11:15 ngày 24/11/2024 | HOTLINE : 0983.883.366 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666
DÒNG SỰ KIỆN

Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo thu hút hơn 23 tỷ USD vốn FDI trong năm 2023

Tú Chi (T/h) | 16:24 10/01/2024

(THPL) - Dù gặp không ít khó khăn, song sản xuất công nghiệp của Việt Nam năm 2023 vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng so với năm trước, quy mô sản xuất công nghiệp tiếp tục được mở rộng.

Theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH&ĐT) cho biết, năm 2023, Việt Nam thu hút 1.075 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài mới đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, với tổng vốn đăng ký đạt trên 15,85 tỷ USD, cùng với đó là 691 lượt dự án điều chỉnh vốn, với tổng vốn đăng ký trên 6,11 tỷ USD.

Trong năm 2023, lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo ghi nhận 529 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài, với tổng vốn đăng ký 1,38 tỷ USD. Tính chung năm 2023, lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo thu hút được trên 23,5 tỷ USD vốn FDI, chiếm 64,2% tổng vốn FDI đăng ký vào Việt Nam và tăng 39,3% so với năm 2022.

Với kết quả trên, công nghiệp chế biến, chế tạo trở thành ngành thu hút vốn FDI lớn nhất trong tổng số 18 ngành kinh tế có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài.

Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo thu hút hơn 23 tỷ USD vốn FDI trong năm 2023. Ảnh minh hoạ

Theo Cục Đầu tư nước ngoài, xét về số lượng dự án mới, công nghiệp chế biến chế tạo cũng là ngành dẫn đầu về số dự án, chiếm 33,7% và điều chỉnh vốn, chiếm 54,8%. Điều này càng chứng tỏ, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo của Việt Nam có sức hấp dẫn lớn đối với nhà đầu tư nước ngoài.

Tính đến cuối năm 2023, Việt Nam đã thu hút được 16.875 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài vào lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo, với tổng số vốn đăng ký đạt 283,026 tỷ USD, dẫn đầu trong tổng số 19 ngành có dự án FDI đầu tư. Như vậy, trong một thời gian dài, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo luôn trở thành ngành dẫn đầu trong thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài.

Nguyên nhân khiến lĩnh vực này hấp dẫn đầu tư nước ngoài là bởi Việt Nam có lợi thế về nguồn lao động, ổn định chính trị và tiến trình hội nhập kinh tế, quốc tế sâu rộng. Việc FDI tập trung nhiều vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo cũng mở ra cơ hội cho doanh nghiệp và ngành công nghiệp của Việt Nam.

Trước đó, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên từng nhận định: “Một trong những điểm sáng của sản xuất công nghiệp là ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, đây cũng là ngành quyết định chủ yếu đến tốc độ tăng trưởng toàn ngành công nghiệp, tạo ra giá trị gia tăng lớn nhất cho khu vực công nghiệp và là động lực chính trong tăng trưởng kinh tế của đất nước trong nhiều năm qua, góp phần cùng với cả nước thực hiện thắng lợi phát triển kinh tế - xã hội”.

Năm 2024 là năm có ý nghĩa quyết định đến kết quả thực hiện các mục tiêu Kế hoạch 5 năm (2021-2025) trong bối cảnh được dự báo tiếp tục có nhiều khó khăn, thách thức, tiềm ẩn nhiều yếu tố bất định, rủi ro.

Trong bối cảnh đó, để ngành công nghiệp đặc biệt là công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục phát huy vai trò trụ đỡ tăng trưởng kinh tế, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, Bộ Công Thương sẽ chú trọng đổi mới, nâng cao chất lượng công tác thể chế; trước mắt, tập trung hoàn thiện, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt các Kế hoạch thực hiện 04 Quy hoạch ngành quốc gia về năng lượng, khoáng sản; khẩn trương tham mưu xây dựng, sửa đổi, bổ sung các Luật, Nghị định, cơ chế chính sách có vai trò quan trọng đến SXKD của doanh nghiệp, như: Luật phát triển công nghiệp trọng điểm, Luật Hóa chất (sửa đổi), Luật Điện lực (sửa đổi) và cơ chế, chính sách về điện mặt trời mái nhà, mua bán điện trực tiếp, khung giá các loại hình điện năng…

Đồng thời, chủ động đề xuất với cấp có thẩm quyền cho thực hiện thí điểm một số cơ chế, chính sách có tính đột phá để thúc đẩy phát triển các ngành, lĩnh vực mới nổi và các mô hình kinh doanh mới, hiệu quả, tạo động lực mới cho tăng trưởng kinh tế đất nước.

Các ngành công nghiệp có tính nền tảng, quan trọng và công nghiệp hỗ trợ sẽ tiếp tục chú trọng phát triển; đồng thời, ưu tiên phát triển một số ngành công nghiệp mũi nhọn, công nghệ mới, công nghệ cao như sản xuất chíp, chất bán dẫn, khai thác chế biến khoáng sản để trở thành một động lực mới thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong thời gian tới.

Tú Chi (T/h)

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu