12:46 ngày 28/04/2024 | HOTLINE : 0911.344.555 | Email: bbt.thpl@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666

DÒNG SỰ KIỆN

Doanh nghiệp Việt tận dụng tối đa Hiệp định VIFTA, góp phần phát triển thương mại với Israel

13:02 28/08/2023

(THPL) - Việc ký kết và triển khai thực hiện Hiệp định VIFTA sẽ tạo tiền đề thuận lợi để Việt Nam thúc đẩy xuất khẩu những mặt hàng thế mạnh sang Israel, đồng thời có cơ hội tiếp cận các mặt hàng công nghệ cao của Israel, góp phần làm giảm chi phí sản xuất, kinh doanh, nâng cao sức cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam.

Israel hiện là thị trường xuất khẩu đứng thứ 3, là đối tác thương mại lớn thứ 5 của Việt Nam tại khu vực Tây Á và được đánh giá là thị trường lớn, tiềm năng đối với hàng hóa Việt Nam tại khu vực Tây Á. Cơ cấu mặt hàng của Israel và Việt Nam có sự bổ sung lẫn nhau, không cạnh tranh trực tiếp.

Điều này tạo điều kiện để Việt Nam thúc đẩy xuất khẩu nhiều mặt hàng thế mạnh sang Israel, đồng thời có cơ hội tiếp cận các mặt hàng công nghệ cao của Israel, góp phần làm giảm chi phí sản xuất, kinh doanh, từ đó nâng cao sức cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam.

Trong cán cân thương mại, Việt Nam luôn là nước nhập siêu từ Israel. Việt Nam chủ yếu xuất khẩu các sản phẩm như điện thoại các loại và linh kiện, thủy hải sản, hạt điều, cà phê, giầy dép, hạt tiêu, dệt may, gỗ và sản phẩm gỗ ... Các sản phẩm Việt Nam nhập khẩu từ Israel là máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, máy móc thiết bị và phụ tùng, phân bón các loại, hàng rau quả…

Năm 2022, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam với Israel đạt 2,2 tỷ USD, tăng 17,9% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đến Israel đạt 785,7 triệu USD, tăng 0,6%; kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam từ Israel đạt 1,4 tỷ USD, tăng 30%; nhập siêu của Việt Nam từ Israel có giá trị 656,5 triệu USD, tăng 99,5% so với cùng kỳ năm 2021.

Doanh nghiệp Việt tận dụng tối đa Hiệp định VIFTA, góp phần phát triển thương mại với Israel. Ảnh minh hoạ

Và mới đây, Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Israel (VIFTA) đã được ký kết. VIFTA được kỳ vọng sẽ tạo tiền đề thuận lợi để Việt Nam thúc đẩy xuất khẩu những mặt hàng thế mạnh sang Israel cũng như tiếp cận các mặt hàng công nghệ cao của nước này, góp phần làm giảm chi phí sản xuất, kinh doanh, nâng cao sức cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam. Các chuyên gia cho rằng, Việt Nam cần triển khai nhiều giải pháp để tận dụng tối đa các cơ hội mà Hiệp định mang lại.

Theo PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh - chuyên gia kinh tế, để tận dụng tối đa các cơ hội từ VIFTA mang lại, về phía cơ quan chức năng, cần phải đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến Hiệp định VIFTA một cách sâu rộng trong cộng đồng doanh nghiệp, tổ chức kinh tế - xã hội, tổ chức sản xuất kinh doanh, các hiệp hội. Từ đó, các hiệp hội, ngành nghề, địa phương có thể xem xét về những lợi thế, khả năng tận dụng ưu đãi thuế quan… từ FTA.

Về phía các doanh nghiệp có thể nhìn thấy cơ hội liên kết, xuất khẩu sang thị trường Israel. Bởi lẽ, mặc dù công nghiệp chế biến, chế tạo của Israel rất cao, nhưng họ đang bị giới hạn bởi đặc tính riêng của một quốc gia sa mạc, do đó, Israel cần nhiều các sản phẩm nhiệt đới, trong đó có sản phẩm từ Việt Nam.

PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh cho rằng, các doanh nghiệp cần đi sâu tìm hiểu và xem xét khả năng hợp tác và tận dụng cơ hội sản xuất kinh doanh là những gì để từ đó có những lộ trình cho từng doanh nghiệp, ngành nghề, mặt hàng. Trên cơ sở đó, phát huy được ưu điểm, tận dụng được các mặt mạnh và đẩy mạnh xuất khẩu. Nhất là trong bối cảnh hoạt động xuất khẩu của chúng ta trong thời gian vừa qua còn nhiều khó khăn.

Còn theo PGS. TS. Ngô Trí Long - chuyên gia kinh tế cho rằng, để tận dụng VIFTA một cách có hiệu quả, doanh nghiệp Việt cần chủ động trong vấn đề tìm hiểu những cơ chế, chính sách, thị trường, những rào cản thương mại để từ đó nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hóa. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng cần chủ động trong xúc tiến thương mại, tìm hiểu thị trường.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp Việt hoạt động phải chuyên nghiệp hơn. Bởi, Israel là một đối tác có năng lực cạnh tranh lớn, có điều kiện tốt, nếu không chuyên nghiệp trong hoạt động xuất nhập khẩu thì sẽ khó tiếp cận. Hơn hết, khoa học kỹ thuật của Israel rất phát triển, những mặt hàng tiêu dùng mà Việt Nam xuất khẩu sang phải chú ý nâng cao chất lượng, đặc biệt vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm.

Đây là điều kiện thuận lợi để cộng đồng doanh nghiệp hai nước xây dựng, củng cố và đa dạng hóa chuỗi cung ứng hàng hóa, đặc biệt đối với những ngành hàng, mặt hàng mà một bên có thế mạnh, bên kia có nhu cầu và ngược lại, như: dệt may, da giày, đồ gỗ, nông sản nhiệt đới, thuỷ hải sản... của Việt Nam hay là máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, máy móc thiết bị và phụ tùng, phân bón các loại, hàng rau quả … của Israel.

Mai Anh (T/h)

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu