11:12 ngày 21/07/2024 | HOTLINE : 0911.344.555 | Email: bbt.thpl@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666

DÒNG SỰ KIỆN

70 năm Hiệp định Geneva - Bài học ngoại giao trường tồn

08:03 21/07/2024

(THPL) - Hiệp định Geneva 1954 là điều ước quốc tế đa phương đầu tiên Việt Nam tham gia đàm phán, ký kết và thực thi. Đây được coi là cuốn cẩm nang chứa đựng nhiều bài học có giá trị trường tồn.

Kỷ niện 70 năm ngày kí kết Hiệp định Geneva ((21/07/1954 - 21/07/2024), Bộ Ngoại giao phối hợp với Bộ Quốc phòng và Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam vừa tổ chức hội thảo khoa học "70 năm Hiệp định Geneva về đình chỉ chiến sự ở Việt Nam". Hội thảo nhằm nêu bật tầm vóc lịch sử và ý nghĩa thời đại của Hiệp định Geneva, đồng thời đúc kết những bài học kinh nghiệm quý báu đối với sự nghiệp xây dựng, phát triển và bảo vệ Tổ quốc.

Theo Báo Người Lao động, trải qua 75 ngày đàm phán căng thẳng và phức tạp, Hiệp định Geneva đã được ký vào ngày 21-7-1954. Cùng với bản Tuyên bố về vấn đề lập lại hòa bình ở Đông Dương và Hiệp định đình chiến ở Đông Dương, bản Hiệp định đình chiến ở Việt Nam đã khẳng định độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam.

Thực tiễn cho thấy nếu trong Hiệp định Sơ bộ năm 1946, Pháp chỉ công nhận Việt Nam là quốc gia tự do nằm trong khối Liên hiệp Pháp thì với Hiệp định Geneva, lần đầu tiên trong lịch sử dân tộc ta, các quyền dân tộc cơ bản của Việt Nam là độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ đã chính thức được khẳng định trong một điều ước quốc tế và được các nước tham dự Hội nghị Geneva thừa nhận.

Cùng với chiến thắng Điện Biên Phủ, việc ký kết Hiệp định Geneva đã kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của nhân dân ta cũng như chấm dứt hoàn toàn sự đô hộ của chủ nghĩa thực dân cũ kéo dài gần 100 năm tại Việt Nam. Với ý nghĩa đó, Hiệp định Geneva đã mở ra thời kỳ chiến lược mới của cách mạng Việt Nam là xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, đồng thời tiến hành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam để đi tới thực hiện trọn vẹn mục tiêu độc lập dân tộc và thống nhất đất nước.

 

 Cuốn sách ảnh “Hiệp định Geneva 1954 - Dấu mốc lịch sử trong sự nghiệp Cách mạng Việt Nam” vừa được Bộ Ngoại giao và Nhà Xuất bản Thông tấn giới thiệu, nhân kỷ niệm 70 năm ký kết hiệp định này. Ảnh: TTXVN

 

 Hiệp định Geneva - Bài học ngoại giao trường tồn

TTXVN dẫn lời Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn phát biểu nhân dịp kỷ niệm 70 năm Hiệp định Geneva lịch sử: Việt Nam đã học được nhiều kinh nghiệm mà đầu tiên phải kể đến là bài học về kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, đoàn kết dân tộc gắn kết với đoàn kết quốc tế để tạo nên "một sức mạnh vô địch".

"Trong quá trình đàm phán Hiệp định Geneva, chúng ta không ngừng mở rộng đoàn kết quốc tế, tranh thủ sự ủng hộ của nhân dân thế giới cho sự nghiệp đấu tranh chính nghĩa của nhân dân Việt Nam", ông Sơn nhấn mạnh.

Thứ hai, bài học về kiên định mục tiêu, nguyên tắc, song linh hoạt, biến hóa về sách lược theo phương châm "dĩ bất biến, ứng vạn biến".

Theo đó, trong suốt quá trình đàm phán, ký kết và thực thi Hiệp định Geneva, chúng ta luôn kiên trì nguyên tắc hòa bình, độc lập dân tộc và toàn vẹn lãnh thổ, song cơ động, linh hoạt có sách lược phù hợp với tương quan lực lượng, bối cảnh tình hình quốc tế và khu vực để giành mục tiêu chiến lược.

Thứ ba, bài học về luôn luôn coi trọng nghiên cứu, đánh giá và dự báo tình hình, phải "biết mình", "biết người", "biết thời", "biết thế" để từ đó "biết tiến", "biết thoái", "biết cương", "biết nhu". Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn đánh giá đây là bài học sâu sắc còn nguyên giá trị trong bối cảnh thế giới hiện nay đang biến động phức tạp và khó lường.

Thứ tư, bài học về sử dụng đối thoại và đàm phán hòa bình để giải quyết bất đồng, xung đột trong quan hệ quốc tế. Đây là bài học mang tính thời đại, nhất là khi nhiều xung đột phức tạp đang diễn ra trên thế giới như hiện nay.

Theo Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn, cuộc đấu tranh chính nghĩa vì hòa bình, độc lập dân tộc, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của nhân dân ta phù hợp với xu thế của thời đại và nguyện vọng chung của nhân dân tiến bộ trên thế giới. Do đó, trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước nói chung, trong đàm phán, ký kết và thực thi Hiệp định Geneva nói riêng, chúng ta luôn nhận được sự ủng hộ to lớn và quý báu cả về vật chất và tinh thần của bạn bè quốc tế, trước hết là từ Lào, Campuchia, các nước xã hội chủ nghĩa và nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới. Trong công cuộc đổi mới, thực hiện đường lối đối ngoại đúng đắn của Đảng, Việt Nam tiếp tục nhận được sự ủng hộ và hợp tác quý báu của cộng đồng quốc tế trên cơ sở bình đẳng, hợp tác cùng có lợi.

Những bài học nổi bật nói trên cùng nhiều bài học quý báu khác từ Hiệp định Geneva đã được Đảng ta kế thừa, vận dụng sáng tạo và phát triển trong suốt quá trình đàm phán, ký kết và thực thi Hiệp định Paris 1973 cũng như trong triển khai công tác đối ngoại hiện nay, Bộ Trưởng Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh.

Trong gần 40 năm tiến hành Đổi mới, Việt Nam đã luôn nhất quán thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa; chủ động, tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng; là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế.

Đến nay nước ta đã thiết lập quan hệ ngoại giao với 193 quốc gia thành viên Liên hợp quốc, có quan hệ đối tác chiến lược và đối tác chiến lược toàn diện với 5 nước Ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, có mạng lưới quan hệ đối tác chiến lược và đối tác toàn diện với 30 nước. Việt Nam cũng là thành viên tích cực, có trách nhiệm của hơn 70 tổ chức, diễn đàn khu vực và quốc tế lớn như Liên hợp quốc, ASEAN, WTO, APEC và ASEM.

Tuệ Linh (t/h)

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu