèn thủ công lớn nhất miền Bắc.

Làng rèn Pác Rằng cách thành phố Cao Bằng khoảng 30km, dọc Quốc lộ 3 theo hướng đi Cửa khẩu quốc gia Tà Lùng. Đây là một làng ở vùng cao của đồng bào dân tộc Nùng, có 420 hộ với khoảng 2.000 người.

Người dân xã Phúc Sen vốn lấy sản xuất nông nghiệp làm chính, nhưng cũng nổi tiếng khéo tay với nhiều nghề thủ công truyền thống như làm giấy, dệt vải thổ cẩm, đục đá…và đặc biệt có nghề rèn thủ công truyền thống nổi tiếng cả nước. Hầu như cả xã Phúc Sen đều làm nghề rèn, tập trung đông ở làng Pác Rằng.

Người Nùng An ở Phúc Sen có những bí quyết riêng, nguyên liệu rèn dao chủ yếu từ nhíp ô tô phế liệu.

Ngay khi đặt chân tới đầu bản, chúng tôi bị thu hút bởi âm thanh vang dội, nhịp nhàng từ tiếng quai búa nện xuống kim loại và tiếng xì xèo của những thanh sắt nóng đỏ được nhúng vào nước lạnh. Đây chính là hoạt động quen thuộc của nghề rèn truyền thống hay còn gọi là “linh hồn” của Pác Rằng.

Trong khi hầu hết các làng nghề truyền thống đang dần bị mai một và có nguy cơ bị thất truyền vì có quá nhiều các ngành công nghiệp hiện đại với mức thu nhập cao được ra đời, thì tại nơi bình yên này, những đôi tay rắn chắc của nam thanh niên và các cụ già vẫn cứ đỏ lửa ngày đêm giữ cái nghề truyền thống mà ông cha để lại.

Dao của Phúc Sen tuy không có hình thức đẹp nhưng lại nức tiếng về độ bền và sắc.

Theo người dân địa phương kể lại, tương truyền xưa kia vùng núi này đất đá khô cằn nên không trồng được cây gì. Đồng bào chỉ săn bắn hái lượn, ăn rau rừng nên cái đói, cái nghèo cứ đeo đám mãi. Một hôm có ông cụ ngoại hình khắc khổ tới làng nhưng lại rất tinh tường về kỹ thuật rèn dao, búa. Ông thấy người dân cơ cực nên đã truyền lại nghề. Kể từ đó Phúc Sen hình thành làng nghề đỏ lửa. Nhờ nghề rèn nên cuộc sống của đồng bào trở lên sung túc.

Các sản phẩm của làng rèn được bà con trong vùng ưa chuộng tới mức có câu ví rằng: “Dao của Phúc Sen chặt vào cây, cây ngã rầm rầm, đụng vào đất đá, đất đá bật tung”.

Lò nung thép được làm bằng đá, dùng nồi rơm và trấu làm chất liệu xây lò. 

Điều đặc biệt khiến ai đến đây cũng phải ngạc nhiên đó là mỗi sản phẩm họ làm ra có giá thành rất rẻ, cao nhất chỉ khoảng 100 ngàn đồng, mua nhiều còn rẻ hơn, thế nhưng để làm ra một sản phẩm thì lại tốn rất nhiều công sức và thời gian.

Theo đó, nguồn vật liệu được lựa chọn phải là thép tốt từ những thanh nhíp ô tô cũ. Sau khi nung qua lửa cho vừa độ sẽ dùng búa gõ đều tay, rồi lại dàn, tôi và nhúng nước trong liên tục 90 phút để tạo thành những lưỡi dao mỏng tang, bóng loáng nhưng lại cực kỳ sắc bén, có thể chặt xương hay chặt đinh cũng chẳng có lấy một miếng sứt mẻ trên dao.

Người ta ví nghề rèn là tổng hợp của tất cả mọi giác quan. Thợ rèn phải dùng tay, dùng sức, sự cảm nhận, đặc biệt là sự nhạy bén của đôi mắt, trên tất cả người thợ rèn phải có cái tâm thì dao mới bền sắc. Có người chỉ học một tháng nhưng cũng có người học cả 5 năm, 10 năm không thành.

Với người dân Pác Rằng, nghề rèn không đơn giản chỉ là nguồn kiếm sống mà còn là nét văn hóa truyền thống quý giá và niềm tự hào lớn, ai không biết rèn thì coi như chưa phải là đàn ông trong bản. Vì vậy, nó sẽ vẫn còn được bảo tồn mãi ngàn đời sau. 

Theo những người thợ lâu năm trong làng, nghề rèn thủ công ở Phúc Sen hầu như không có công thức mà chủ yếu nhờ vào sự cảm nhận tinh tế của đôi tai, đôi mắt cũng như kinh nghiệm của người thợ. Đối với từng loại thép, người thợ sẽ nhìn ánh thép màu xanh, trắng hoặc vàng để biết được độ già hoặc non của thép mà có cách tôi cho phù hợp.

Thu nhập bình quân của mỗi lao động là khoảng 250.000đ/người/ngày.

Với cách rèn dao ở nơi khác họ sẽ hình thành phần chuôi trước rồi mới đến phần lưỡi. Tuy nhiên người Pác Rằng thì ngược lại, khi nào rèn phần lưỡi ưng ý thì họ mới trau chuốt đến phần chuôi. Người Pác Rằng quan niệm, hình dáng của dao không quan trọng mà quan trọng là ở chất lượng của dao. Hình dáng thì có thể sửa được nhưng độ sắc thì chỉ rèn được một lần. Để học được nghề rèn, người thợ phải có sức khỏe, có cảm nhận tinh tế của đôi tai.

Người thợ rèn ở Phúc Sen dùng mắt để phân biệt độ già hay non của phôi thép. 

Công việc rèn dao, búa… của người Phúc Sen diễn ra suốt bốn mùa trong năm. Vào mùa đông lạnh giá, việc rèn dao búa trở nên đông vui, đoàn kết và ấm cúng hơn rất nhiều.

Có thể nói rằng, các sản phẩm của làng rèn không chỉ là những sản phẩm dùng cho cuộc sống thường ngày mà nó đã trở thành một "sản phẩm văn hóa phi vật thế" của người dân nơi đây.

Giai đoạn cho nguyên liệu vào lò lung để tạo hình sản phẩm là giai đoạn quan trọng nhất và chỉ có người thợ cả mới cảm nhận được, vì mắt nhìn không chuẩn sản phẩm sẽ bị dẻo do nung còn non hoặc giòn do nung quá già.

Trải qua cả nghìn năm lịch sử, Phúc Sen là một làng nghề độc đáo được đồng bào Nùng An gìn giữ, phát triển, qua đó góp phần bảo tồn, phát huy giá trị bản sắc dân tộc.

Phải yêu nghề thế nào thì người bản Pác Rằng mới có thể kiên trì giữ nghề đến thế, để rồi họ đã được đền đáp xứng đáng khi mà dao Phúc Sen đã trở nên cực kỳ nổi tiếng, du khách nào đến đây cũng ghé thăm và mua về làm quà.

Đỗ Tuấn - Khổng Chí

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu