19:42 ngày 18/01/2025 | HOTLINE : 0983.88.33.66 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 090.1111.388
DÒNG SỰ KIỆN

Hàng Việt tiếp tục khẳng định vị thế tại thị trường nội địa

12:53 09/06/2022

(THPL) - Hiện nay nhờ mẫu mã đa dạng, giá cả cạnh tranh mà nhiều sản phẩm “Made in Vietnam” ngày càng tạo được uy tín và được người tiêu dùng đánh giá cao.

Báo Tin tức đưa tin, theo chia sẻ của ông Cao Hữu Hiếu, Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), nếu 10 năm trước đây, người tiêu dùng Việt Nam chuộng sử dụng hàng may sẵn xuất xứ từ nước ngoài do giá rẻ, thì hiện nay không ít người chuyển sang lựa chọn hàng may mặc của Việt Nam để tìm đến các sản phẩm chất lượng hơn.

Còn theo ông Phan Minh Thông, Chủ tịch Hội đồng quản trị Phúc Sinh Group cho biết, hai năm vừa qua, dù dịch bệnh diễn biến phức tạp, song doanh nghiệp thành công nhất với mảng tiêu dùng nội địa, khách hàng biết đến nhiều hơn, doanh thu mảng tiêu dùng tăng trưởng mạnh, đạt kỷ lục từ khi thành lập. Khi đưa các sản phẩm lên trang thương mại điện tử “K Phúc Sinh” và được khách hàng đón nhận nồng nhiệt.

Trong diễn biến liên quan, ông Nguyễn Hồ Hải, Phó bí thư Thành ủy TP.HCM nhìn nhận, dịch COVID-19 là khoảng thời gian chứng kiến sức sống của hàng Việt, khi trong thời gian giãn cách, TP và các doanh nghiệp vẫn đảm bảo nguồn cung hàng hóa không bị gián đoạn, giá cả thị trường được kiểm soát.

Hàng Việt tiếp tục khẳng định vị thế tại thị trường nội địa. Ảnh minh họa

Báo Pháp luật TP.HCM đưa tin, ở góc độ doanh nghiệp, ông Lê Trường Sơn Phó Tổng Giám đốc Saigon Co.op đề xuất, để cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” được thiết thực hơn, ngoài chú trọng về hàng hóa, cuộc vận động cần quan tâm cả những sản phẩm dịch vụ, công nghệ, các sản phẩm vi vật chất, sản phẩm trí tuệ.

Bên cạnh đó, nhà nước cũng cần tăng cường đầu tư về nền tảng hạ tầng công nghệ thông tin, thương mại điện tử, đồng thời hỗ trợ đối đa cho DN trong vấn đề chuyển đổi số. Doanh nghiệp, chính quyền cần tiếp tục đẩy nhanh, mạnh hơn những hoạt động đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông logistic để tạo điều kiện thuận lợi trong việc lưu thông hàng hóa.

Trong một nghiên cứu gần đây của Công ty Đo lường toàn cầu Nielsen, sau dịch COVID-19, có 76% người tiêu dùng Việt Nam chuộng hàng nội địa, đặc biệt là những sản phẩm đã có thương hiệu, bảo đảm chất lượng và tốt cho sức khỏe. Có được điều đó một phần nguyên nhân là do hàng Việt Nam ngày càng nâng cao sức cạnh tranh nhờ chất lượng vượt trội và giá hợp lý. Nhờ đó, tỷ lệ hàng hóa Việt Nam tại hệ thống phân phối đã và đang ngày càng tăng lên.

Thống kê từ Bộ Công Thương cũng cho thấy hàng Việt tại các hệ thống siêu thị trong nước luôn đạt ở tỷ lệ từ 90% trở lên. Đối với kênh bán lẻ truyền thống, tỷ lệ hàng Việt tại các chợ, cửa hàng tiện lợi chiếm tỷ lệ từ 60% trở lên; tại các hệ thống siêu thị trong nước duy trì ở mức cao: Co.opmart (90-93%), Satra (90-95%), Vissan (95%), Vinmart (63% theo mã hàng)...

Thời gian tới, để tiếp tục hỗ trợ hiệu quả các doanh nghiệp, đại diện Bộ Công Thương cho biết, các đơn vị chức năng của bộ sẽ tập trung thực hiện hiệu quả các chương trình, đề án để đẩy mạnh xúc tiến thương mại, phát triển công nghiệp hỗ trợ, cũng như tăng cường ứng dụng khoa học, công nghệ để nâng cao năng suất, năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp Việt Nam.

Đặc biệt, việc chuyển đổi số thông qua ứng dụng thương mại điện tử để mở rộng thị trường bằng các kênh phân phối hiện đại, kết hợp với thanh toán điện tử và giao vận hiện đại sẽ là một trọng tâm để giúp doanh nghiệp có thể tận dụng nhiều cơ hội về thị trường, thông qua đó tham gia vào chuỗi phân phối sản phẩm trong nước và nước ngoài; hỗ trợ xây dựng thương hiệu quốc gia cho các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ Việt Nam chất lượng cao, được người tiêu dùng tin cậy, phù hợp với các cam kết quốc tế và các hiệp định Thương mại tự do thế hệ mới…

Tuấn Kiệt (tổng hợp)

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu