15:16 ngày 29/03/2024 | HOTLINE : 0911.344.555 | Email: bbt.thpl@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666

DÒNG SỰ KIỆN

Giải pháp đẩy mạnh tiêu thụ cá tra ở thị trường nội địa

13:52 04/06/2020

(THPL) - Ngoài việc mở rộng thị trường xuất khẩu, để hỗ trợ doanh nghiệp, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết, trong tháng 6, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ phối hợp cùng các ngành liên quan, mời những tập đoàn bán lẻ lớn ở Việt Nam cùng nhau bàn giải pháp đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm cá tra ở thị trường nội địa.

Xuất khẩu cá tra trong 5 tháng đầu năm giảm mạnh tới trên 24%, chỉ cần nội địa tiêu thụ được 10% đến 20% sản lượng cá tra sẽ giảm áp lực cho xuất khẩu đang khó khăn hiện nay.

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (VASEP), trong những tháng đầu năm 2020, hoạt động sản xuất, chế biến, xuất khẩu cá tra có xu hướng giảm sút do tác động kép của đại dịch Covid-19 và xâm nhập mặn. Trong khi đó, sản lượng cá tra năm 2019 đạt mức 1,72 triệu tấn dẫn đến nguồn cung dư thừa, tiêu thụ sản phẩm khó khăn.

Kim ngạch xuất khẩu cá tra tính đến hết tháng 4/2020 chỉ đạt 449.515 USD, giảm 26,9% so với cùng kỳ năm 2019, chủ yếu giảm ở thị trường EU (36,1%), ASEAN (24,4%), Trung Quốc (20,2%), Hoa Kỳ (14,6%), thị trường khác (30,8%). Trong tháng 5, xuất khẩu cá tra đã hồi phục dần so với tháng 4, tuy nhiên so với cùng kỳ ngoái vẫn thấp hơn 15% và kết quả sau 5 tháng ước đạt gần 600 triệu USD, giảm 24%.

Đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm cá tra ở thị trường nội địa (ảnh minh họa)

Theo nhận định của VASEP, với tình hình dịch bệnh Covid-19 còn diễn biến phức tạp tại các thị trường xuất khẩu lớn, như: Mỹ, EU, Brazil… nên xuất khẩu cá tra trong quý 2 khó có thể thoát khỏi mức tăng trưởng âm. Nếu quý 3, tình hình dịch bệnh tại các nước đang là tâm dịch nằm trong tầm kiểm soát, hoạt động sản xuất, kinh doanh mở cửa trở lại thì xuất khẩu cá tra mới có cơ hội phục hồi trở lại.

Theo báo Đầu tư, tại Hội nghị bàn giải pháp sản xuất, tiêu thụ và xuất khẩu cá tra trong bối cảnh hiện nay được tổ chức tại An Giang mới đây, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường đã vạch ra hướng đi cho ngành cá tra trong thời gian tới, bao gồm cả lộ trình xuất khẩu và tiêu thụ nội địa.

Theo đó, trong tháng 5 và tháng 6/2020, các doanh nghiệp tập trung vào xuất khẩu sản phẩm cá tra sang thị trường Trung Quốc, vì thị trường này đang phục hồi khá tốt. Tiếp đó, từng bước tháo gỡ các thị trường khác, như thị trường châu Âu, thị trường Hoa Kỳ.

Và quan trọng hơn là năm nay, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quyết tâm cùng với các DN, các địa phương mở tiếp những thị trường mới đầy tiềm năng, đặc biệt là phải thị trường nội địa. Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, với thị trường nội địa 100 triệu dân này, đây mới là thị trường bền vững lâu dài.

Sự phụ thuộc vào xuất khẩu đã khiến ngành hàng gặp nhiều khó khăn khi các đơn hàng bị đối tác hủy hoặc hoãn giao hàng do lệnh giãn cách xã hội ở hầu hết các quốc gia nhập khẩu.

Ngoài việc mở rộng thị trường xuất khẩu, để hỗ trợ doanh nghiệp, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết, trong tháng 6, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ phối hợp cùng các ngành liên quan mời những tập đoàn bán lẻ lớn ở Việt Nam cùng nhau bàn giải pháp đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm cá tra ở thị trường nội địa.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhận định, chỉ cần nội địa tiêu thụ được 10%-20% sản lượng cá tra thì sẽ giảm áp lực cho xuất khẩu đang khó khăn hiện nay.

Theo TTXVN, hiện thách thức đối với cá tra đến với người tiêu dùng Việt và chinh phục thị trường nội địa là do thói quen tiêu dùng hàng ngày của người dân. Bên cạnh chiến lược xuất khẩu sang những thị trường trọng điểm, các đơn vị sản xuất, kinh doanh cần đẩy mạnh hơn nữa hoạt động tiếp thị, quảng cá cá tra tại thị trường trong nước.

Theo ông Phạm Bửu Việt, đại diện đơn vị kinh doanh Ẩm thực ven sông tại Cần Thơ cho biết, cá tra đã chứng tỏ được giá trị dinh dưỡng và ngon từ lâu nhưng người tiêu dùng chưa ưa chuộng do thiếu hoạt động tuyên truyền, phổ biến.

Trước đây, cá tra cũng là một trong những loại cá vào dịp đám tiệc mới được dùng đãi khách. Mặc dù vậy, tâm lý người dân Việt Nam hiện nay ăn cá nhưng không phải ai cũng nhận biết dinh dưỡng của từng loại.

Trên thực tế, thị trường Mỹ, Nhật… ưa chuộng cá tra không nằm ngoài nguyên nhân giá trị dinh dưỡng của loại cá này cao và là nguồn thực phẩm có lợi cho sức khỏe con người.

Để cá tra tiếp cận được người tiêu dùng Việt và tăng thị phần ở thị trường nội địa, một số chuyên gia cho rằng, cần đưa cá tra lên bàn ăn người dân, du khách bằng cách đa dạng phương thức chế biến, quảng bá, tạo ấn tượng…

Ngoài ra, thúc đẩy các đơn vị liên quan trong chuỗi cung ứng cá tra tham gia nghiên cứu và phát triển sản phẩm ẩm thực từ cá tra, nhất là phục vụ bữa cơm gia đình; đồng thời, tăng cường phổ biến kiến thức, kỹ thuật chế biến, sử dụng gia vị… song song với nâng cao nhận thức về giá trị dinh dưỡng của cá tra.

Bảo An (tổng hợp)

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu