02:17 ngày 25/11/2024 | HOTLINE : 0983.883.366 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666
DÒNG SỰ KIỆN

Doanh nghiệp đẩy mạnh kích cầu, khai thác hiệu quả thị trường nội địa

Minh Anh (T/h) | 11:49 28/10/2024

(THPL) - Thị trường nội địa là cứu cánh cho tất cả doanh nghiệp, là nền tảng quan trọng hỗ trợ sự phát triển kinh tế - xã hội. Khai thác tốt thị trường trong nước là một trong những giải pháp quan trọng giúp doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh.

Thời gian qua, không chỉ hoạt động xuất khẩu bị ảnh hưởng, chuỗi cung ứng cũng như lưu chuyển hàng hóa thương mại bị gián đoạn mà người dân cũng có tâm lý thu hẹp chi tiêu, mua sắm.

Theo bà Đinh Thị Thúy Phương, Vụ trưởng Vụ Thống kê thương mại và dịch vụ (Tổng cục Thống kê) cho biết, tính chung 9 tháng năm 2024, thị trường nội địa tăng 8,8% so với cùng kỳ năm 2023, trong đó, bán lẻ hàng hóa tăng 7,9%; dịch vụ lưu trú, ăn uống tăng 13,6%; dịch vụ du lịch lữ hành tăng 16,7%...

Mức tăng trưởng này vẫn thấp hơn giai đoạn trước Covid-19. Cụ thể, 9 tháng đầu năm giai đoạn 2015 - 2019, thị trường nội địa tăng trưởng bình quân 11,3%/năm. Tuy nhiên, xét theo quy mô thị trường, thì mức tăng tương đối khá. Quy mô thị trường 9 tháng năm nay tăng 379.108 tỷ đồng so với năm 2023 và tăng 775.323 tỷ đồng so với năm 2022.

Nguyên nhân và giải pháp phục hồi thị trường nội địa

Trước những kết quả trên, Vụ trưởng Vụ Thống kê thương mại và dịch vụ cho rằng, nhu cầu tiêu dùng trong nước phục hồi chậm có nhiều nguyên nhân. Thứ nhất, sản xuất, kinh doanh còn nhiều khó khăn, tiềm ẩn nhiều rủi ro do phụ thuộc vào nhu cầu thế giới; thu nhập chưa tốt, người dân có xu hướng tiết kiệm nhiều hơn và hạn chế mua sắm những đồ dùng không cần thiết.

Thứ hai, hạ tầng chưa đồng bộ, hệ thống chợ đầu mối và logistics chưa đáp ứng nhu cầu phát triển; giá bất động sản tăng cao, chi phí thuê mặt bằng cao, dẫn đến chi phí thương mại cao và hạn chế khả năng cạnh tranh. Nhiều gói kích cầu đã được đưa ra, song một số chính sách, quy định chưa thực sự hỗ trợ tối đa cho sự phát triển của ngành bán lẻ, các cơ sở bán lẻ quy mô nhỏ thiếu kiến thức quản lý và quản trị kinh doanh, nên khó cạnh tranh với doanh nghiệp lớn và chuỗi bán lẻ toàn cầu…

Doanh nghiệp đẩy mạnh kích cầu, khai thác hiệu quả thị trường nội địa. Ảnh minh hoạ

Thứ ba, cuộc đua giành thị phần giữa doanh nghiệp nội địa và nước ngoài rất gay gắt, khiến doanh nghiệp trong nước gặp khó trong việc duy trì, mở rộng thị phần. Giá thuê mặt bằng cao, nên nhiều cửa hàng phải đóng cửa. Xu hướng mua sắm trên sàn thương mại điện tử, mạng xã hội phổ biến và rất khó kiểm soát cũng là nguyên nhân dẫn đến sự sụt giảm tốc độ của thị trường bán lẻ.

Nhằm phục hồi và khai thác hiệu quả thị trường nội địa, bà Đinh Thị Thúy Phương cho rằng cần thực hiện 4 giải pháp:

Thứ nhất, ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát tốt lạm phát và ổn định tỷ giá hối đoái. Thúc đẩy tăng trưởng, nhưng cần tiếp tục thực hiện các chính sách nhằm kiểm soát lạm phát và duy trì mức giá ổn định để đảm bảo sức mua của người dân không bị suy giảm. Đảm bảo nguồn cung ngoại tệ ổn định để tránh biến động tỷ giá ảnh hưởng đến nhập khẩu nguyên liệu và xuất khẩu hàng hóa.

Thứ hai, đẩy mạnh tiêu dùng cuối cùng trong nước bằng cách thực hiện có hiệu quả các chương trình kích cầu như giảm giá, khuyến mãi, nhất là với mặt hàng sản xuất trong nước...; thúc đẩy phân phối hàng hóa qua nền tảng số, thương mại điện tử. Thứ ba, thúc đẩy xuất khẩu và hội nhập quốc tế bằng cách tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại, hỗ trợ doanh nghiệp tham gia hội chợ quốc tế, tìm kiếm đối tác mới và mở rộng thị trường xuất khẩu.

Cuối cùng, là đẩy mạnh giải ngân đầu tư công, tăng tốc giải ngân các dự án đầu tư công, đặc biệt là các dự án hạ tầng giao thông, để tạo động lực cho các ngành liên quan như xây dựng, sản xuất vật liệu, logistics cũng như thúc đẩy thuận lợi trong lưu thông hàng hóa.

Doanh nghiệp cần phát huy vai trò, khai thác hiệu quả thị trường nội địa

Thị trường nội địa là cứu cánh cho tất cả doanh nghiệp, là nền tảng quan trọng hỗ trợ sự phát triển kinh tế - xã hội. Khai thác tốt thị trường trong nước là một trong những giải pháp quan trọng giúp doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh. Muốn vậy, cần có những giải pháp đồng bộ từ phía cơ quan chức năng và sự nỗ lực của các doanh nghiệp.

Liên quan đến vấn đề này, tại buổi họp báo thường kỳ Bộ Công Thương quý III diễn ra mới đây, ông Bùi Huy Sơn - Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính - Bộ Công Thương cho biết, thời gian tới, Bộ Công Thương đặt mục tiêu sẽ tiếp tục phát triển mạnh thương mại nội địa để khai thác có hiệu quả thị trường trong nước. Cùng đó, Bộ sẽ tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành địa phương theo dõi sát diễn biến tình hình thị trường, bảo đảm đủ nguồn cung các mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu người dân, nhất là trong các dịp cao điểm lễ, Tết, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, sốt giá.

Đáng chú ý, ngày 24/10 vừa qua, Bộ Công Thương ban hành Quyết định về việc tổ chức “Tuần lễ Thương mại điện tử quốc gia và Ngày mua sắm trực tuyến Việt Nam năm 2024”. Theo đó, Tuần lễ Thương mại điện tử quốc gia sẽ được tổ chức từ ngày 25/11/2024 đến ngày 01/12/2024; đồng thời 60 giờ ngày mua sắm trực tuyến Việt Nam - Online Friday 2024 được tổ chức từ 0 giờ ngày 29/11/2024 đến 12 giờ ngày 01/12/2024.

Bộ Công Thương cho biết, sự kiện nhằm triển khai tổ chức chương trình mua sắm trực tuyến lớn nhất Việt Nam với các hoạt động trải nghiệm thương mại điện tử và công nghệ số, kích cầu tiêu dùng trong nước, tăng cường nhận thức của người dân với thương mại điện tử, thúc đẩy phát triển các hạ tầng và giải pháp công nghệ số; đồng thời định hướng và hỗ trợ doanh nghiệp tham gia xây dựng thị trường thương mại điện tử bền vững tại Việt Nam.

Ngay sau kế hoạch của Bộ Công Thương, tại hầu khắp các địa phương trên cả nước, nhiều hoạt động xúc tiến thương mại, kích cầu tiêu dùng đã được tổ chức nhằm khuấy động sức mua cuối năm, đưa thị trường nội địa tiếp tục tăng trưởng. Tiếp tục khẳng định vai trò một trong những mũi "chủ công”, đóng góp phần quan trọng cho nền kinh tế.

Bên cạnh những tín hiệu tích cực, một số chuyên gia kinh tế cho rằng, năng lực phản ứng của thị trường trong nước thời gian qua vẫn còn hạn chế trước những biến động tiêu cực của thị trường thế giới. Đặc biệt trong bối cảnh hiện nay xuất hiện nhiều loại hàng hóa nhập lậu, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm, hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ,..

Trước thực trạng đó, để đảm bảo cho thị trường phân phối hàng hoá trong nước, Bộ Công thương đã xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 319/QĐ-TTg, ngày 29/3/2023, “Phê duyệt Đề án về chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng trong thương mại điện tử đến năm 2025”, nhằm thay đổi nhận thức của người dân cũng như bảo vệ thị trường phân phối hàng hoá nội địa, bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng.

Minh Anh (T/h)

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu