15:11 ngày 19/01/2025 | HOTLINE : 0983.88.33.66 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 090.1111.388
DÒNG SỰ KIỆN

Chuyện của những người nghệ nhân “giữ hồn” làng nghề điêu khắc Dư Dụ

13:07 17/02/2023

(THPL) - Là một địa chỉ lưu giữ tinh hoa của nghệ thuật điêu khắc, đặc biệt là điêu khắc tượng, những sản phẩm điêu khắc của làng nghề Dư Dụ (xã Thanh Thùy, huyện Thanh Oai, TP.Hà Nội) đã có mặt ở khắp mọi miền đất nước và vượt qua biên giới sang Trung Quốc, các nước Đông Nam Á… để chinh phục những khách hàng khó tính nhất. Để tạo nên những tác phẩm “độc nhất vô nhị” cả về kích thước lẫn độ tinh xảo, những người nghệ nhân làng nghề Dư Dụ không chỉ làm với bàn tay, khối óc tài hoa, mà họ còn làm nghề bằng cả cái tâm của mình.

Từ trung tâm Hà Nội, theo quốc lộ 6 đi đến Ba La rẽ trái theo quốc lộ 21B qua Hà Đông chừng 10 km, tới Bình Đà rẽ trái theo đường tỉnh lộ đi Thường Tín khoảng 4 km đến địa phận xã Thanh Thùy, nơi có làng nghề truyền thống điêu khắc Dư Dụ. Đến Dư Dụ, lắng tai nghe, lọc qua tiếng xe cộ qua lại tấp nập sẽ thấy tiếng rộn ràng của nhát đục, nhát gõ và âm thanh của tiếng cưa, xẻ gỗ, đồng thời sẽ cảm nhận được mùi gỗ mới, mùi của nước sơn...

Theo các cụ cao niên trong làng kể lại rằng: Mỗi người con của Dư Dụ sinh ra dường như đều được trời phú cho đôi bàn tay khéo léo. Bởi vậy mà chỉ bằng chiếc đục, chiếc chàng, những bức tượng Phật bà nghìn mắt nghìn tay, con rồng uốn lượn, Phật Di Lặc từ bi… được chế tác có hồn, mang đến vẻ đẹp ngỡ ngàng.

Chỉ bằng chiếc đục, chiếc chàng, những bức tượng Phật bà nghìn mắt nghìn tay, con rồng uốn lượn, Phật Di Lặc từ bi… được chế tác có hồn, mang đến vẻ đẹp ngỡ ngàng.

Đa số các thợ lành nghề đều làm theo hình thức "cha truyền con nối". Từ trẻ nhỏ đến những người thợ già vẫn luôn từng ngày, từng giờ mài giũa, đục khắc, "đẽo" để làm ra những sản phẩm thủ công mỹ nghệ truyền thống.

Hiện làng Dư Dụ có đến 80% lao động làm nghề điêu khắc truyền thống và tạo thu nhập chính cho người dân đất làng nghề có mặt trên thị trường các nước: Trung Quốc, Đài Loan, các nước Đông Nam Á... Thu nhập từ làm nghề điêu khắc của làng tăng và chiếm tỉ trọng chính trong sự phát triển kinh tế của thôn, thu nhập bình quân đạt 6,8 triệu đồng/người/năm. 

Trong xưởng mộc với quy mô chừng 10 thợ điêu khắc tay nghề cao của gia đình anh Nguyễn Công Trưởng, những âm vang lách cách của thợ điêu khắc chẳng khi nào ngớt. Tâm sự về nghề truyền thống, anh Trưởng chia sẻ: “Người dân trong làng từ nhỏ đã bắt đầu đi học nghề của cha, chú hay người thân quen. Sau 2 đến 3 năm được công nhận là thợ nhỏ (phó nhỏ). Đến khi có tay nghề nghiệp dư thì thành tốp thợ. Sau đó chuyển sang làm thợ bạn và còn mất một thời gian sau mới lên được phó ba, phó hai. Đặc biệt, khi giỏi nghề, giỏi vẽ, thợ điêu khắc sẽ trở thành phó cả, chuyên nhận việc, chỉ đạo thợ làm”.

Chỉ tay vào đoạn gỗ lũa đang nằm trên mặt đất, anh Trưởng bày tỏ: Đối với người khác thì khúc gỗ này chẳng thể làm gì được, nhưng người thợ như anh đã thấy dáng của vị Tổ sư Bồ Đề Lạt Ma với vạt áo cà sa ẩn hiện trong làn mây mờ và cây gậy huyền bích. Chỉ cần kỳ công đẽo gọt đã trở thành một sản phẩm đặc biệt.

Tương tự anh Trưởng, chị Nguyễn Thị Vòng đã quá quen thuộc với công việc tự tay đục, khoét, tạc, khắc từng thớ gỗ, cũng ngót nghét hơn 30 năm nay. Hướng về bức tượng Đức phật Di Lặc, chị nói: Nụ cười của tượng Phật là thành quả từ những giọt mồ hôi, sự lao động miệt mài và tài hoa của người thợ Dư Dụ. Chưa hết, đó còn là nhịp cầu về sự lạc quan, kết nối từ quá khứ đến tương lai.

Với chị Vòng, mỗi đường nét sắc cong được chạm vào cũng chính là nhịp sống mà người Dư Dụ mong muốn. Trên khúc đó có thể là ước nguyện chưa hoàn thành, cũng có thể là mơ ước về một cuộc sống sung túc và có cả những nhọc nhằn, vất vả được khéo léo đưa vào cõi tâm linh qua từng bức tượng. 

Nói về các công đoạn điêu khắc, chị Vòng cho hay, để làm ra một sản phẩm, phó cả sẽ thể hiện những nét mực tạo hình vào khúc gỗ tùy theo kích thước của sản phẩm. Tiếp theo là đục đất, loại bỏ các phần gỗ thừa giống như bản vẽ thiết kế. Tưởng chừng đây là công việc ai cũng có thể làm được, nhưng nếu không cẩn thận sẽ khiến các công đoạn sau mất thời gian hơn rất nhiều.

Trên từng thớ gỗ, người thợ bố trí sao cho đường vân của khối gỗ được rơi vào đúng những điểm đặc biệt để nhấn mạnh ý nghĩa, tạo sự phù hợp; để bức tượng mang nét độc nhất vô nhị mà những người trong nghề và sành chơi đồ gỗ mới có thể cảm nhận được. Đục sai một lỗi nhỏ, có khi phải bỏ đi cả sản phẩm vì không đúng yêu cầu.

“Ngoài việc tuân thủ chặt chẽ luật của nghệ thuật tạo hình về sự cân đối, hài hòa, mực thước, người thợ chế tác tượng còn cần tính toán theo quy luật âm dương ngũ hành, thuật phong thủy. Giá trị cao của tượng điêu khắc gỗ làm ra biểu hiện phải mang đậm triết lý phương Đông, tuân thủ một cách chặt chẽ cả về chất liệu, kích thước, cách sắp đặt, màu sắc, sao cho đúng với y quẻ trong bát quái…”, Chị Vòng nói.

Song, việc đặt các bức tượng ở các vị trí phù hợp là hết sức quan trọng, nó ảnh hưởng đến sức khỏe, sự nghiệp, tài lộc, tài trí… của gia chủ. Hầu hết mỗi bức tượng đều có liên quan đến các cung trong nhà, ví dụ tượng Phật Di Lặc vào cung Phú Quý trong nhà; cung Quý Nhân đặt tượng Thánh Gióng, Trần Hưng Đạo, Quan Công, Đạt Ma Tổ Sư…

Nghệ nhân guyễn Công Trưởng đang miệt mài tạo ra những tượng gỗ độc đáo
Trên 90% người dân xã Thanh Thuỳ làm nghề điêu khắc, nhưng có điều lạ là chưa có một người nào nhận mình là nghệ nhân (dù nhiều người đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân).

Ông Nguyễn Xuân Chánh - Chủ tịch UBND xã Thanh Thùy cho hay: Trên 90% người dân làm nghề điêu khắc, nhưng có điều lạ là chưa có một người nào nhận mình là nghệ nhân (dù nhiều người đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân), họ chỉ nhận mình là người thợ lành nghề.

Về già họ vẫn miệt mài truyền lại những kinh nghiệm quý báu của cả cuộc đời mình cho thế hệ sau, để dù qua bao năm tháng và biết bao thăng trầm của lịch sử, những tuyệt kỹ của nghề chạm khắc Dư Dụ vẫn không bị mai một. Ngược lại, nghề cổ truyền ở nơi đây đang ngày càng phát triển, sản phẩm làm ra đến đâu là đưa đi tiêu thụ đến đó. Từ chỉ sản xuất các loại gỗ quý hiếm thì nay cũng dần đáp ứng nhu cầu của thị trường như gỗ: Pơmu, trắc, mít, xà cừ…

Có dịp đặt chân về làng nghề Dư Dụ, chúng tôi không khỏi bất ngờ bởi dù là trời nắng hay mưa, dẫu là cái lạnh của mùa đông hay cái nóng bức giữa trưa hè thì những người thợ điêu khắc làng Dư Dụ vẫn thoăn thoắt tay đưa đục, làm ra những sản phẩm để trưng bày, trang trí cho không gian, nội thất từ các di tích lịch sử văn hóa đến các gia đình, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp.

Làng Dư Dụ sẽ mãi mãi lưu giữ và truyền lại cho thế hệ trẻ tiếp bước những tinh hoa nghệt thuật điêu khắc tượng gỗ để thổi hồn cho những khúc gỗ tưởng chừng như không có giá trị gì nhưng lại mang lại một vẻ đẹp độc đáo tinh xảo nhờ vào bàn tay tài hoa của những người thợ, người nghệ nhân…

Đỗ Khuyến

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu