13:39 ngày 13/11/2024 | HOTLINE : 094.210.6666 | Email: bbt.thpl@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666

DÒNG SỰ KIỆN

Công phu nghề “thổi hồn” cho gỗ

14:12 11/11/2024

(THPL) - Không giống như sản phẩm gỗ thông thường, đồ gỗ mỹ nghệ ẩn chứa một vẻ đẹp tinh tế với tính nghệ thuật rất cao.Từng sản phẩm được chạm khắc công phu, đường nét tinh xảo, gửi gắm bao tâm huyết của những người thợ lành nghề. Qua bàn tay tài hoa của nghệ nhân, những miếng gỗ xù xì, thô cứng trở thành những tác phẩm điêu khắc đầy tính nghệ thuật.

Loại gỗ tốt, quý giúp tạo ra những tác phẩm có độ bền cao (Ảnh: Internet)

Quy trình sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ cũng đòi hỏi lắm công phu. Trước hết là khâu chuẩn bị nguyên liệu. Đây có thể coi là một khâu quan trọng nhất trong việc chế tác ra các sản phẩm đồ gỗ mỹ nghệ, bởi lẽ gỗ phải tốt, phải quý thì tác phẩm được hoàn thiện mới có độ bền cao.

Ví như khi tạc sản phẩm tượng gỗ, muốn tượng mang thần thái, truyền tải đúng thông điệp mà nghệ nhân gửi gắm thì phải chọn được loại gỗ tốt. Gỗ dùng để chạm khắc gồm rất nhiều loại khác nhau, tùy theo yêu cầu sử dụng. Để có được sản phẩm bền đẹp, những người nghệ nhân thường sử dụng loại gỗ Dổi, Vàng tâm, gỗ Lim, gỗ Mun, Nghiến, Gụ,.. có đặc tính bền và chắc, ít cong vênh, nứt rạn, không mối mọt.

Tiếp đến là công đoạn xẻ gỗ. Gỗ sau khi thu mua về sẽ có những kích thước khác nhau. Đối với những khối gỗ hộp lớn, sẽ được tiến hành xẻ thành những thanh hoặc những tấm gỗ có kích thước theo yêu cầu sử dụng. Công đoạn này yêu cầu trình độ và năng lực của người thợ xẻ phải rất cao. Người giỏi, có kinh nghiệm là người xẻ gỗ sao cho không bị hao gỗ và cho ra những tấm gỗ không bị nứt nẻ, tỳ vết.

Sau khi xẻ gỗ thành những kích thước như ý, gỗ thành phẩm sẽ được xử lý chống mối, mọt, đưa vào lò sấy hơi nước, đạt đủ tiêu chuẩn về độ khô ráo, độ ẩm mới được đem đi để chế tác.

 Từng sản phẩm gỗ mỹ nghệ được chạm khắc công phu, gửi gắm bao tâm huyết của nghệ nhân (Nguồn: Internet)

Chạm gỗ mỹ nghệ là bước cuối cùng và là bước quan trọng nhất, thể hiện kĩ năng điêu luyện, sự tài khéo cũng như kinh nghiệm của mỗi nghệ nhân, để từ những miếng gỗ thô mộc sẽ tạo ra cả một thế giới của hình khối, mang cái hồn, cái thần thái của sản phẩm.

Công đoạn này, nghệ nhân phải thật tỉ mỉ, chính xác trong chế mẫu cân hình, xác nhận phần gỗ bỏ, đục, gọt nhẵn, nạo, tỉa tách và đánh bóng… Mỗi công đoạn đều đòi hỏi kỹ thuật, tay nghề điêu luyện, đôi mắt tinh và trí sáng tạo mới có thể làm nên được những sản phẩm tinh tế, mang tính nghệ thuật cao. Nghề chạm cũng đòi hỏi sự kiên trì của người thợ, họ phải cặm cụi tối ngày, tỉ mẩn bóc tách những phần gỗ thừa, tạo hình ảnh hoa lá, chim muông, cỏ cây sống động, tinh xảo. Bởi tạo hình trên những khối gỗ khó hơn nhiều so với các chất liệu khác. Kỹ thuật chạm lọng, chạm chìm, chạm nổi, chạm xếp lớp, chạm sâu, chạm cạn, chạm chấm phá, chạm khảm… là những kỹ thuật khó, phải những người thợ thật lành nghề mới làm chủ được kỹ thuật này.

Tài hoa của nghệ nhân đã "thổi hồn" để thớ gỗ vô tri trở thành tác phẩm điêu khắc độc đáo, giàu tính thẩm mỹ (Ảnh: Internet)

Bên cạnh đó, sản phẩm chạm khắc không phải bao giờ cũng thể hiện được trên một khúc gỗ, có khi phải lắp ghép nhiều chi tiết, bằng các loại mộng. Việc làm này cũng góp phần tiết kiệm được gỗ và khắc phục được những khúc gỗ nhỏ, tạo điều kiện thuận tiện khi thể hiện các sản phẩm điêu khắc có tính phức tạp.

Từ những thớ gỗ vô tri, dưới bàn tay tài hoa của người thợ đã chạm trổ nên những tác phẩm đạt tính thẩm mỹ cao, được khách hàng trong và ngoài nước ưa chuộng. 

Hoàng Yến

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu